NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Tự lực vươn lên từ một làng nghề
(Ngày đăng: 15/01/2014   Lượt xem: 761)
Nhờ sản xuất phát triển, người lao ở công ty TNHH Việt Thắng thường xuyên có việc làm và thu nhập ổn định.

Sinh ra từ làng nghề cơ khí Đồng Côi (Nam Giang), năm 1988 sau khi học hết lớp 12 phổ thông, Lê Việt Thắng xác định “trụ lại quê nhà, lập nghiệp bằng nghề truyền thống của quê hương” – sản xuất các sản phẩm cơ khí. Nhờ kiên trì và luôn đầu tư đổi mới thiết bị đã giúp công ty của Việt Thắng đứng trong “Top” những doanh nghiệp cơ khí hàng đầu ở Nam Định.

Thời gian đầu để có vốn làm ăn, cũng là để tích lũy vốn sống và kinh nghiệm, Thắng xin phép bố mẹ cho đi buôn, đem sản phẩm cơ khí của làng nghề bỏ mối cho các đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sau sáu năm lăn lộn với thương trường học hỏi được nhiều điều từ cuộc sống, bạn hàng, Thắng trở về nhà, chuyên tâm vào việc làm côn, trục xe đạp và các loại bu-lông. Lê Văn Thắng cho biết, đây là những sản phẩm chủ lực của làng nghề Đồng Côi, Vân Chàng (Nam Giang) nhưng đều làm thủ công, chất lượng sản phẩm không cao, kém sức cạnh tranh.

Anh đã động viên người thân trong gia đình dồn toàn bộ vốn liếng trong nhà cộng với vay ngân hàng (lãi suất 2,7 %/tháng) được gần 30 triệu đồng (thời điểm năm 1996) để mua một máy đột dập bu-lông và máy rút sắt làm các loại dây buộc phục vụ cho xây dựng nhằm đa dạng hóa sản phẩm làng nghề.

Từ khi sản xuất bằng máy, năng suất làm bu-lông tăng gấp mười lần, từ 300 sản phẩm/ngày công lên 3.000 sản phẩm/ ngày công lao động; chất lượng sản phẩm vượt trội; góp phần tích cực vào việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa phụ tùng xe máy tại các sơ sở lắp rắp xe máy lớn trong cả nước.

Cũng vào thời điểm này, nhu cầu xây dựng dân dụng phát triển mạnh nên cả hai chiếc máy “đầu cơ nghiệp” của Thắng phát huy hiệu quả cao, đem lại cho gia đình nguồn thu nhập không nhỏ. Nhiều hộ dân trong làng thấy Thắng “thắng lớn” đã nhờ anh tư vấn mua máy đột dập, hướng dẫn kỹ thuật làm bu-lông bằng máy, đều được anh tận tình giúp đỡ.

Khi việc sản xuất bu-lông, đồ sắt gia dụng được thực hiện bằng máy gần như “phủ kín” làng cơ khí Đồng Côi, Lê Văn Thắng quyết định thành lập doanh nghiệp, tập trung đầu tư thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ và chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng chuyên dụng cho ngành khai thác khoáng sản, điện lực và các sản phẩm kết cấu thép phi tiêu chuẩn phục vụ ngành xây dựng, cầu đường. Đồng thời xây dựng hệ thống nhà xưởng hiện đại ở cụm công nghiệp Đồng Côi trị giá hơn 20 tỷ đồng.

Qua nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu “đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại để phát triển, đến nay Công ty TNHH Việt Thắng một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất cơ khí, kết cấu thép ở Nam Định với khu xưởng sản xuất rộng 11.000 m2, có đủ các loại máy đột dập 150, 200, 250 và 300 tấn; máy cắt tôn (dài 10,5 m, khổ dầy 18 mm) và loại khổ dầy 20 mm.

Sản phẩm của công ty đã được khẳng định chất lượng tại các công trình: Lan can can cầu Phùng (trên đường 32); xe đúc hẫng, giá long môn phục vụ thi công cầu Vĩnh Tuy, lan can cầu Đông Trù (Hà Nội), dàn giáo pale phục vụ thi công nhà ga T2 - sân bay Nội Bài, hệ thống cột chống và gía đỡ hầm lò… Theo đó, doanh thu của công ty mỗi năm một tăng. Năm 2013, đạt hơn 100 tỷ đồng; người lao động có việc làm và thu nhập ổn định từ 3,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Giám đốc Lê Văn Thắng cho biết, trong năm 2014, công ty tiếp tục đầu tư nhiều thiết bị tiên tiến,với công nghệ hiện đại để mở rộng sản xuất. Trong đó có máy lốc tôn tấm thủy lực có bẻ mép phục vụ cho việc thi công cầu, đường ở các tỉnh phía nam ngay trong quý I đầu năm nay.

Năng động, mạnh dạn trong cung cách làm ăn nên Công ty TNHH Việt Thắng luôn được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) thuộc Bộ Công thương chọn làm mô hình chuyển giao công nghệ ở Nam Định.

Mới đây là mô hình trình diễn kỹ thuật “Chế tạo kết cấu thép phi tiêu chuẩn” tạo ra các sản phẩm cơ khí phục vụ khai thác mỏ, giao thông… công suất 4.000 tấn sản phẩm/năm với tổng vốn đầu tư trên gần 22 tỷ đồng. Trong đó, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2013, IPC 1 đã hỗ trợ cho công ty hơn 226 triệu đồng. Việc đưa thiết bị đột dập vào dây chuyền sản xuất tuy mức đầu tư cao hơn so với dây chuyền sản xuất truyền thống nhưng bù lại năng suất lao động sẽ tăng lên gấp đôi, giảm hao hụt nguyên vật liệu, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Sản phẩm làm ra đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, chủng loại, nguyên liệu, kích thước định hình và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác theo yêu cầu của khách hàng.

Hiện tại mô hình này đang được IPC1 rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng tại các làng nghề cơ khí ở Nam Định, góp phần hiện đại hóa nghề cơ khí mạ truyền thống đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp nông thôn Nam Định phát triển.

Bên cạnh đó, Giám đốc Lê Văn Thắng luôn chăm lo đến người lao động cả vật chất lẫn tinh thần. Công ty hiện có gần 100 lao động chủ yếu là thợ lành nghề, giàu kinh nghiệm thu hút được từ các làng nghề truyền thống trong khu vực. Và bản thân giám đốc Thắng cũng thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý kinh tế; tham quan, trao đổi học tập ở nước ngoài.

Tính bình quân, hằng năm, công ty dành khoảng bốn, năm trăm triệu đồng cho việc đào tạo nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người lao động và đội ngũ cán bộ quản lý. Nhờ đó, sự phát triển của công ty Việt Thắng luôn ổn định, là địa chỉ tin cậy, lâu bền của ngành khai thác khoáng sản Việt Nam, của nhiều tổng công ty xây dựng, giao thông và điện lực trong cả nước.

Công ty TNHH Việt Thắng thành lập từ tháng 2- 2002, vốn là một cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ, quy mô gia đình ở làng Đồng Côi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực, Nam Định). Đến nay, công ty đứng trong “Top” những doanh nghiệp cơ khí hàng đầu ở Nam Định, chuyên sản xuất bu-lông, linh kiện xe máy, kết cấu thép phi tiêu chuẩn chuyên phục vụ ngành lắp ráp xe máy, khai thác khoáng sản, các công trình xây dựng, giao thông của ngành khai thác khoáng sản, các tổng công ty xây dựng, giao thông.

Giám đốc Lê Văn Thắng đang kiểm tra sản xuất tại phân xưởng cơ khí chuyên sản xuất cột chống, giá đỡ phục vụ khai thác khoáng sản.

Theo: nhandandientu

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.518.806
Tổng truy cập: