NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Cả đời tâm huyết với nghề cổ
(Ngày đăng: 05/11/2013   Lượt xem: 1026)
Đến làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), chúng tôi được nghe nghệ nhân thương binh Phạm Trần Canh (83 tuổi), kể về hành trình kỳ lạ để khôi phục những chiếc nón cổ cho hậu thế...

Một chân đi sáu tỉnh tìm nón cổ

Tiếp chuyện chúng tôi bên cạnh những chiếc nón còn thêu dở ngổn ngang, đôi bàn tay nhăn nheo chai sạn vân vê sợi chỉ khâu nón, ông Canh trầm ngâm trải lòng về cuộc đời mình với những thăng trầm cùng chiếc nón quê hương.

 
Vợ chồng nghệ nhân Phạm Trần Canh với chiếc nón làng Chuông được phục chế.
Vợ chồng nghệ nhân Phạm Trần Canh với chiếc nón làng Chuông được phục chế.


Làng Chuông từ xưa đã nổi tiếng với nghề làm nón, trong làng từ cụ già đến đứa con nít, ai ai cũng biết làm. Chú bé Canh ngày đó mới lên mười cũng không là ngoại lệ. Số phận đã một lần đưa ông ra khỏi lũy tre làng, lên đường đi khắp các chiến trường đánh giặc từ Bắc chí Nam. Trở về từ chiến trường với thân thể thương tích, cụt một chân, cuộc đời ông Canh cứ lặng lẽ trôi qua. Cho đến một ngày đầu năm 1997, có đoàn văn công địa phương nghe danh nón cổ làng Chuông đã tìm về làng đặt hàng làm nón quai thao. Không đành lòng chứng kiến sự mai một rồi biến mất hẳn nghề tổ, người thương binh ấy quyết chí phục chế bằng được chiếc nón cổ truyền quê hương. Mất đi một chân, chuyến hành trình tìm kiếm nón cổ của ông gian khó đến bội phần. Chiếc xe máy Babetta ngày ấy đã cùng ông rong ruổi khắp 6 tỉnh Bắc bộ.

Ông Canh nhớ lại: "Kỷ niệm khó quên nhất của tôi là chuyến từ Hà Bắc (nay đã tách ra thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) sang Hưng Yên. Lần đó phải đi đò qua sông, mà chân tôi thế này thì đi sao nổi. Chẳng biết làm thế nào, đứng đó mãi, may mà có mấy anh chị em cùng đi đò cõng sang, xe máy cũng được họ khênh lên đò. Họ bảo tôi rằng: "Đây là việc chung của cả nước, anh đừng ngại gì cả! Tôi thấy mọi anh thương binh đều ở trong trại Nhà nước nuôi, anh là thương binh mà còn làm việc này thì chúng tôi sao lại tiếc sức". Đò cập bến họ lại xúm vào khênh cả người lẫn xe. Mình chẳng biết họ là ai nhưng mà tốt quá!". Kể đến đây, đôi mắt ở tuổi ngoài tám mươi đã có phần mờ đục chợt lấp lánh đến lạ. Dường như ông đang hồi tưởng những tháng ngày vất vả nhưng cũng đầy hứng khởi của hành trình tìm kiếm lại nón cổ? Tiếp tục câu chuyện còn dang dở, những vòng bánh xe lăn lại đưa ông từ Hà Nam, Nam Định đến Thái Bình, từ Bắc Ninh qua Hưng Yên ngày này sang tháng khác. Khi chúng tôi hỏi thương tật như vậy ông đi làm sao, ông Canh mỉm cười: "Cứ leo lên xe là đi vậy thôi". Những chuyến hành trình của ông thường kéo dài dăm bữa đến cả tháng, nhiều bữa mất công mà đành đi về tay không. Một đợt, sau khi từ đất Mãn Xá Đông - Mãn Xá Tây (thuộc xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) trở về mà không thu được thành quả gì, ông không nén nổi tiếng thở dài não nề đầy thất vọng rồi tạt vào một quán nước ở chợ Đồng Xuân ngồi nghỉ. May sao, trời không phụ lòng người, run rủi cho ông gặp được bà bán quán tốt bụng. Sau khi tỏ tường chuyện ông kể, bà bỏ cả hàng quán, tiền bạc cho người khách lạ ngồi trông, tất tưởi chạy đi, tầm hai tiếng sau trở về với chiếc nón cổ rách nát. "Cụ ấy cũng thật, cũng thương người nên đi lấy cho mình chiếc nón cổ treo trong đình làng. Lúc đó tôi hồi hộp lắm, mừng như vớ được vàng, cảm ơn mỗi câu rồi về vì chiều đã muộn mà quên mất hỏi tên cụ. Sau này nón được phục chế thành công, muốn quay lại cảm ơn cũng không thấy cụ nữa!"

Ông Canh luôn tâm niệm chả nhẽ mang tiếng là sinh ra, lớn lên ở quê hương có truyền thống làm nón mà họ yêu cầu mình có việc đó không làm được thì còn làm được việc gì. Với quyết tâm của anh Bộ đội Cụ Hồ "không có việc gì khó", người thương binh Phạm Trần Canh tiếp tục những chuyến hành trình tìm lại bản sắc truyền thống đọng lại dưới vành nón cổ.

Để gìn giữ chiếc nón quê hương

Tìm được nón xưa đã vất vả, nhưng công đoạn phục chế còn gian nan gấp bội. Hồi đó có chiếc nón, nhưng các cụ già trong làng ngoài tám mươi đã ra đi mang theo các kỹ thuật làm nón cổ truyền, ông Canh trăn trở chẳng biết làm sao, bài toán khó loay hoay mãi chưa tìm được lời giải.

Bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm (80 tuổi), người bạn đời với ông ngót nghét đã 60 năm chia sẻ: "Ông ấy xin được ở đâu mấy cái nón rách về, dỡ hết ra xem, tự mày mò học lại các công đoạn làm nón và dạy lại người trong làng. Đợt đó ông ấy căng thẳng đầu óc lắm, làm miệt mài không ăn được cơm!". Sau, nhờ những ký ức còn sót lại những năm ấu thơ đi làm nón cùng bà nội, cộng với những lần đầu thất bại, ông đã rút tỉa cho mình 6 công đoạn làm nón và sáng tạo ra những cách làm nón bền chắc như ngâm vòng tre vào trong nước vôi tránh mối mọt... Chiếc nón quai thao một lần nữa lại xuất hiện, lần này là từ bàn tay người lính Cụ Hồ.

Đến nay, ông Canh đã phục chế được 11 loại nón cổ truyền, đặc biệt, nón quai thao do ông làm không chỉ đến các vùng miền trong cả nước mà còn lên các chuyến bay xuất ngoại ra thế giới. Những chiếc nón do ông Canh làm luôn giữ được độ bền, đẹp nhờ những công đoạn tỉ mẩn từ là lá cho đến làm vòng, lợp kỹ khâu kỹ. Bình thường nón quai thao ông làm chỉ mất 2-4 ngày, nhưng vào năm 2001, một đơn đặt hàng đặc biệt đã khiến ông trăn trở hàng tháng trời.

Để có một món quà đặc biệt tham dự triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tại thủ đô Praha (Cộng hòa Séc) và Berlin (Cộng hòa Liên bang Đức), khách sạn Liên Hoa (Hà Nội) đã cử người đi khắp các tỉnh nhưng không tìm được ai có thể làm được chiếc nón có đường kính 2m. Cuối cùng họ lại tìm về làng Chuông gặp ông Canh. Và quả thực, chỉ có ông, với sự sáng tạo ghép 2 cây tre uốn thành xương nón, tỉ mẩn chọn ngọn lá cọ gie đẹp trong hàng trăm tàu lá để chắp kim thành nón, sau đó hai ông bà miệt mài làm đến ngày thứ 20, thì đôi nón mới hoàn thành. Sau đợt đó, danh tiếng ông Canh làng Chuông ai ai cũng biết đến, bà con xa gần nô nức đến tìm chỉ mong được ông đích thân làm cho chiếc nón đẹp đội đầu. Ông được công nhận danh hiệu Nghệ nhân tỉnh Hà Tây (cũ), được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khen tặng.

Không chỉ dạy cho con cháu trong nhà nghề làm nón, ông còn sắm cả khung, nguyên liệu cho chị em trong thôn mượn, làm được, bán được nón thì trả công, ông bảo có như vậy làng nghề mới phát triển. Và bây giờ nhắc đến làng Chuông, người ta nhớ ngay đến làng nghề cổ truyền với nón lá, nón quai thao... nức tiếng cả nước và trong lòng bạn bè quốc tế.

…Một cơn gió bất chợt ào vào ngôi nhà nhỏ, đôi vợ chồng già dừng lại đường kim khâu dở, mắt nhìn đăm đắm vào chồng nón quai thao mới làm, bất chợt ánh lên niềm hạnh phúc, lan tỏa bừng sáng khuôn mặt. Ngoài kia, những tia nắng tràn đầy cả con đường làng. Bóng những người phụ nữ tảo tần tay cầm vành nón che nghiêng đổ xuống mặt đường quê nom thật yên bình!.
                                                                                                     Theo: HNM
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.946
Tổng truy cập: