NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Gặp nghệ nhân khôi phục nghề tranh làng Sình
(Ngày đăng: 15/03/2014   Lượt xem: 917)
Chiếc thuyền rồng chở chúng tôi rời bến chân cầu Trường Tiền xuôi dòng Hương giang về phía hạ nguồn để cập bến làng Sình. Ngôi làng này còn có tên chữ là làng Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, H. Phú Vang, tỉnh TT- Huế, nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng 9 cây số về hướng Đông Bắc.

Bên trong bờ tre xanh yên ả kia là một ngôi làng từng làm thổn thức bao bước chân du khách đến đây để nghe thấy cuộc thăng trầm của làng nghề truyền thống để lưu giữ được một sản phẩm văn hóa độc đáo: tranh dân gian làng Sình.

NN Kỳ Hữu Phước giới thiệu nghề tranh làng Sình.

TRANH LÀM TỪ CHẤT LIỆU THIÊN NHIÊN

Anh Nguyễn Minh Trí, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Vietravel, đưa đoàn đến cơ sở tranh của nghệ nhân (NN) Kỳ Hữu Phước, người nổi tiếng đã có công cứu sống một làng nghề. Ông Phước năm nay 65 tuổi, là đời thứ 9 của làng nghề có gần 500 tuổi. Tranh làng Sình bắt đầu ngấm vào máu thịt từ khi ông còn tấm bé, biết cầm cọ phụ cha tô màu cho những bức tranh đơn giản. Theo NN Hữu Phước, ngày xưa tranh làng Sình chủ yếu phục vụ cho tín ngưỡng thờ cúng. Để có được bức tranh phải trải qua nhiều công đoạn hết sức vất vả.

Đầu tiên là lên rừng tìm cây dó trầm về làm giấy. Giấy dó làm xong phải bôi hồ điệp. Con điệp (sò) lấy dưới đầm phá Cầu Hai về nghiền cho mịn, trộn với bột gạo khuấy nên hồ. Hồ đó gọi là hồ điệp. Do vậy làng Sình ngày xưa người ta còn gọi là làng Hồ Điệp. Dùng chổi nhúng hồ điệp quét lên giấy dó, đem phơi khô, rồi lại quét và phơi khô lần nữa mới ra tờ giấy điệp. Loại giấy này cho bức tranh thẳng và giữ màu mực không phai. Giấy thành phẩm được xén thành nhiều kích thước tùy theo từng loại tranh lớn hay nhỏ. Làm xong giấy thì quay ra khắc hình lên tấm ván gỗ gõ hoặc gỗ mít gọi là mộc bản. Đặt tờ giấy điệp lên mộc bản đã bôi mực đen để in ra bức tranh đen trắng, đợi mực khô rồi mới tô màu cho tranh.

Tranh làng Sình có 6 màu chính. Chất liệu màu dùng từ nguyên liệu tự nhiên. Lá bàng tươi ngâm nước lâu ngày trộn với tro rơm bỏ vào cối giã nát mịn, lắng nước, trộn hồ để cho ra màu đen nhánh. Màu vàng: lá đung trộn với hoa hòe nấu sôi 15 phút. Nhặt gạch cổ mục nát đem về mài lấy bột trộn hồ để làm màu cam. Khó nhất là làm màu đỏ tươi: lên rừng sâu tìm rễ cây vang mang về bỏ vào nồi đất sắc 4 đêm 5 ngày mới ra màu đỏ. Dùng hoa, thân, rễ, lá cây dành dành mọc ở khe rừng về nấu ra màu xanh. Thu hoạch trái mồng tơi chín bỏ vô thùng lâu ngày cho rữa ra lấy nước làm màu tím.

Từ các màu chính pha trộn lẫn nhau để có những màu khác. Tất cả các màu tự nhiên làm ra đều phải trộn keo da trâu để giữ cho màu tranh tươi sáng mãi. Một bức tranh làm theo phương pháp thủ công truyền thống có độ bền rất cao nhờ giấy điệp và mực tự nhiên nhưng công lao vất vả. Hôm nay, nếu có khách đặt hàng người ta mới làm, còn đa phần dùng giấy và màu công nghiệp để phục vụ du khách trải nghiệm làm tranh thực tế tại các cơ sở của làng nghề.

Cây cọ tô màu tranh làng Sình bây giờ là dụng cụ đặc biệt không nơi nào có. Ngày trước người ta dùng cọ tre vừa khô, cứng, ít hút mực, độ bền không cao. Cây cọ của làng Sình hôm nay làm từ rễ cây dứa dại, là một phát minh của NN Kỳ Hữu Phước. Rễ dứa dại cắt về phơi khô, đoạn ra từng khúc bằng gang tay. Dùng dao cắt quanh đầu đoạn rễ loại bỏ lớp vỏ bọc bên ngoài để lộ ra lõi rễ là một bó chỉ tự nhiên mềm mịn làm ngòi cọ chấm mực tô màu. Cây cọ mới dễ thấm và giữ mực lâu, quét màu đều, không xước giấy, dùng một năm mới thay. Phát minh này nhanh chóng được truyền cho bà con cả làng sử dụng làm cho chất lượng tranh đẹp hơn.

Tranh dân gian làng Sình.

HỒI SINH MỘT LÀNG NGHỀ

Đứng trước gian hàng tranh rực rỡ sắc màu hôm nay, NN Phước không quên có thời kỳ nghề tranh làng Sình đã từng đi vào quên lãng hơn 20 năm do chiến tranh ly tán và đời sống kinh tế khó khăn, không ai còn theo đuổi làm nghề. Từ năm 1975 đến 1995 tranh làng Sình ai cũng nghĩ đã thực sự “chết rồi”. Thời kỳ đất nước nghèo khó, tiết kiệm, chống mê tín dị đoan, học sinh thiếu giấy viết mà đi mua tranh làng Sình về thờ cúng rồi đốt đi là lãng phí. Cả làng chỉ còn sót lại 2 người biết làm tranh là NN Phước và người chị gái. Ông lặng lẽ cất giấu hàng trăm mộc bản từ nhiều đời cha ông truyền lại, mong chờ có ngày đem ra sử dụng.

Từ năm 1996 với thành quả chính sách mở cửa kinh tế khá lên, có chủ trương khôi phục làng nghề, NN Phước vui mừng mời cả làng tới nhà mở lớp dạy nghề miễn phí; cung cấp mộc bản, khắc thêm khuôn mới cho bà con, từng bước làm sống lại một làng nghề. Có người hỏi tại sao không giữ lấy bí quyết và độc quyền, ông nói: “Một mình tôi không làm nên được làng nghề, một con én đâu thể làm nên mùa xuân. Có đông người thì mới có làng nghề, sản phẩm được lan rộng, nét đẹp văn hóa truyền thống làng Sình sẽ vang xa”.

Bộ mộc bản 12 con giáp.

Làng Sình từ chỗ 1 hộ đến nay có 55 hộ làm nghề tranh dân gian. Một làng nghề, một địa chỉ văn hóa đã thực sự hồi sinh. Ngoài tranh phục vụ tín ngưỡng, nhân dịp Festival Huế lần đầu được tổ chức vào năm 2000, NN Phước sáng tạo thêm dòng tranh trang trí,  phản ánh các sinh hoạt đời thường của người dân như cày ruộng, cấy lúa, hình ảnh những con vật gần gũi với người nông dân, các linh vật,  trò chơi dân gian, đô vật, kéo co, bộ lịch 12 con giáp, vật dụng thường ngày như giày, dép, mũ, nón, quần áo... Tranh làng Sình rộn ràng nhất vào những dịp lễ Tết, sản phẩm tỏa đi bốn phương, đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng và những người yêu thích dòng tranh dân gian.

Tại cơ sở phục vụ khách tham quan, giá một bức tranh theo quy định của ngành du lịch là 20.000 đồng, khung tranh: 100.000 đồng. Vì khung tranh bất tiện cho du khách khi mang lên máy bay, NN Hữu Phước sáng tạo ra ống tre đựng tranh có giá 25.000 đồng.  Chiếc ống tre dễ mang xách, rơi không vỡ, giữ tranh không  ướt... đã mang về cho ông giải Khuyến khích cuộc thi sáng tạo quà lưu niệm do Sở VH-TT&DL TT-Huế tổ chức.

Nhờ có công khôi phục nghề tranh làng Sình, NN Kỳ Hữu Phước nhận được nhiều giấy chứng nhận, bằng khen các cấp chính quyền và của ngành văn hóa, du lịch. Hôm nay, làng nghề thường xuyên đón khách đến tham quan. Tất cả bà con đều vui vẻ đón khách, giới thiệu nét đẹp văn hóa của tranh làng Sình, hướng dẫn mọi người cùng trải nghiệm thực tế làm tranh, đem lại niềm vui khám phá cho du khách. Chia tay đoàn, NN Kỳ Hữu Phước tâm sự, mong sao cho làng nghề luôn sống mãi, được bảo tồn và phát triển.

Đó là tâm huyết lớn nhất của cuộc đời ông. Ngoài nét đẹp văn hóa, cuộc thăng trầm của tranh làng Sình cũng làm thổn thức bao trái tim người Việt lẫn người ngoại quốc đã một lần đặt chân đến đây. Công ty Du lịch Vietravel là công ty lữ hành đầu tiên mạnh dạn đưa địa chỉ làng Sình vào hành trình tour vừa mang lại nhiều cảm xúc mới lạ cho du khách vừa đóng góp bảo tồn những giá trị truyền thống dân gian và nét đẹp văn hóa làng Việt mến yêu. Mô hình liên kết du lịch với làng nghề được xem là một giải pháp phát triển bền vững mong sao được nhân rộng ở nhiều địa phương.

                                                                                             Theo: Cadn.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.494.873
Tổng truy cập: