NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người thợ điêu khắc tài hoa
(Ngày đăng: 29/07/2013   Lượt xem: 1410)

Anh là chủ nhân của sáu tác phẩm điêu khắc được bán đấu giá từ thiện hàng tỷ đồng ở Ukraine, vinh dự có mặt trong cuốn “Ngọc Than đăng khoa lục” ghi lại tình hình khoa cử, đỗ đạt của người làng Ngọc Than. Đó là nghệ nhân Đỗ Đình Yên, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

 

Nhiệt huyết tuổi trẻ

Về làng Ngọc Than, từ ao Sen của làng đi qua khu chợ cầu Mới, rẽ vào một con hẻm nhỏ, nơi có tiếng búa rìu lách cách là nhà của nghệ nhân Đỗ Đình Yên. Đây là cơ ngơi ba tầng với những tác phẩm điêu khắc treo phủ kín trên tường.

Sinh năm 1977, nhưng trông anh Yên trẻ hơn tuổi. Xin phép đừng gọi là nghệ nhân, anh bảo “Nghệ nhân nghe thật to tát và rất cao quý, người thợ phải phấn đấu miệt mài cả đời để xứng với danh hiệu, tôi cũng đang là người thợ ấy…”.

Đỗ Đình Yên sinh ra trong một gia đình cả ba đời theo nghề mộc. Lớn lên theo cha, chú làm mộc, từ lúc nào những đường bào nhát đục đã in đậm vào tâm trí của cậu bé Yên. Lên 10 tuổi, Yên được cha giao “nhiệm vụ” đầu tiên đó là bào trơn, đánh nhẵn các khúc gỗ. Vốn chăm chỉ, ham học hỏi không lâu sau Yên được làm những công việc đòi hỏi khéo léo như tách vỏ, chạm trổ hoa văn… Cậu bé Yên sớm bộc lộ năng khiếu của mình.

Thế nhưng ngày đó, nghề mộc thủ công trên toàn miền bắc chưa thịnh hành, những sản phẩm Yên làm ra không được ai biết. Nhìn cảnh cha mẹ làm mộc mà vẫn lam lũ với ruộng đồng, nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. 18 tuổi, Yên mang trong mình hoài bão đi “tầm sư học đạo”.

Yên gặp phải sự chống đối quyết liệt của gia đình, mẹ Yên ốm mất mấy ngày khi anh quyết định vào nam lập nghiệp. Nhớ lại, anh Yên tâm sự: “Đó là quyết định khó khăn của đời tôi, nếu chín chắn như bây giờ thì tôi không dám, nhưng tuổi trẻ thì luôn muốn khẳng định mình, luôn khát khao thành công”.

Bài học về lòng tin

Sự mạo hiểm nào cũng phải trả giá, anh Yên không ngoại lệ. Vào Nam với một chiếc ba lô, vài ba bộ quần áo, cộng thêm 140 nghìn đồng bỏ túi, vào đến ga Sài Gòn, Yên nói với bác xe ôm: “Chú cứ chở cháu đến nơi nào có nhiều người làm mộc nhất là được”.

Một thân một mình trên đất khách quê người, anh không sợ hay sao? Tôi hỏi, anh Yên tâm sự: “Xuống đến nơi lúc đó chỉ còn vài chục nghìn trong túi, không biết làm gì, ở đâu, cũng lo sợ lắm nhưng nghĩ lại mình có tay nghề, mình sẽ làm việc và kiếm được tiền nên lại yên tâm”.

Nhưng đi khắp nơi chẳng ai dám nhận anh. Anh Yên bảo: “Lúc đó tiếng nói của tôi là một phần trở ngại. Ngày đó vẫn có quan niệm dân bắc vào làm, có cái gì đó rất xa lạ, chưa tin tưởng. Khi xin việc tôi luôn đặt vấn đề, xin làm thử, chấp nhận không ăn lương, để khẳng định tay nghề của mình”. Được vào làm rồi anh Yên làm việc chăm chỉ, bất kể ngày đêm.

Có lần anh bị chủ xưởng mộc xù cả tiền lương, rồi bỏ trốn vì làm ăn thua lỗ. Anh bảo đó là tai nạn nghề nghiệp, ai cũng có khi. Cho đến ngay cả sau này, khi anh đã có đủ vốn mở được một xưởng mộc nhỏ ở Sài Gòn, rồi gặp phải một vị khách hàng “dở chứng” xù cả tiền hàng 100 triệu đồng, anh vẫn cho rằng “thất bại là mẹ thành công”.

Anh Yên nhớ lại: Có một nữ doanh nghiệp vào xưởng mộc của anh, đề nghị đặt hàng các bộ bàn ghế tiếp khách, với số tiền lên đến 100 triệu đồng. Vào những năm 1999, số tiền đó đã là cả gia tài của anh. Nhận được đơn đặt hàng lớn anh em thợ thuyền mừng lắm, bao nhiêu dự định, ước mơ đang phía trước… Vậy nhưng giao hàng xong chờ mãi vẫn không thấy chủ hàng thanh toán tiền. Sau này anh mới biết chủ hàng bị vỡ nợ, chạy trốn. Vậy là tay trắng lại hoàn tay trắng. Những năm tháng sau đó, anh chỉ đi làm mà không công, để gom tiền trả nợ cho anh em thợ thuyền. Đó là bài học về lòng tin mà đời anh thấm thía.

Khắc tranh gỗ đấu giá từ thiện

Năm 2006, anh Yên trở về quê hương nơi “bút Ngọc nghiên Than”. Anh Yên lấy một người con gái cùng làng, sinh con rồi làm nghề mộc. Tháng 10¬-2007 anh may mắn là người duy nhất của làng Ngọc Than, trong số sáu nghệ nhân được Tập đoàn Technocom mời sang tỉnh Kharkov, nơi có khoảng 7.000 người Việt định cư, để lắp đặt hoành phi, câu đối và chạm trổ hoa văn cho chùa Trúc Lâm.

Anh Yên tâm sự: “Đó là một cơ may để tôi được đi học hỏi nâng cao tay nghề. Chuyến đi thành công ngoài cả mong đợi”.

Sau bốn tháng ở Ukraine, anh may mắn được phía công ty giữ lại làm việc thêm hai năm nữa. Một mặt tiếp tục tu bổ chùa Trúc Lâm, anh Yên còn được giao làm điêu khắc về các công trình, danh thắng ở Ukraine trên chất liệu gỗ.

Anh Yên không ngờ, sau đó sáu bức tranh gỗ nổi được Tập đoàn Technocom đem bán đấu giá để lấy tiền giúp đỡ các trẻ em mồ côi ở Kharkov với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Đặc biệt tác phẩm “Sáng suốt, anh minh”, là tượng đài khắc Taras Shevchenko, cùng với 16 vị anh hùng, là tác phẩm mang tính hình khối, độ sâu cao, gây nhiều ấn tượng cho người xem.

Hiện tại, xưởng mộc của anh Yên tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Vợ chồng anh nhận làm mọi sản phẩm điêu khắc trên gỗ.

Anh Yên chia sẻ, anh đang chuẩn bị thực hiện dự án điêu khắc các danh thắng Việt Nam lên gỗ với các hoa văn tinh xảo mang đậm tính dân tộc và đem quảng bá đến nhiều nơi trên thế giới.

 


Anh Yên giới thiệu hình lưu niệm tác phẩm được đem đấu giá.

                                    Theo:  Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.519.150
Tổng truy cập: