NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Lý Quý Trung: Ông hàng phở viết tự truyện
(Ngày đăng: 11/08/2013   Lượt xem: 482)
Nhắc đến Lý Quý Trung, nhiều người chỉ biết ông là thành viên đồng sáng lập thương hiệu Phở 24, nhưng ít ai biết ông cũng là người có máu nghệ sĩ. Ông từng có triển lãm riêng và mới đây là tự truyện Bầu trời không chỉ có màu xanh do NXB Trẻ ấn hành.

Lý Quý Trung không chỉ bán phở cho người dùng mà còn bán thương hiệu Phở 24 khắp năm châu. Có lẽ, Lý Quý Trung là ông chủ hàng phở có học vị cao nhất từ xưa đến nay: tiến sĩ chuyên khoa quản trị kinh doanh của ĐH Kennedy Western (Mỹ). Và có lẽ, Bầu trời không chỉ có màu xanh là cuốn tự truyện chưa có tiền lệ của… một người bán phở.

Khởi nghiệp: bồi bàn

Lý Quý Trung viết khá nhiều sách, chủ yếu là sách chuyên ngành liên quan đến sở học của ông, như: Franchise - Bí quyết thành công bằng mô hình nhượng quyền kinh doanh (best seller năm 2005, 2006), Mua Franchise - Cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, Branding - Xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Luật chơi golf, Golf - Những lời khuyên thú vị… Nhưng mãi đến khi tự truyện Bầu trời không chỉ có màu xanh, người đọc mới biết đầy đủ về số phận của doanh nhân này. Hơn thế, hành trình vươn lên của Lý Quý Trung có nhiều chi tiết đáng để những người trẻ hôm nay học hỏi.

Bầu trời không chỉ có màu xanh

Năm 1990, Lý Quý Trung du học tại Australia với hành trang đáng kể nhất là quyết tâm học thành tài. Bởi, xuất phát điểm của ông khá thấp. Từng thi rớt đại học trong kỳ thi tuyển sinh tại Việt Nam và trước khi du học, ông làm bồi bàn ở một khách sạn. Với nhiều người trẻ cùng thời với Lý Quý Trung và người trẻ hiện nay, khi đang làm bồi bàn có mấy ai nuôi mộng du học? Vậy mà ông đã nuôi giấc mộng đó cho đến ngày gặp cơ duyên để thực hiện, khiến gia đình, bạn bè và ngay cả bản thân cũng bất ngờ vì mơ ước đã trở thành hiện thực.

Sang Australia, thật không dễ dàng gì ở nơi đất lạ quê người, sống cảnh ăn nhờ ở đậu, để học hành như ý. Lý Quý Trung vừa học vừa tiếp tục làm “cu-li” trong một nhà hàng, sống tằn tiện đến từng xu để có thể tồn tại và học hành. Năm 1994, ông tốt nghiệp cử nhân ngành nhà hàng và khách sạn tại Trường ĐH Tây Sydney (Australia). Sau đó học tiếp để lấy bằng thạc sĩ du lịch tại ĐH Griffith (Australia). Năm 2003, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Trường ĐH Kennedy Western (Mỹ). Năm 2007, ông được phong hàm giáo sư danh dự tại ĐH Griffith, là người nước ngoài đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử nhận được danh hiệu của trường này.

Không chỉ viết sách về kinh doanh, Lý Quý Trung từng tham gia giảng dạy tại các Trường Đại học Văn Lang, Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Quốc tế RMIT. Có bao nhiêu sinh viên biết rằng, người đang đứng trên bục giảng từng làm bồi bàn ở một khách sạn tại Sài Gòn và sau đó làm “cu-li” với phương tiện di chuyển là chiếc xe đạp giữa đêm khuya ở xứ người?! Những chi tiết như thế trong tự truyện của Lý Quý Trung khiến người đọc xúc động nếu đem so với bề ngoài hào nhoáng của một doanh nhân thành đạt hiện nay.

Thôi bán phở để viết và vẽ

Tự truyện Bầu trời không chỉ có màu xanh được Lý Quý Trung hoàn thành trong vòng 6 tháng với mỗi ngày dành hơn 5 giờ để viết. Thời gian viết tự truyện này sau khi ông đã chính thức bán lại Công ty Phở 24 cho một tập đoàn khác vào ngày 11/11/2011 sau 10 năm xây dựng thương hiệu. Nhưng dù không còn gắn với Phở 24 nữa, nhiều người vẫn nhớ đến ông bằng cách gọi trìu mến: “ông hàng phở”.

Tiến sĩ Lý Quý Trung, “ông hàng phở” viết tự truyện

Khi trước, nhiều người thắc mắc rằng tại sao bán phở mà ông lại đi lấy bằng tiến sĩ? Lý Quý Trung, cho rằng: “Câu trả lời của tôi là hai việc này hoàn toàn khác nhau. Đi bán phở là việc xảy ra bất ngờ trên con đường kinh doanh của mình, còn đi học tiến sĩ là thực hiện một nhu cầu khác của tôi. Đó là nhu cầu được tìm tòi, nghiên cứu về một đề tài nào đó. Và khi có một đề tài nào đó đủ sâu và đủ đặc biệt để ám ảnh bạn trong suốt một thời gian dài thì bạn có thể nghĩ đến một luận án tiến sĩ”.

Ngoài chuyện kinh doanh và viết sách, Lý Quý Trung còn vẽ tranh sơn dầu rất đẹp. Năm 2010 tại một khách sạn trên đường Đồng Khởi, ông đã triển lãm tranh Dạo chơi cùng sắc màu với 22 tác phẩm. Có lẽ, sở thích viết và vẽ của Lý Quý Trung xuất phát từ di truyền từ người cha của ông - nhà báo Lý Quý Chung với bút danh quen thuộc Chánh Trinh. Không chỉ viết báo với nhiều bài bình luận bóng đá khiến người hâm mộ môn thể thao này nhớ mãi, Chánh Trinh còn viết sách, dịch sách và vẽ tranh. Nhà báo Chánh Trinh là người tài hoa, ông giữ cương vị thư ký một tòa soạn thật tuyệt vời. Trước khi báo đem in, còn trống chỗ nào là Chánh Trinh lấp đầy, kể cả vẽ hình minh họa.

Dám ước mơ táo bạo

“Tôi chia sẻ ước mơ đi du học và một ngày nào đó trở thành giám đốc một khách sạn cho một người duy nhất: bạn gái và hiện nay là vợ của tôi. Sau này khi đã thành vợ chồng rồi, vợ tôi thú nhận là đã quá đỗi ngạc nhiên khi nghe một anh chàng vừa thi rớt đại học và nay đang làm bồi bàn mà dám có ước mơ táo bạo như vậy” (Tâm sự của TS Lý Quý Trung)

                                                                                                         Theo: Thethao&vanhoa
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.518.843
Tổng truy cập: