NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Đam mê theo từng đường thêu
(Ngày đăng: 29/10/2013   Lượt xem: 529)
 

Sau ngày xuất ngũ vào năm 1990, nếu Vũ Văn Giỏi yên tâm với nghề thêu truyền thống của làng, hẳn cuộc sống cũng có cái ăn cái để như nhiều thợ giỏi trong làng.


Anh có tay nghề vững, sáng ý lại biết chiều khách. Nhiều người từ TP Hà Nội, TP HCM, người Việt từ Paris, Moscows, Praha, New York biết tiếng thợ làng cũng tìm đến làng Đông Cứu, huyện Thường Tín để đặt hàng. Nhưng ý tưởng của Giỏi còn muốn đi xa hơn trong nghề của mình: Phục dựng trang phục cung đình. Ý tưởng này, thoạt đầu không mấy người chia sẻ cùng anh. Để có một áo bào, đòi hỏi tay nghề phải rất điêu luyện. Không chỉ thế, nguyên liệu tơ tằm thứ thiệt khó kiếm. Màu sắc, kiểu dáng… tìm đâu ra tư liệu để nghiên cứu, tham khảo? Và còn một điều nữa, không thể không nghĩ đến, là đầu ra cho mặt hàng độc đáo này.

Tuổi trẻ đam mê, hăm hở đã thôi thúc Vũ Văn Giỏi thử sức mình. Đầu tiên anh phục dựng chiếc áo bào thời Nguyễn. Đây là triều đại gần nhất, có nhiều tài liệu. Anh khăn gói vào cố đô Huế để “tầm sư”. Cũng may, Giỏi đã gặp được một vài nghệ nhân còn sống, nhiệt tình “trò chuyện” với anh như kể lại chuyện cổ tích vậy. 

Nhưng càng đi sâu vào nghề, Vũ Văn Giỏi mới nhận ra cái lý của người làng nhắc nhở anh. Quả là khó khăn muôn vàn, mà khi khởi sự anh không lường hết, để có được một chiếc áo của vua, có hàng trăm loại chỉ, đủ màu sắc giống nguyên gốc.

Ngày nay phẩm màu công nghiệp phá hết vẻ sang trọng, uy nghi của trang phục. Anh đã bắt tay vào việc. Không chỉ một bộ, mà 20 bộ, nhưng khi nhìn lại, đành phải “gói nó lại” và… quên đi để làm lại từ đầu. Ngay một họa tiết, một con rồng, áo vua, áo hoàng hậu, áo các đại thần, hoàng tộc cũng khác nhau.  Chỉ cần thiếu hiểu biết, công sức cả năm cho tấm áo đành…xếp lại.

Nhưng Vũ Văn Giỏi lại cảm nhận niềm say mê ngay cả trong những khó khăn, ngỡ như phải bỏ cuộc. Anh nghĩ, đây là một phần văn hóa Việt, cần được gìn giữ. Tìm đọc sách cũ, nghe các nhà nghiên cứu giải nghĩa mới hay, mỗi một chiếc áo hội tụ cả một quan niệm văn hóa, nhân sinh. Mỗi thời đại có nét riêng. Mỗi triều vua cũng để lại dấu ấn cá nhân trên từng chiếc áo bào. Ví như áo bào vua  Đồng Khánh, rất cầu kỳ.  Cần đến 14m vải thêu ngoài, 14m vải trong, sử dụng gần mười thợ giỏi làm đều tay trong 15 tháng mới xong. 

Suốt 3 năm đầu, Giỏi sống trong hai tâm trạng khác nhau, giữa những trở ngại và niềm đam mê. Anh quyết định đến những làng thêu xưa, đặt mua chỉ, mua vải. Anh kiếm tìm  nguyên liệu từ thảo mộc lá trầu, trà, hoa gạo… về tự nhuộm lấy cho đến lúc vừa ý. Bắt tay vào thêu, không chỉ áo, mà còn đai, hia, sa kép… riêng mũ, nơi hội ngộ đến 6 -7 con rồng khác nhau thật hòa hợp, ăn ý.

Khi đã nhập hồn vào trang phục cung đình, Vũ Văn Giỏi không còn nhiều bận tâm đến thu nhập. Những người thợ cũng chia sẻ niềm đam mê của ông chủ, dẫu đôi khi lương chậm trả. Sau khi ông có bộ sưu tập của triều Nguyễn, kíp thợ của Vũ Văn Giỏi bắt tay vào trang phục triều Lý, Trần, Lê…

Điều mà nghệ nhân Vũ Văn Giỏi lo lắng, là có mấy ai sẽ cùng anh  tâm huyết khôi phục lại một nghề tinh xảo, kén thợ, kén tiền, kén khách. Thêu loại trang phục đặc biệt này, không chỉ là một nghề kiếm sống, thi thố tay nghề mà trong mỗi triều đại, mỗi đời vua ẩn chưa nơi trang phục đấng quân vương nhiều quan niệm, triết lý sống cả khi hưng thịnh cũng như suy vi. Đó là một nét đặc thù cần được giữ gìn như một phần của lịch sử.
                                                                                                   Theo: PL&XH
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.518.958
Tổng truy cập: