NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nghệ nhân trẻ tuổi với khát vọng cống hiến cho quê hương
(Ngày đăng: 22/10/2013   Lượt xem: 1333)
Làng gốm Phù Lãng từ nhiều thế hệ nay vẫn duy trì ngọn lửa trong các lò thủ công thô sơ, hun đúc nên những thần thoại người đời về bàn tay sáng tạo của nười dân làm gốm nơi đây.
Trong đó, có nghệ nhân Vũ Hữu Nhung, một trong số ít người làng gốm Phù Lãng đi “tiên phong” với dòng sản phẩm gốm trang trí, mỹ thuật rất phong phú, đa dạng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Vũ Hữu Nhung, SN 1975, trong một gia đình nông dân, đông anh em (5 anh chị em) nhưng có truyền thống làm nghề gốm. Tốt nghiệp khoa Điêu khắc - trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1999. Vốn sinh ra và lớn lên bên cạnh những món đồ thủ công quê mùa, được tận mắt chứng kiến sự tàn phai của nghề sành sứ bao đời ở chính nơi chôn nhau cắt rốn, Vũ Hữu Nhung đã tự tìm cho mình một lối đi riêng mà vẫn theo được nghề truyền thống của cha ông mình.


Nghệ nhân Vũ Hữu Nhung chia sẻ những khó khăn anh đã trải qua khi buổi đầu lập nghiệp tại quê nhà.     Ảnh: Bằng Tường

Tốt nghiệp ra trường, Nhung không kiếm việc làm tại TP mà “tình nguyện” khăn gói trở về quê hương bắt đầu cuộc phiêu lưu vào thế giới của đất và lửa. Chỉ một thời gian ngắn, Vũ Hữu Nhung đã nhanh chóng tạo được sự chú ý sau khi tác phẩm của anh đạt giải khuyến khích tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2000. Bước sang năm 2001, cái tên Nhung chính thức gắn với gốm của anh sau khi anh đoạt giải đặc biệt cuộc thi “Nghệ nhân có bàn tay vàng” do Hội đồng Anh trao tặng. Ngoài ra, anh còn giành giải ba triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ IV (1993-2003).

Làng gốm Phù Lãng nói riêng và nhiều làng gốm khác ở đất nước ta nói chung đã từng có một thời gian dài bị “ngủ quên”. Thậm chí, có những giai đoạn tưởng chừng bị mất nghề vì chưa tìm ra cho mình một hướng đi riêng và thương hiệu để cạnh tranh trên thị trường. Thực tế hiện nay, làng gốm Phù Lãng có số gia đình theo đuổi nghề gốm không nhiều, sản xuất với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, làng gốm đã xuất hiện những ông chủ gốm sản xuất tập trung, có quy mô, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, đó là Cty CP gốm Nhung. Đối với làng gốm Phù Lãng, ai cũng ghi nhận nghệ nhân Vũ Hữu Nhung tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã biết thổi một “luồng sinh khí mới” để vực dậy làng nghề truyền thống, rũ bỏ tư duy cũ bằng sự đột phá, cách tân sang loại hình gốm trang trí, đa dạng hóa mẫu mã mà vẫn giữ được những nét truyền thống trên các sản phẩm mới của mình.

Lúc đầu khởi nghiệp, Nhung gặp rất nhiều khó khăn, không có mặt bằng để sản xuất, thiếu lao động có kỹ thuật, kinh tế gia đình eo hẹp. Mặt khác, muốn phát triển sản xuất nhưng không có sự thông thương, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật nên tất cả các sản phẩm gốm ở Phù Lãng trước đó chỉ dành cho sinh hoạt và tâm linh như: Tiểu sành, chum vại, bát hương, niêu đất…

Song với nghị lực, sự khát khao vươn lên của tuổi trẻ, Nhung đã biết phát huy những gì mình đã học được ở trường để thổi hồn vào các sản phẩm gốm do chính tay mình làm ra. Anh tự thiết kế, áp dụng khoa học kỹ thuật chuyển sang làm gốm trang trí như: Những bức tranh ghép, bức tượng, phù điêu, lọ hoa, ấm chén, chậu cây, những linh vật trang trí, thờ cúng… nhằm nâng cao năng suất, mẫu mã để cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, Nhung còn chủ động tìm thị trường ở nước ngoài.

Hiện tại, xưởng sản xuất của anh có gần 100 người (đa phần là lao động phổ thông, số ít lao động có nghề) làm việc, mỗi năm đưa ra ngoài thị trường trên 2 ngàn mẫu mã sản phẩm các loại. Trong đó, tập trung chủ yếu là tranh gỗ, gạch gốm, bình gốm, lọ gốm, tượng, phù điêu trang trí. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, Nhung đã biết cách để đưa sản phẩm gốm của mình đến với người tiêu dùng khó tính ở các nước như: Anh, Italy, Pháp, Đức, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… Mặt khác, anh còn tạo công ăn việc làm ổn định với thu nhập từ 4 - 8 triệu đồng/người/tháng (tùy từng lao động).

Thành công và tư duy mới của Nhung đã tác động mạnh mẽ đến người dân làng nghề gốm Phù Lãng. Nhiều người dân trong làng học theo cách của anh, nhiều gia đình cũng học cách làm gốm sành mỹ nghệ xuất khẩu theo phong cách gốm Nhung. Không chỉ dừng lại ở sự cách tân, Vũ Hữu Nhung còn rất tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ ở địa phương. Một mặt, anh đang ấp ủ một kế hoạch lớn mang đầy tính nhân văn đó là truyền nghề cho những trẻ em  nghèo, trẻ em khuyết tật ở trong và ngoài tỉnh để giúp các em bớt đi phần nào những khó khăn.
                                                                                                            Theo: PL & XH
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.518.984
Tổng truy cập: