NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người "thổi hồn" cho sáo đinh tút của dân tộc Triêng
(Ngày đăng: 14/10/2013   Lượt xem: 475)
Ông Zơrâm Ớt (84 tuổi), dân tộc Triêng, hiện sống tại thôn văn hóa Đắk Tà Vâng, xã Đắk Tôi, huyện Nam Giang, Quảng Nam. Ông yêu âm nhạc từ năm 13 tuổi và hiện là bậc thầy trong việc chế tác sáo đinh tút - một loại nhạc cụ truyền thống độc đáo không thể thiếu trong lễ hội của cộng đồng dân tộc Triêng.

 
Già Zơrâm Ớt đang truyền dạy nghệ thuật chế tác đinh tút cho lớp trẻ.

Mới đây, khi về xã vùng cao Đắk Tôi công tác, tôi đã nghe nói về ông. Tò mò muốn tìm hiểu nên xong công việc, tôi cùng anh Ch'rum Minh, Chánh Văn phòng UBND xã về thôn văn hóa Đắk Tà Vâng để gặp ông. Mới đến đầu làng, gặp bà con vừa đi rẫy về, hỏi già Zơrâm Ớt, ai cũng biết. Họ bảo, hằng ngày bà con thường thấy một ông già mang trên mình cái gùi nhỏ cùng mác, rựa và con dao nhỏ vào rừng tìm các vật liệu để chế tác nhạc cụ của dân tộc mình, nhằm giữ gìn "báu vật" mà tổ tiên, cha ông người Triêng để lại.

Nhiệt tình đáp lại sự tò mò của tôi nên khi vừa uống xong ly trà nóng, ông đã cùng chúng tôi vào rừng tìm trúc làm sáo. Khi đã chọn được một ống trúc ưng ý, xoay xoay trên tay, lựa chỗ để đặt mũi dao rạch những đường đầu tiên của một trong những ống của bộ sáo đinh tút. Già Zơrâm Ớt cho biết: Đinh tút được làm từ cây trúc, loại này mọc rất nhiều ở vùng của người Triêng sinh sống, nhưng không phải cây trúc nào cũng làm được đinh tút và cho âm hay. Muốn có bộ đinh tút hay thì người chế tác ra nó phải vào tận rừng sâu, tìm những bụi trúc mọc ở những vách đá để chọn đủ 6 ống. Trúc phải lấy loại không quá già, vì sẽ bị nặng tay; lấy non thì bị méo âm và sử dụng không được bền lâu. Chọn được rồi, phải để trúc khô tự nhiên. Tiếp đó là hong ống trúc trên giàn bếp 1 thời gian cho cây trúc bóng, chắc. Qua các công đoạn ấy, những đoạn cây trúc thẳng nhất, vàng nhất đủ tiêu chuẩn mới được đem cắt thành ống làm sáo đinh tút. Một bộ đinh tút hoàn chỉnh và hay, thời gian làm mất từ 5 đến 7 ngày, nhưng nguyên liệu để làm nó phải chuẩn bị trước hơn 1 tháng. Già Zơrâm Ớt cho biết thêm: Công phu là thế, nhưng để làm ra một bộ sáo đinh tút hay đã khó, để thổi nó có hồn còn khó gấp bội lần...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sáo đinh tút truyền thống của người Triêng có 6 ống, dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau. Các ống đinh tút theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn nhất. Mỗi cây đinh tút có một lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu rỗng được vót hai bên, tạo cho ống có dáng hình phễu để khi thổi dáng hình phễu này ôm lấy môi. Muốn sử dụng được đinh tút, đòi hỏi người thổi phải có sức khỏe và có kỹ thuật. Bộ đinh tút của họ hiện nay so với đinh tút truyền thống của tổ tiên, ông bà người Triêng thì ống nhỏ và ngắn hơn, nên đa phần thanh niên từ 13-15 tuổi và đàn ông Triêng nào cũng biết thổi. Một bộ đinh tút hay hoặc dở phụ thuộc vào người tạo ra nó, từ khâu chọn loại trúc đến việc thẩm âm.

Anh Ch'rum Minh cho biết: Đến nay, già Zơrâm Ớt đã chế tác rất nhiều bộ đinh tút cho bà con dân tộc Triêng trong vùng. Khi đến mùa lễ hội, nhất là lễ hội Choóc đăil (người Triêng thường gọi là ngày hội đinh tút) thì hầu như các làng từ: Đắk Tà Vâng, Đắk Chờ Đây, Đắk Lôi, Đắk Hlôil (xã Đắk Tôi); Đắk Ôốc, Đắk Rế (xã La Dêê), đến các làng thuộc 3 xã: Đắk Pre, Đắk Pring, Chà Val và Ch'Chum đều nhờ ông Zơrâm Ớt làm ít nhất từ 2-3 bộ đinh tút. Từ nhiều năm qua, ở các làng này đã hình thành nên nhiều đội đinh tút. Khi vào lễ hội, họ có dịp trổ tài thổi đinh tút với nhau, với những bài da zá, pê lách, túk chiêng hoong, troong zục, trơn lăil, kpiêu zức zăik... rất vui và nhộn nhịp.

Đinh tút là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong lao động sản xuất, trong lễ hội truyền thống của cộng đồng người Triêng ở các xã thuộc huyện vùng cao Nam Giang. Với niềm đam mê âm nhạc truyền thống, không muốn để tài sản văn hóa tinh thần của tổ tiên, cha ông bị mai một, từ nhiều năm qua, già Zơrâm Ớt đã đi khắp các làng, dành nhiều thời gian để chế tác loại nhạc cụ này. Tuy đã 84 tuổi, nhưng già Zơrâm Ớt vẫn gắn bó với loại nhạc cụ này và coi đó là thú vui, đồng thời nỗ lực giữ cho đinh tút - loại nhạc truyền thống của dân tộc sống mãi với bản làng, với cộng đồng người Triêng. Ông muốn truyền lại cho thế hệ trẻ vốn kiến thức về loại nhạc cụ này, nhưng xem ra lớp trẻ vẫn thờ ơ. Nếu không ai kế thừa, có lẽ loại nhạc cụ truyền thống này một ngày không xa chỉ còn trong ký ức người Triêng!

                                                                                                  Theo: Bienphong.com

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.519.048
Tổng truy cập: