NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nghệ nhân vẫn tiếp tục chờ...
(Ngày đăng: 04/08/2013   Lượt xem: 1062)
Vậy là sau 11 năm chờ đợi, các nghệ nhân dân gian Việt Nam - theo cách gọi của UNESCO - là “Báu vật nhân văn sống”, vẫn phải tiếp tục chờ… nghị định. 11 năm, kể từ khi Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch giao Cục Di sản văn hóa xây dựng thông tư, nghị định phong tặng danh hiệu nghệ nhân (Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú), với nhiều lần tổ chức lấy ý kiến đóng góp, nhưng đến nay... vẫn chưa xong! Mới đây, tại cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 10 năm Việt Nam ký Công ước về Bảo vệ di sản phi vật thể, đại diện của Cục Di sản văn hóa cho rằng, ít nhất phải một năm nữa (tức năm 2014) việc xét tặng danh hiệu này mới được tiến hành.

1. Đầu tháng 3 vừa qua, những nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc và người yêu nghệ thuật hát xẩm tiếc thương sự ra đi của người được mệnh danh là Nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20-Hà Thị Cầu (quê ở Yên Mô, Ninh Bình). Nhưng có lẽ, nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn còn may mắn hơn rất nhiều nghệ nhân khác, ở các loại hình âm nhạc cổ truyền khác. Khi bà ốm, bà mất có báo chí đưa tin; ngày đưa tiễn bà ra đồng có cả lãnh đạo ngành văn hóa về viếng. Còn như trường hợp của ca nương Phan Thị Mơn ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh - người nắm giữ rất nhiều thể cách ca trù của một cái nôi ca trù nổi tiếng, khi còn sống vẫn được đón rước tới các kỳ liên hoan, cất lên những tinh túy của loại hình âm nhạc nức tiếng một thời; rồi bà còn truyền dạy cho lớp con cháu, có nhiều buổi nói chuyện, thu âm, ghi hình... góp vào việc sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ, lập hồ sơ để được UNESCO vinh danh “Ca trù người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhưng khi bà ốm, nằm đó đơn côi trên chiếc giường nhỏ trong ngôi nhà nhỏ của gia đình cô con gái còn gặp nhiều khó khăn. Bà trút hơi thở cuối cùng trong lặng lẽ vào một ngày cuối năm 2011. Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim (Nông Cống, Thanh Hóa) - ca nương cuối cùng của dòng họ Nguyễn - dòng họ hát ca trù nổi tiếng ở Thanh Hóa, thật buồn là ngay trong Liên hoan ca trù toàn quốc tổ chức tháng 10-2011, bà Kim được xướng tên lên nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian, nhưng cả khán phòng không thấy bóng dáng bà, hỏi cán bộ văn hóa của tỉnh Thanh Hóa, họ bảo bà không ra được! Một học trò của bà thông báo rằng... bà đã mất!

Các nghệ nhân hát xoan phường Thét (Phú Thọ) vẫn thường xuyên được mời biểu diễn, ghi hình khi có các đoàn khách đến muốn nghe hát xoan, dù chẳng có chế độ đãi ngộ gì.

Những người sống ngót thế kỷ như ca nương Nguyễn Thị Sinh (94 tuổi), kép đàn Đỗ Văn Hồng (92 tuổi) Nguyễn Phú Đẹ cũng đã ngoài tuổi 90… cuộc đời thăng trầm, nhưng vẫn âm ỉ gìn giữ trong mình những vốn cổ, di sản của dân tộc chẳng mong gì nhiều, mà chỉ mơ ước: Có cái thẻ bảo hiểm y tế, nhỡ ốm đau còn đi khám chữa kịp thời, giữ sức khỏe để truyền dạy lại vốn cổ cho con cháu!

2. Trong thời gian chờ đợi Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xây dựng chính sách ưu đãi các nghệ nhân - nhất là sau khi Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận, thì Hội Văn nghệ dân gian năm 2002 đã kịp thời phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, đến nay đã phong tặng gần 200 danh hiệu. Nhưng việc phong tặng danh hiệu của Hội VNDG mới chỉ mang ý nghĩa tôn vinh chứ chưa có chính sách đãi ngộ. Lực bất tòng tâm, bởi Hội VNDG không có quyền hạn và trách nhiệm về việc giải quyết chính sách ưu đãi nghệ nhân.

Với mỗi loại hình Di sản phi vật thể được thế giới vinh danh cũng như lập hồ sơ, chúng ta đều phải có cam kết thực hiện chính sách đãi ngộ nghệ nhân. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có bất kỳ nghệ nhân nào nhận được chế độ đãi ngộ mang đúng nghĩa. Trong khi đó, tuổi của các nghệ nhân khó có thể “chạy đua” với thời gian. GS, TSKH Tô Ngọc Thanh từng nói: “Nếu không có các nghệ nhân dân gian, làm sao chúng tôi biết văn nghệ dân gian xưa kia như thế nào, làm sao có các công trình nghiên cứu, có các hồ sơ di sản? Các nghệ nhân chính là những người thầy của chúng tôi. Thầy thì cứ mất dần, tôi sợ không lâu nữa có đến tiền tấn, tiền tỷ cũng không thể nào tìm được!”.

Kép đàn Đỗ Văn Hồng (bên phải) tuần hai buổi đệm đàn cho các ca nương tại đình Kim Ngân, Hà Nội chẳng đòi hỏi thù lao. Ảnh: CHÂU XUYÊN.

3. Ở cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 10 năm Việt Nam ký công ước về Bảo vệ di sản phi vật thể, bà Nguyễn Kim Dung-Trưởng phòng quản lý Di sản văn hóa phi vật thể (Cục Di sản văn hóa) - người trực tiếp tham gia ban soạn thảo Thông tư chính sách đãi ngộ NNND, NNƯT cho biết, khi bắt tay thực hiện các cấp đều gặp phải nhiều vướng mắc về mặt pháp quy. Hơn nữa, việc xét tặng danh hiệu không đơn giản, bởi đây là vấn đề con người chứ không phải hiện vật. Theo nguyên tắc, việc xây dựng nghị định này phải dựa trên Bộ luật Thi đua Khen thưởng. Tháng 6 vừa qua, dự thảo nghị định này đã hoàn thành theo kế hoạch và đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, trước việc Luật Thi đua Khen thưởng sẽ được sửa đổi và đưa ra trình Quốc hội vào tháng 12 tới, Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng việc xây dựng nghị định này. Như vậy, sau kỳ họp Quốc hội tháng 12, dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân sẽ phải tiếp tục chỉnh sửa một lần nữa trước khi trình Chính phủ.

Việc chậm xây dựng nghị định này, theo nhận định bắt nguồn từ những rắc rối nhiều năm qua trong việc phân định vai trò liên quan của Bộ Công Thương và Bộ VH-TT&DL. Cũng là nghệ nhân, nhưng các nghệ nhân thuộc lĩnh vực làng nghề đã nhận được ưu đãi, chính sách của Bộ Công Thương từ năm 2007. Còn các nghệ nhân Di sản văn hóa phi vật thể do Bộ VH-TT&DL chịu trách nhiệm đến nay vẫn... chờ. Không ít băn khoăn, cũng là nghệ nhân, tại sao lại có sự nhanh-chậm, sớm-muộn? Có thể, sẽ chẳng phải là bài toán khó nếu những người chịu trách nhiệm xây dựng nghị định, đề xuất… nắm bắt được tâm tư, đời sống nghệ nhân cũng như giá trị thực, cần gìn giữ, phát huy của những loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Bà Nguyễn Kim Dung cho rằng, dù công việc xét tặng chậm so với tình hình thực tế đời sống của nghệ nhân, nhưng những người thực hiện soạn thảo thông tư hy vọng vẫn còn kịp để bảo vệ quyền lợi của nghệ nhân!

                                                                                                            Theo: QĐND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.519.150
Tổng truy cập: