NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Cất bằng đại học, bỏ phố về làng mê đắm những pho tượng gỗ
(Ngày đăng: 09/01/2014   Lượt xem: 658)
Anh Đỗ Xuân Xuyến, SN 1974, sinh ra và lớn lên tại làng nghề Thiết Úng, gia đình nhiều đời theo nghề truyền thống của làng nên từ nhỏ anh đã đam mê và yêu những đường nét chạm khắc trên từng khúc gỗ.
Đến thăm làng nghề truyền thống chạm khắc gỗ Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi được một vị khách Việt kiều  giới thiệu đến anh Đỗ Xuân Xuyến, là người có bàn tay tài hoa ở làng nghề này khi biến những khúc gỗ thành những tượng gỗ chân dung như người thật…

Về làng vì đam mê nghề truyền thống

Anh Đỗ Xuân Xuyến, SN 1974, sinh ra và lớn lên tại làng nghề Thiết Úng, gia đình nhiều đời theo nghề truyền thống của làng nên từ nhỏ anh đã đam mê và yêu những đường nét chạm khắc trên từng khúc gỗ.

“Học hết THPT, tôi ở nhà làm cùng bố mẹ và để ý thấy ở làng các tầng lớp thợ chạm khắc gỗ chủ yếu đi tìm mẫu mã về làm bằng cách truyền nghề, truyền khẩu. Riêng tôi lại thích một cái gì đó mới và khác biệt hơn nên làm ở nhà được 3 năm thì tôi quyết tâm đi học, thi đậu vào khoa Điêu khắc, trường ĐH Mỹ thuật.

Năm 2000 ra trường, tôi vào làm ở Cty gốm sứ Minh Long, thuộc Cty Mỹ thuật Trung ương, chi nhánh TP HCM. Tại đây tôi  đã tự tay sáng tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc đạt chất lượng cao khiến khách hàng rất hài lòng nhưng chủ yếu các tác phẩm đó được làm từ thạch cao hoặc đá. Tôi nhớ nhất ngày tôi hoàn thành bức tượng bằng đá của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi rất tâm huyết không chỉ vì đam mê nghề mà đó là người tôi vô cùng kính trọng. Ngày các con của ông đến nhận tượng, cũng có một số điểm khiến họ không vừa ý nhưng khi được tôi giải thích về nghệ thuật điêu khắc thì họ hài lòng khiến tôi rất vui và có thêm động lực”, anh Xuyến cho biết.

Gần chục năm sinh sống và làm việc tại TP HCM, anh Xuyến đã lập gia đình, lấy vợ người ở tỉnh Tiền Giang. Cuộc sống khá ổn định nhưng anh vẫn đau đáu ngóng về quê hương. Nhiều người bạn ở quê biết tay nghề của anh cũng bảo anh về làng làm gỗ, làng còn thiếu những người có chuyên môn sâu về chân dung truyền thần điêu khắc trên chất liệu gỗ. Năm 2012, anh quyết định đưa vợ con về quê lập nghiệp.

Nghề chạm khắc gỗ ở Thiết Úng đã tồn tại gần 400 năm, tháng 2-2010 được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống.  Lớp nghệ nhân đi trước của làng đã đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát triển những tinh hoa nghề của cha ông để lại, từng được triều đình phong hàm, phong tước hiệu cao.

Vài năm trở lại đây, nhu cầu về sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ trên thị trường tăng cao, nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ của thôn Thiết Úng đã lan rộng ra các thôn lân cận. Ngoài các tác phẩm tượng gỗ dân gian thì các cơ sở điêu khắc trong làng còn làm thêm đồ nội thất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã.

“Tôi thích sáng tạo, phá cách với lại làm nghệ thuật cần môi trường thoải mái để sức sáng tạo của mình không bị hạn chế. Để có được sự khác biệt, không đi theo lối mòn cũ, tôi đã tìm hiểu kỹ từ các nghệ nhân cho đến các hộ dân trong làng, chưa có ai tự phác thảo sáng tạo mẫu mã để phát triển mảng điêu khắc chân dung. Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm ở Cty mỹ nghệ cộng với kiến thức thầy cô dạy ở trường ĐH, tôi quyết tâm khai phá “vùng đất mới” với tất cả niềm đam mê, tâm huyết và lòng yêu nghề sâu sắc, tôi trở lại quê hương và gắn bó với nghề truyền thống của cha ông”, anh Xuyến chia sẻ.


 Đại lão hòa thượng Thích Huyền Tôn, được anh Xuyến phác họa bằng đất sét trước khi điêu khắc bằng gỗ.     Ảnh: Lê Mận

Bàn tay tài hoa “truyền thần” cho gỗ

Làng Thiết Úng nhộn nhịp tiếng đục đẽo, tiếng máy và tiếng cười nói của người dân đang sản xuất. Còn cơ sở điêu khắc của gia đình anh Xuyến nằm ở rìa làng, vắng vẻ và thanh tĩnh hơn, từ ngoài cổng vào trong nhà là những khúc gỗ, rồi đến những sản phẩm đang làm dở dang cho đến những bức tượng đã được hoàn thiện đẹp mê hồn, chờ khách hàng đến lấy.

Anh Xuyến cho biết: “Trước đây xưởng gia đình tôi sản xuất ở trung tâm làng, nhưng khi tôi về, tôi chuyển riêng ra đây. Vì không gian nhộn nhịp, sầm uất khiến sức sạng tạo bị giảm sút.

Điêu khắc chân dung hay điêu khắc toàn thân thì quan trọng nhất là khuôn mặt tác phẩm đó phải có hồn. Làm điêu khắc chân dung người thật khác xa với điêu khắc chân dung dân gian. Chính vì vậy, nghề này đòi hỏi sự kiên trì, lòng yêu nghề, sự đam mê, sáng tạo và đặc biệt là óc thẩm mỹ cao.
Bình thường ở làng, họ tìm mẫu mã rồi về làm, còn tôi tự sáng tạo ra mẫu mã, tự làm. Khách hàng yêu cầu như thế nào thì tôi dựa vào tư liệu và tấm ảnh họ đưa cho rồi làm theo đúng yêu cầu của họ.

Đối với tượng chân dung dân gian như tượng Phật Di Lặc thì đơn giản là chỉ cần ước tỷ lệ tương đối, còn tượng điêu khắc chân dung người thật thì phải chính xác với hình ảnh đến 95%, gương mặt phải biểu cảm, có hồn.

Vì vậy khi nhận được đơn đặt hàng của khách, tôi phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, đi tìm đất sét (lọai đất dẻo, dai và không có sạn) mang về nặn khuôn theo chuẩn kích thước và giống nhất với ảnh cho khách xem, nếu khách thấy ưng và đồng ý thì mình mới làm bằng gỗ.

Với loại gỗ rẻ như gỗ mít tuy dễ làm nhưng độ bền và đẹp thì gỗ trắc ăn đứt cả chục lần nhưng giá thành và quá trình chạm khắc lại khó gấp chục lần gỗ mít. Gỗ trắc để càng lâu màu gỗ càng ngả về màu nâu bóng, cổ kính rất đẹp và sang trọng.

Quá trình làm đòi hỏi người thợ phải tự tìm tòi từ cách thể hiện, dáng đứng thế nào cho hợp lý với từng chi tiết tỉ mỉ, đường nét có thẩm mỹ để bức chân dung sống động, chân thật. Điều đó đòi hỏi phải tự mình sáng tạo ra, tự nghĩ trong đầu thôi.

Một bức tượng điêu khắc chân dung người thật trên gỗ có hàng trăm chi tiết nhưng khó nhất là khuôn mặt, từ ánh mắt, khóe mắt, khóe miệng cười, làm thế nào để được một khuôn mặt biểu cảm giống người thật. Tất cả đều phải có sự sáng tạo và óc thẩm mỹ.

Bức tượng chân dung điêu khắc người thật đầu tiên của tôi được hoàn thiện sau 2 tháng kỳ công, cần mẫn làm một mình. Ai nhìn cũng ngạc nhiên và khen ngợi vì từ trước đến nay mọi người mới chỉ nhìn qua chất liệu thạch cao hoặc đá, đồng.

Sản phẩm đầu đời được một vị khách ở Nghệ An mua và còn đặt làm bức tượng về một danh nhân. “Chân ướt, chân ráo” về làng, lại làm một mảng riêng mà không ai làm, không mấy khởi sắc vì giá thành cao, lại khó làm. Thế nhưng thành công đó khiến tôi có thêm động lực, tôi vui và hạnh phúc khi nhìn lại thành quả đầu tiên của mình trên chất liệu gỗ”.

Từ đó đến nay anh Xuyến đã thực hiện thành công nhiều tác phẩm điêu khắc bằng gỗ, anh đã “thổi hồn” vào những khúc gỗ vô tri, biến chúng thành những bức tượng chân dung như người thật khiến nhiều người thán phục.


Một bức tượng đang dang dở các công đoạn.    

Muốn được nhiều người cộng tác cùng phát triển

Được biết từ lúc mở xưởng, thành công với nhiều bức tượng sống động và tinh tế, đơn đặt hàng tới cơ sở sản xuất của anh Xuyến liên tục làm không kịp vì ngoài anh ra chưa ai có khả năng làm được như khách yêu cầu.

Em trai của anh Xuyến là anh Đỗ Thanh Xuân, SN 1980, học ĐH Xây dựng, ra trường đi làm đúng chuyên ngành nhưng cũng vì muốn gắn bó với nghề truyền thống của gia đình nên theo anh trai “bỏ phố về làng”.

“Hiện xưởng tôi chỉ có hai anh em làm cùng nhau, tôi vẫn phải là người làm chính, ít người quá nên việc làm không xuể. Điều tôi mong muốn bây giờ là có nhiều người cộng tác làm cùng mình, cùng xây dựng nên một thương hiệu, làm ra nhiều sản phẩm bán ra thị trường. Để nhiều người biết đến làng nghề Thiết Úng đã làm được chân dung truyền thần trên chất liệu gỗ.

Trước cũng có nhiều thợ tới làm cùng, nhưng công việc đòi hỏi tay nghề cao, những yếu tố khó hơn là lối mòn cũ nên họ đều bỏ cuộc. Một bức tượng toàn thân phải mất 4 tháng mới hoàn thiện, nếu là gỗ trắc thì phải dài khoảng 2m có giá trên 1 tỷ đồng, khi làm thành phẩm thì giá cao hơn nhiều, còn tượng chân dung thì khoảng 1 tháng hoặc hơn, giá tiền tùy vào gỗ và tiền công.

Theo đó áp lực công việc lớn, “sai môt ly đi một dặm”, chỉ cần sai một chi tiết nhỏ khiến sắc thái, tạc tượng thay đổi, không giống ảnh mẫu thì coi như bức tượng đó hỏng. Đồng nghĩa mới việc hơn 1 tỷ đồng và bao nhiêu tháng dốc sức vào “bốc hơi” trong giây lát.

Khách hàng của tôi chủ yếu là Việt kiều và khách nước ngoài. Hàng tôi làm thà chậm cũng được nhưng phải chuẩn theo yêu cầu của khách, không thể làm ồ ạt. Vì vậy, những sản phẩm của tôi chưa có khách nào phàn nàn, họ luôn hài lòng khi nhận hàng.

Anh Xuyến cũng cho biết thêm: “Bức chân dung bằng gỗ không chỉ đẹp, sang trọng mà còn bền lâu. Khi nhìn bức tượng gỗ được tạo nên từ bàn tay của người thợ giỏi ta sẽ thấy bức tượng có tâm hồn, phong thái nên nhiều gia đình, địa phương hay các tổ chức muốn làm bức tượng gỗ thay cho tượng đồng, đá hoặc thạch cao.

Mong ước của tôi, khi có điều kiện sẽ mở lớp đào tạo con em trong làng cùng tôi nuôi dưỡng, phát triển con đường điêu khắc chân dung người thật, tạo nên một nét riêng cho làng nghề, cùng làng phát triển nghề truyền thống của cha ông”.
                                                                                                  Theo: phapluat&xahoi
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.518.784
Tổng truy cập: