NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Họa sĩ truyền thần cuối cùng ở Cần Thơ
(Ngày đăng: 25/08/2013   Lượt xem: 750)
Họa sĩ truyền thần cuối cùng ở Cần Thơ

Mặc cho những máy móc hiện đại “lấn ép”, trong gian nhà nhỏ khoảng 14m2 trên đường Đồng Khởi (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), họa sĩ Phan Xú Há (sinh năm 1951) mái tóc bạc phơ đang chỉnh sửa từng nét trên bức tranh đã cũ y như ảnh chụp. Hơn 10 năm nay, người dân nơi đây hay gọi ông là “họa sĩ vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Cần Thơ”.

Làm “thợ vẽ” là cái nghiệp

Phan Há chia sẻ: “9 tuổi tôi đã mê vẽ rồi, nhưng mẹ mất sớm năm tôi 6 tuổi, nên tôi phải phụ gia đình bán mì, hoành thánh. Có lẽ xưa ông nội tôi từng là họa sĩ nên cha tôi có ý cho tôi thực hiện lý tưởng ấy. Sau giờ bán mì, ông cho tôi tự học vẽ ở nhà. Đến khi cha mất, tôi sống chung với chị mà chị không cho vẽ. Nhịn tiền ăn để mua dụng cụ vẽ, chị cũng không cho, đành gác lại niềm đam mê của mình”.

Theo ông Phan Há, có lẽ ông đến với nghề vẽ như một cái nghiệp. Một lần đi xem hát, tình cờ thấy họa sĩ vẽ cảnh nền cho sân khấu, ông thích thú đứng xem, quên mất là mình đi xem hát. Từ đó, ông thường xuyên ra vào các rạp hát ở Cần Thơ, không phải để xem hát, mà vào phòng xem họa sĩ vẽ. “Cũng may, họa sĩ Lê Nam tốt bụng cho tôi đứng xem, sau ông kêu lại phụ làm lặt vặt như lấy thùng nước, pha mực… Nhìn rồi học bằng mắt, về nhà tôi tự vẽ một mình vào buổi tối” - ông Phan Há bộc bạch.

Sau 3 năm lưu lạc khắp các rạp hát, cậu bé Xú Há đã học hỏi từ rất nhiều họa sĩ tại Cần Thơ. Từ cách kẻ ô vẽ tranh phong cảnh, ông mày mò áp dụng vào tranh truyền thần. Ông tập chép lại những bức ảnh của người quen, bạn bè. Ai xem cũng ngạc nhiên vì quá giống bức ảnh chụp, thậm chí còn có “hồn” hơn. Từ đó ông mạnh dạn cộng tác với nhà vẽ Bích Ngân, Huỳnh Lạc…, đủ giúp gia đình vượt qua thời kỳ gian khó.

Sau giải phóng, ông làm ở phi trường Trà Nóc 3 năm. Năm 1978, ông khởi nghiệp bằng công việc vẽ các panô quảng cáo phim sắp chiếu cho các rạp xinê, rồi vẽ phông màn cảnh cho gánh hát. Lúc kinh tế khó khăn, thiếu việc làm ông lại vẽ tranh thủy mặc, đồng quê  mang đi bán dạo… Còn tranh truyền thần thì bỏ mối cho nhà vẽ, “ăn chia” 6-4 hoặc làm việc cho xưởng mỹ thuật Cần Thơ… Nhiều lúc túng quẫn, ông về nhà làm lịch bỏ mối. Lang bạt nhiều nơi, tới năm 2007, Phan Há dời về đường Đồng Khởi, mở cửa tiệm nhỏ vẽ cho tới bây giờ.

Nói về nghề, ông Há cho biết, không đơn thuần là chép ảnh, truyền thần là “truyền lại” cái “thần” của người được vẽ. Làm sao mà bức vẽ giống thôi chưa đủ, phải bắt được cái thần thái trong bức hình ấy, làm nó sống động, như có thể trò chuyện cùng mình. Ông nhìn bức vẽ trầm ngâm: “Ngày xưa học nghề cực lắm, trời nắng thì vẽ 3 ngày xong, mưa thì 5 ngày. Vì vẽ phải qua nước nhất, nhì, ba, màu nền, rồi vẽ từng lớp màu lên mới hoàn thành bức tranh. Thời nay người ta dùng Photoshop để vẽ nhanh hơn. Nhưng không thể truyền hồn vào tranh như cây cọ được”.

Theo ông Phan Há, vẽ truyền thần rất khó, người họa sĩ phải kiên trì, cần mẫn, tập trung cao độ. Phan Há kể vui: “Tôi có một học trò, nó vẽ chân dung mà con ngươi cặp mắt lớn quá chừng, nhìn vào mờ mờ cứ như người mù vì đồng tử bị che hết. Tôi lấy đầu nhọn cây compa chấm vô con ngươi vít lên một cái, nhìn có thần liền. Cũng như muốn vẽ tóc mai, nếu vẽ bằng cọ thì nhìn nó không uyển chuyển được. Phải lấy cọ chấm nước cơm chín, mình đè tới đâu là nó uyển chuyển tới đó, đừng chấm keo là nhìn tóc cứng ngắt. Những bí kíp này là do mình vẽ lâu năm, nghề dạy nghề chứ không ai dạy cả. Và nghề gì cũng vậy, mình phải đam mê và có năng khiếu mới làm nghề được”.

Truyền thần sắp “lụi tàn”

Khoảng 10 năm trở lại đây, máy ảnh kỹ thuật số ra đời. Ít ai còn kiên nhẫn mang một tấm ảnh đi truyền thần mất mấy ngày với hai màu đen trắng. Vì thế những thợ ảnh lên ngôi và nghệ sĩ truyền thần dần dần bị quên lãng.

Theo lời ông Phan Há, trước kia ở Cần Thơ có khoảng 7 người chuyên vẽ tranh truyền thần, bây giờ phần lớn đã “lui binh”, chỉ còn Phan Há. Vẽ tranh truyền thần đã qua giai đoạn hoàng kim (khoảng thập niên 1970-1990), nay đứng trước nguy cơ mai một. Các con Phan Há cũng từng theo ông học vẽ, nhưng đã chuyển qua làm nghề khác. Ở tuổi lục tuần, Phan Há vẫn gắn bó với nghề vẽ để sống qua ngày. Cô Đỗ Thị Muồi  - vợ ông - nói: “Hiện tại ổng vẫn còn vẽ trang trí cho các nhà hàng, cắt chữ cho hội nghị, biệt thự hay quán càphê để nuôi vợ con”.

Cửa tiệm nhỏ của ông dường như chỉ phục vụ khách quen. Giờ truyền thần mai một, ông không buồn lắm, vì ông đã được sống với nghề trong một thời “vang bóng”. Cả thời trai trẻ ông đều dành cho vẽ tranh truyền thần nên giờ ông không có gì hối tiếc.

Nhìn về tương lai khi tranh truyền thần không có hậu nhân, ông chỉ mong mỏi một điều: “Tôi hy vọng có một cơ quan chức năng, tập hợp những nghệ nhân vẽ truyền thần lại, tạo điều kiện cho họa sĩ truyền nghề, để nghề vẽ tranh truyền thần không bị mai một. Nếu không, vài năm nữa, các thế hệ con cháu sẽ không biết tranh truyền thần là gì”.
                                                                                         Theo: Lao động
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.518.999
Tổng truy cập: