Là một làng nghề truyền thống,
Bát Tràng có đầy đủ các thiết chế văn hóa cổ truyền như đình, đền, chùa, miếu...
Những
công trình kiến trúc mang dấu ấn thời gian này đã trở thành nơi sinh hoạt tín
ngưỡng của nhân dân trong làng từ bao đời nay. Đây là một phần không thể
tách rời trong tâm thức người dân Bát Tràng, là nơi để người dân biểu hiện niềm
tin, khát vọng, gửi gắm khát khao và quan niệm về chân - thiện - mỹ.
Là mảnh đất nằm ven đê sông Hồng,
Bát Tràng còn có phong thủy địa lý với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Nơi đây,
ngày 20/02/1959, Bác Hồ đã từng về thăm (tại trung tâm Làng hiện có Nhà bia tưởng
niệm Bác và con phố mang tên 19/5) và Bác đã căn dặn: “Bát Tràng là một làng nghề phát triển. Làng Bát Tràng mới phải làm sao
trở thành một làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới.”
Để có sức sống mạnh mẽ như
ngày nay, người Bát Tràng ngoài cái tinh, cái nhạy còn tiềm ẩn một tình yêu da
diết với nghề gốm cổ truyền. Bằng lòng yêu nghề và sự miệt mài lao động, tìm
tòi sáng tạo, nghệ nhân Đào Văn Can đã tìm ra bí quyết men mờ, rạn của gốm cổ
Việt, các nghệ nhân Lê Văn Vấn, Lê Văn Cam, Nguyễn Văn Khiếu... mỗi người một
tìm tòi, phát hiện để góp những kiến thức, kinh nghiệm, phục chế các nước men gốm
sứ Bát Tràng xưa. Những thành quả lao động sáng tạo của lớp nghệ nhân già cùng
sức trẻ của Bát Tràng đã làm nên một thế giới đa dạng, sống động lấp lánh sắc
màu từ nắm đất quê hương.
Kết hợp với Ban Đại điện Làng
nghề Bát Tràng, Hội gốm Bát Tràng, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã công nhận được
một số thợ giỏi Bát tràng là Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam như Nghệ nhân Trần
Văn Giàng, Phạm Xuân Hòa, Nguyễn Văn Bình, Trần Độ, Vũ văn Chúc, Trần Nam Tước,
Phạm Tiến Khang...
Sắp tới Làng nghề Bát Tràng sẽ
thành lập Câu lạc bộ Nghệ nhân Làng nghề Bát Tràng, đây sẽ là nơi giao lưu,
trao đổi nghề và cùng tham gia các sinh hoạt văn hóa xã hội ở địa phương.
* *
*
Thực hiện quyết định của Chủ
tịch HHLN về việc biên soạn cuốn sách Báu vật Làng nghề Việt Nam, Ban Truyền
thông Quan hệ quốc tế, thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đơn vị chịu trách nhiệm
biên soạn cuốn sách, lại lên đường đem những bản thảo đã được chỉnh sửa nhiều lần
tới gặp các nghệ nhân có tên trong cuốn sách xem lại và xác nhận nội dung bài
viết, phục vụ cho việc xuất bản vào tháng 5/2012.
Xem chùm ảnh minh họa:
Nghệ
nhân Trần Độ (đứng giữa)
Nghệ
nhân Nguyễn Văn Bình (Nguyễn Binh)
Nghệ
nhân Phạm Tiến Khang
Nghệ
nhân Trần Nam Tước
Nghệ
nhân Vũ Đức Thắng
* *
*
Cùng với lớp
nghệ nhân đi trước, thế hệ những người
thợ trẻ Bát Tràng chính là những người làm nên sức trẻ của làng nghề. Tiếp bước
cha ông, với bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người trẻ, họ là những người thợ giỏi đang góp phần làm nên sức sống lâu
bền cho làng nghề.
Trong hành trình đến với các
nghệ nhân làng Bát Tràng trong cuốn Báu vật làng nghề Việt Nam,
chúng tôi đã gặp được những con người như thế.
Thợ giỏi Nguyễn Văn Quyền
Gặp người thợ giỏi Nguyễn Văn Quyền, chúng tôi bị ấn tượng
bởi nét thật thà, chân chất trong điệu cười, giọng nói của anh.
Khắp trong nhà, từ phóng
khách tới xướng chế tác, những bức tranh gốm sứ đắp nổi được trang trí, bày biện
cẩn thận, rất đẹp mắt.
Không ham danh tiếng, anh Quyền
chỉ khiếm tốn nhận về mình cái phần chăm chỉ của một người con làng nghề ham học
hỏi, chịu khó mày mò... Anh có một mong muốn chân thành rằng, những bức tranh gốm
sứ đắp nổi của mình sẽ được nhiều người biết đến hơn và có thể góp thêm vào sự
phong phú cho làng nghề...
Thợ giỏi Nguyễn Văn Hoa
Cũng là một trong những thợ giỏi của
làng Bát Tràng, hiện Nguyễn Văn Hoa đã là Hội viên của Hiệp hội Làng
nghề Việt Nam. Các sản phẩm của anh đều được các bậc thợ đi trước đánh
giá là đẹp. Tuy còn trẻ, nhưng anh Hoa đã có được những bước đi đầu thuận lợi trên con đường làm gốm. Với sản phẩm của mình, anh cũng đã
được UNESCO trao giải.
Thợ giỏi Phạm Anh Đức
Duyên - nghiệp của người
thanh niên tốt nghiệp trường Đại học Văn Hóa này dường như cũng không thể khác
như mọi trai trẻ làng Bát Tràng, là gắn với nghề gốm của cha ông. Anh Đức cũng
đến với gốm tự nhiên như thế.
Đến nhà anh, nơi xưởng sản xuất,
có thể gặp những chiếc bình, chóe đang chờ ngày vào lò, do xưởng anh em nhà Anh
nặn vuốt. Anh hào hứng khoe với chúng
tôi những sản phẩm mà anh dự định sẽ đưa trưng bày trong một hội chợ tranh tượng
sắp tới.
Hiện Anh đã nộp đơn gia nhập
hội viên Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Anh cũng muốn mình chính thức
tham gia cùng góp sức như bao người con khác của làng gốm, có thể tiếp bước
truyền thống cha ông, đưa làng gốm ngày một phát triển, tinh hoa gốm ngày một
lan tỏa...
Chúng tôi tự đặt tên cho cuộc
gặp gỡ với những người thợ trẻ giỏi này là “Phát hiện”. Vâng, đó có thể gọi là
những phát hiện trong cuộc tìm kiếm những tài hoa làng nghề Việt. Tin rằng, một
ngày nào đó, tên các anh có thể sẽ có trong các tập tiếp theo của Báu vật
làng nghề Việt Nam,
và chúng tôi sẽ được nói chuyện với các anh nhiều hơn về nghề, về những mong ước chân thành,
giản dị của các anh cho quê hương...
Chia tay các nghệ nhân làng
Bát tràng, Đoàn chúng tôi xin cảm ơn UBND Xã Bát Tràng, Ban Đại diện Làng nghề
Bát Tràng, Hội gốm sứ Bát Tràng, Công ty Du lịch – thương mại làng Bát Tràng và
sự hợp tác của các Nghệ nhân, Thợ giỏi. Chúng tôi tin rằng, với mong muốn Làng
nghề Bát Tràng ngày một phát triển thịnh vượng, đoàn kết, chia sẻ, tương lai
không xa, nơi đây sẽ là điểm du lịch và mua sắm kiểu mẫu nhất về gốm sứ của Thủ
đô và cả nước.
Tuấn Việt