NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Mãi vẹn nguyên niềm đam mê sáng tạo
(Ngày đăng: 07/11/2013   Lượt xem: 1162)

Cửa hàng thêu Đức Thành của lão nghệ nhân Lê Văn Kinh ở số 82, đường Phan Đăng Lưu, TP Huế đã tồn tại hơn 100 năm. Cụ là một trong 5 bậc thầy lão luyện của nghề thêu truyền thống Thừa Thiên Huế, được các chuyên gia UNESCO đánh giá là “Báu vật nhân văn sống”…

Người thầy của hàng vạn học trò

Cụ Lê Văn Kinh năm nay 85 tuổi. Ông nội của cụ Kinh là cụ Lê Chí Thành, thợ thêu tài hoa ở Quất Động (nay thuộc huyện Thường Tín, TP Hà Nội) được triều đình nhà Nguyễn triệu về Kinh đô Phú Xuân trong một cuộc trưng cầu thợ giỏi, nhiều ngành nghề khắp mọi miền đất nước. Hơn một thế kỉ qua, với nghề thêu cha truyền con nối đã tạo dựng được thương hiệu hàng thêu Đức Thành. Cụ Lê Văn Kinh là một trong số 15 người đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”.

Lên 5 tuổi, cụ Kinh bắt đầu được hướng dẫn học nghề thêu. 10 tuổi, cụ đã cầm vững kim thêu. Bức tranh thêu “Tùng hạc” là tác phẩm đầu tay của cụ được thêu trong hai năm, với những nét tinh xảo đã khiến những bậc cao niên trong dòng tộc ngợi khen và kì vọng. Từ bấy đến nay, hơn 70 năm trôi qua, nghệ nhân Lê Văn Kinh vẫn vẹn nguyên niềm đam mê sáng tạo những bức tranh thêu mang đậm phong cách xứ Huế thơ mộng và sâu lắng.

Sau khi đất nước giải phóng (năm 1975), việc đầu tiên mà cụ Kinh nghĩ đến là khôi phục nghề thêu của Huế bị mai một trong chiến tranh. Cụ mở cơ sở thêu tranh xuất khẩu Cẩm Tú, rồi thành lập HTX thêu ren xuất khẩu Phú Hòa. Đây là hai cơ sở sản xuất tranh thêu xuất khẩu đầu tiên ở TP Huế.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh.

                                                     Nghệ nhân Lê Văn Kinh.

Nghề thêu phát triển, Huế trở thành trung tâm thêu xuất khẩu lớn của đất nước. Cụ Kinh được mời vào làm cố vấn tại Công ty Ngoại thương Bình Trị Thiên. Cụ truyền nghề và xây dựng những HTX thêu xuất khẩu khắp các địa phương trong tỉnh. Học trò là những cô gái làm nông “chân lấm, tay bùn” chưa quen với những đường kim tỉ mẩn. Trên chiếc xe máy cũ kĩ, cụ ngược xuôi Đồng Hới, Đông Hà, Hương Điền, Phú Lộc… Trong hơn 10 năm, có hàng vạn thợ thêu được học nghề qua hàng trăm lớp đào tạo của cụ.

Nay tuy đã già, yếu nhưng hằng ngày cụ Kinh vẫn miệt mài bên khung thêu với các học trò của mình. Gần đây, 3 sinh viên người Mỹ và Hàn Quốc tìm đến Huế để học thêu ở Đức Thành. Cụ còn dành thời gian dạy nghề thêu cho trẻ em khuyết tật ở Trường Tiểu học Vĩnh Ninh, TP Huế. Nhiều em đã tự nuôi mình bằng nghề thêu do cụ truyền dạy. Hiệu thêu Đức Thành tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động.

 Những tác phẩm thêu độc đáo

Rất nổi tiếng với những bức tranh thêu về phong cảnh và cung đình Huế, nhưng đối với cụ Kinh, hai bức tranh thêu “Tẩu lộ” (Đi đường) trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Bác Hồ mới chính là những báu vật của cuộc đời cụ, bởi tấm lòng người thợ thủ công Huế đối với Bác Hồ kính yêu.

“Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/ Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Bốn câu thơ trong bài “Đi đường” của Bác Hồ tạo cảm hứng cho cụ Kinh thực hiện tác phẩm này. Bức tranh thêu thứ nhất theo lối chữ Quốc ngữ; bức thứ hai thực hiện bằng lối viết thư pháp chữ Hán. Cả hai tác phẩm được thực hiện trên nền gấm trắng ngà, thêu bằng bảy màu chỉ khác nhau. Trong gia tài đồ sộ về tranh thêu, cụ Kinh có bộ tranh thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư triều Lý – Trần gần 1.000 năm trước. Cụ phải mất 10 năm để hoàn tất 25 bài thơ thêu bằng 18 ngôn ngữ: Việt Nam, Pháp, Đức, Nga, Ý, Đan Mạch, Tây Ban Nha… Bài thơ “Cáo tật thị chúng” đến với cụ như một tiền định: “Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân đến trăm hoa cười/ Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi/ Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”. Ngày 30/10/2011, cụ Kinh được Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam xác lập kỉ lục nghệ nhân thêu tay bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư bằng nhiều ngôn ngữ nhất.

85 tuổi đời, 76 tuổi nghề, cụ Lê Văn Kinh nghiệm ra rằng: Để làm nên nghiệp lớn, không gì khác ngoài hai chữ “Tâm” và “Nhẫn”. Tâm sáng, lòng trong mới nắm được cái hồn trong từng bức tranh thêu. Ước nguyện cuối đời của nghệ nhân Lê Văn Kinh là được truyền hết những kinh nghiệm nghề thêu của ba đời nhà cụ để lại lớp thợ trẻ đúng với tinh thần của nghề truyền thống.

                                                                                           Theo: Ngươicaotuoi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.520.633
Tổng truy cập: