NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Hà thành kỳ bút
(Ngày đăng: 10/04/2012   Lượt xem: 871)

Những bài minh trên những quả chuông đồng tại các ngôi chùa cho người đọc biết thêm về lịch sử ngôi chùa, cho người ta thêm cảm nhận về sự cao siêu của Phật pháp. Nhưng ít ai biết rằng, để lưu lại những nét chữ trên những quả chuông đồng, vừa phải là bậc thông tỏ "chữ của Thánh hiền", vừa giỏi chạm đồng. "Hà thành kỳ bút" Nguyễn Đăng Hiển là người như thế.

Chữ trên đồng, công phu tuyệt đỉnh
Thời thế đổi thay, tưởng đã thất truyền

 
Cách đây dăm năm, khi theo hầu mấy bậc túc Nho vãn cảnh chùa, sau khi thắp hương thờ Phật, một cụ giương mục kỉnh ngắm quả đại hồng chung, đọc lịch sử ngôi chùa được chạm trên quả chuông cho mọi người (thường thì khi đúc chuông, người xưa chạm những áng văn ca tụng sự cao siêu của Phật pháp, ca ngợi cảnh đẹp, lịch sử ngôi chùa hoặc một bài kệ thỉnh chuông lên thân quả chuông, giới nghiên cứu gọi đó là "minh văn"). Mấy cụ tấm tắc vì những áng văn cổ kính, người khác trầm trồ vì lịch sử bề thế của ngôi chùa. Riêng vị lão Nho vừa đọc cho mọi người nghe bảo: "Các cụ chưa biết đấy thôi, "viết" được những dòng chữ trên đồng thế này phải là bậc đại bút". Mấy vị ai nấy nhìn nhau gật gù. Khi ấy, tôi đã mạn phép cắt ngang câu chuyện: "Cụ có biết giờ còn ai có thể "viết" chữ trên đồng thế này không?", vị lão Nho trầm tư: "Viết" chữ trên đồng vừa phải tinh thông Hán học, vừa phải giỏi chạm đồng. Chữ của thánh hiền nhiều năm bê trễ, giờ chắc gì còn người tụ được cả hai thứ ấy...".

Mặc cho vị túc Nho nọ nghĩ rằng nghề chạm chữ trên đồng đã thất truyền, mỗi lần đến một ngôi chùa, tôi lại tìm đến những quả chuông. Thật ngạc nhiên, hơn một lần, tôi gặp những nét chữ rất mới trên những quả chuông đồng. Nhưng sau cái ngạc nhiên là sự thất vọng: thông tin về người khắc chữ trên chuông vẻn vẹn có mấy chữ: "Thiết bút thư sinh" Nguyễn Đăng Hiển. Mãi gần đây, cơ duyên mới đến khi một vị đại đức quen biết cho tôi biết địa chỉ của một người chuyên khắc chữ trên chuông.

... Tìm đến tư gia của "Thiết bút thư sinh" trên phố Hàng Vải, con phố thuộc 36 phố cổ Hà Nội, tôi bắt gặp một vị quãng lục tuần đang tay búa, tay dùi đục bên một quả đại hồng chung. Vị lục tuần hạ búa, một nét tà điểm (nét chấm nghiêng) nhỏ như hạt tấm hiện ra, thêm một lần hạ búa, lại một nét trường hoành (nét ngang dài) khoẻ khoắn xuất hiện trên mặt quả chuông đồng xám, những phoi đồng li ti vàng óng bay ra cùng tiếng gõ.

Cây dùi đục trong tay vị lục tuần nọ khi tàng, khi lộ như một thư gia. Những nét chữ chân (một trong bốn thể cơ bản của chữ Hán) hiện lên vuông vức, đĩnh đạc. "Quả là kỳ bút!", tôi chỉ muốn reo lên.

Đó đích thị là "Thiết bút thư sinh" Nguyễn Đăng Hiển.

Nhờ chút vốn Hán học, tôi đọc được mấy dòng chữ mà "thiết bút" vừa khắc:

Bồ đề vô bản thụ
Minh kính diệc phi đài
Bản lại vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.

Đó là một bài kệ nổi tiếng của Thiền sư Huệ Năng (sinh 638 - mất 713, người Nam Trung Hoa, ông là vị Tổ thứ sáu của dòng thiền Nam tông Trung Hoa, bài kệ trên được dịch như sau: “Bồ đề vốn không cây/ Gương sáng chẳng phải đài/ Xưa nay không một vật/ Bụi trần bám vào đâu)”.

Một trong 4 ngàn quả chuông, khánh mà “Thiết bút thư sinh” đã chạm
Cầm dùi đục, luyện... chữ Thánh hiền
Thuở gian nan, phi sư thành đạo

"Thiết bút thư sinh" Nguyễn Đăng Hiển quê ở làng Vó (huyện Lương Tài - tỉnh Bắc Ninh), vốn nghề chạm đồng nhiều đời. Giống như nhiều người làng Vó khác, cụ thân sinh Nguyễn Đăng Hiển đã mang gia đình đến Hà Nội để thi thố với tinh hoa Kẻ Chợ.

"Nói đến thợ chạm đồng là nói đến cây dùi đục, nhưng gia đình tôi thì khác. Tôi sinh khi cây bút sắt đã lấn át bút lông, nhưng cụ thân sinh vẫn bắt học cầm bút lông chép Tam tự kinh, Tam thiên tự từ bé tí. Ngày cầm dùi đục học nghề đồng, tối luyện bút lông. Các cụ nhà tôi cổ điển lắm, các cụ bảo không thông Thư, tỏ Dịch (Kinh Thi, Kinh Dịch) thì coi như không có học", vẫn cái dáng khoan thai như khi cầm cây "bút sắt", ông Hiển chậm rãi nói về cuộc đời mình.

Bấy giờ tôi có dịp nhìn kỹ đôi bàn tay ông, đôi bàn tay dày lên những chai sạn, ám màu xám xám của đồ đồng vừa mới ra lò. Bàn tay của một kẻ "cầm dùi đục" đích thực, nhưng khẩu khí của một Nho gia.

"Cảm giác khi gặp những bài minh, bài ký trên những quả chuông, chiếc khánh, chẳng khác nào khi mình ngộ được cái đạo của các bậc thánh hiền. Đó đều là những áng hùng văn, những nét chạm của các bậc đại bút. Tại sao mình không kết hợp hai thứ sẵn có trong tay để học nghề chạm chữ trên đồng? Tôi nghĩ thế, song quả mọi việc lại không đơn giản.

Xưa các cụ dạy, "phi sư bất thành tài". Nhưng khoảng thời gian khi tôn giáo, tín ngưỡng bị đánh đồng với mê tín, chùa chiền, đền miếu, rồi chuông đồng, khánh đá chìm vào quên lãng. Chạm chữ trên đồng cũng chung số phận. Lần dò mãi tới nhiều bậc thâm Nho, rồi cả các bậc cao niên trong làng chạm đồng, ai cũng lắc đầu khi nói đến khắc chữ trên đồng. Hình như "các cụ" muốn thử cái chữ "nhẫn" của mình thì phải".

"Vậy phải chăng với ông, phi sư vẫn... thành đạo?"

"Không tầm được sư, tất mình phải mầy mò thôi", thay cho cái giọng trầm trầm, ông Hiển cười sảng khoái.

Giờ số người học Hán văn không nhiều nên cũng không nhiều người hiểu hết cái gian nan của luyện viết Hán tự. Người viết bài này chỉ xin nhắc lại một điển tích xưa: bậc "thần bút" Cao Bá Quát đã buộc tóc lên xà nhà để chống cơn buồn ngủ mà tập viết.

 
 "Thiết bút thư sinh" Nguyễn Đăng Hiển.
"Viết" bằng dùi đục lên một bề mặt cứng như đồ đồng lại càng khó. Chỉ một cái gõ búa quá tay, nét trường phiết (nét phết dài), hay nét trường hoành (nét ngang dài) sẽ lạc khỏi khuôn khổ và đâm xuyên sang chữ khác, và nếu nhỡ tay, đoản hoành (ngang ngắn) cũng hóa trường hoành! Hơn thế, đường chạm phải sắc nét, dứt khoát, tuỳ theo từng nét mà điều chỉnh độ nông sâu, độ rộng hẹp thích hợp để nét phiết (phết) mới bảo đảm những yêu cầu của Hán tự đầu nặng, đuôi nhẹ. Hoặc cùng là nét điểm, nhưng thiêu điểm (nét chấm đá) không được lẫn với phiết điểm (nét chấm phết) hay thùy điểm (nét chấm rũ xuống)...

Đó là chưa kể đến việc phải chuyển tải được hồn cốt của "chữ thánh hiền" khi cứng rắn mạnh mẽ, khi mềm mại uyển chuyển.

Nhưng giống như một sự báo đáp sau nhiều thử thách, có công cầm dùi đục, có ngày chạm... thành văn. Cây dùi đục đã được dụng như một cây bút lông trong tay Nguyễn Đăng Hiển.

"Viết chữ trên giấy, nếu chẳng may viết sai có thể thay tờ giấy khác, kẻ hậu sinh này có điều thắc mắc: Khi "viết" chữ trên chuông, nếu chạm sai nét thì làm thế nào?", tôi hỏi ông Hiển.

"Mỗi nét chạm, chiếc dùi đục đều khoét sâu vào thân chuông, nếu chạm sai nét, thì... lấy quả chuông khác rồi chạm tiếp", ông thợ chạm kiêm thư gia cả cười.

"Vậy còn hiệu "Thiết bút thư sinh"?

"Ấy là vì tôi "viết" bằng cây dùi đục bằng sắt ".

Ngẫm ra, mới biết chạm chữ trên đồng không cho phép bất kỳ sai sót nào. Người xưa nói "khôn văn tế, dại văn bia" quả ngàn lần có lý, chẳng những người soạn bài văn, mà cả người "viết" nó lên chuông đồng bia đá đều nhận được những lời bình phẩm của bao đời sau.

Giờ Phật giáo đang hồi cường thịnh, ngoài Bắc, trong Nam hễ đâu đúc chuông, người ta lại phải tìm đến ông Hiển để chạm những bài minh, bài kệ. Thậm chí, đến quả đại hồng chung nặng 1,5 tấn ở ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (TP. Hồ Chí Minh) cũng phải cần có bàn tay ông thợ chạm này. Chạm ngót 4.000 quả chuông, chiếc khánh trên khắp cả nước, "Thiết bút thư sinh" Nguyễn Đăng Hiển xứng đáng là một kỷ lục gia.

Am thanh cảnh vắng, "tiểu đồng" hầu rượu, còn mình múa bút trên chuông, "Thiết bút thư sinh" Nguyễn Đăng Hiển coi đó là cái thú thi vị nhất ở đời.

Những nét chữ của "Thiết bút thư sinh" cùng với những quả chuông đồng sẽ còn trường tồn với thời gian, nhưng như một Nho gia ẩn dật, thật hiếm khi ông lưu lại danh tính của mình. Ấy là vì ngoài đức "nhẫn", cái đức tính đã giúp ông có được tinh hoa của nghệ thuật chạm chữ trên đồng, ông luôn gìn giữ đức "khiêm"...

Lam Sơn (SK&ĐS)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.472.607
Tổng truy cập: