NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Mộc mạc chân dung người đưa vân gỗ nên tranh
(Ngày đăng: 26/03/2012   Lượt xem: 2061)

Về vùng Kinh Bắc, đến bất cứ đâu trên mảnh đất Bắc Ninh - miền quê “địa linh nhân kiệt” cũng đầy ắp những kỷ niệm lịch sử được kết tinh trong những di sản văn hoá tiêu biểu ở khắp các làng quê của vùng đất này. Những làng cổ, nghề cổ được truyền giữ, nối tiếp qua bao thế hệ người thợ, người dân quê thô mộc; chính họ là những người nghệ nhân tài hoa làm nên vẻ đẹp của làng nghề truyền thống.

Nằm giữa lòng phố thị, nét cổ kính của làng Chọi (nay là thôn Khúc Toại thuộc xã Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh), làng nghề mộc truyền thống xưa, dường như đã không còn, nhưng người ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp chân dung những con người mộc mạc, chất phác ở bất cứ đâu trong những xưởng mộc, bên những thớ gỗ... Và có lẽ nét hồn hậu, chân chất ấy của người dân quê Bắc Bộ đã ăn sâu trong bản chất người thợ mộc Nguyễn Văn Viện, cũng chính điều đó đã vẽ nên chân dung ông, làm nên nét đẹp riêng có trong mỗi bức tranh ghép gỗ mà ông thổi hồn.

Cuộc đời đem đến cho người nghệ nhân nhiều thử thách, ông Viện thâm trầm khi đưa câu chuyện về với những ngày đầu lập nghiệp. Một mình đi mở con đường mới - làm tranh ghép gỗ, cho đến giờ ông không thể nhớ hết những gian truân mình đã trải qua, nhưng tâm hồn người nghệ nhân ấy tự lúc nào đã nhuốm vào cái hồn mộc mạc của đất của cây, cái dung dị trong từng đường vân thớ gỗ mỗi tác phẩm. Danh sách các dòng tranh Việt Nam đã được làm phong phú thêm với những bức tranh ghép của ông.

Là người ít nói, nhưng khi bàn về những tác phẩm của mình thì ông lại say sưa, say sưa kể về những ý tưởng còn đang nung nấu, say sưa kể về sắc độ, các gam màu trên mỗi thớ gỗ;  về đề tài, nội dung mỗi bức tranh: từ cảnh sinh hoạt của người dân, hát Quan họ, tranh Ðông Hồ, tranh dân gian, tranh thờ, chúc tụng... đến những điển tích lịch sử, phong cảnh, tĩnh vật, con người...

Con mắt của người từng theo học mỹ thuật cùng với việc được sinh ra và lớn lên trong làng nghề truyền thống đã giúp ông có những ý tưởng sáng tạo, mà sau đó là cả một quá trình suy ngẫm tìm cách thể hiện, tỉ mỉ từng chi tiết, lựa chọn từng sắc màu... và lắp ghép, hoàn thiện bức tranh.

           

                                                  Tác phẩm Vinh quy bái tổ

Có hai loại tranh: tranh ghép nổi và tranh ghép chìm. Với tranh nổi, các chi tiết của tranh, gồm những miếng ghép nổi hẳn lên trên bề mặt; tranh chìm là loại tranh ghép những miếng ghép thuần túy để thành bức tranh có độ phẳng cao.

            

                                                Tranh ghép nổi: cảnh lao động của người nông dân

            

                      Tranh ghép chìm có hồn và độ sâu về mỹ thuật hơn tranh ghép nổi

Vào thăm xưởng của ông, chúng tôi phải quanh co qua mấy khúc ngoặt của con đường quê trải bê tông, rồi leo một dốc đồi thoai thoải, xưởng tọa gần như trên đỉnh một ngọn đồi. Từ góc nhìn này, người ta có thể quan sát được nhiều cảnh vật cũng như hoạt động của con người xung quanh.

Từ ngoài cổng vào sâu phía trong xưởng, những mảnh gỗ vụn, những sấp, những đống gỗ lớn nhỏ nằm la liệt. Đây đó những khung hình đang được tạo dáng, những bức tranh đang ghép dở, có những bức đang hoàn thiện, có những bức đã hoàn thiện chờ khách hàng đến lấy...

                   

                   Ảnh tại xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Văn Viện

Đặt trong một phòng chứa riêng (gọi là phòng nhưng thực ra là một mái lợp ngăn riêng nằm giữa xưởng), là bức tranh ghép nổi lấy ý tưởng từ tích cổ Sỹ nông công thương. Bức tranh có kích thước cao - rộng là 1.8mx3m, nặng khoảng 70kg, được bao bởi khung gỗ lim. Ông Viện cho biết, để hoàn thiện tới bước này ông đã phải tốn 60 công thợ phụ, thi công trong vòng hai tháng. Bức tranh thể hiện cảnh làng quê Việt Nam bằng nhiều góc nhìn, với cảnh đình chùa, cảnh sinh hoạt - lao động của người dân, xen vào đó là cảnh vinh quy bái tổ và cảnh mua bán tấp nập của thương gia...

             

                         Nghệ nhân Nguyễn Văn Viện bên tác phẩm Sỹ nông công thương

Từng bước từ phác thảo ý tưởng ra giấy rồi dán lên khung và ghép gỗ; chọn nguyên liệu gỗ phù hợp với màu sơn và sắc độ sơn; cắt mài các chi tiết; đến lắp ghép, chỉnh sửa và hoàn thiện với các khâu làm lót, làm nền, đánh giáp... đều được nghệ nhân cẩn thận, tỉ mỉ thao tác.

Làm tranh ghép gỗ, người thợ cần phải có khả năng cảm nhận bằng chất liệu, cảm nhận sắc độ, gam màu của từng miếng ghép, nhìn vào mảnh gỗ có thể biết nó được dùng cho những chi tiết thế nào...

Xưởng nhà nghệ nhân Viện có khoảng 20 lao động vừa làm việc vừa học nghề. Thoáng trông, chúng tôi để ý có một hai người thợ khuyết tật, người thì đang cẩn thận đánh giáp từng chút cho chiếc khung tranh chuẩn bị ghép, người thì đang say mê với những đường đục đẽo... Gặp những người thợ như thế này trong xưởng mộc của ông là chuyện bình thường, bởi xưởng của ông vẫn thường đào tạo và thu nhận những lao động là người khuyết tật. Với ông Viện, người khuyết tật họ yếu ở điểm này nhưng lại mạnh về điểm khác, những điểm mạnh ấy chính là năng khiếu riêng, như người khiếm thị họ sẽ có đôi bàn tay tuyệt vời, khi tâm trí dồn vào đôi bàn tay thì những cảm nhận thu được sẽ sâu hơn...

              

                                   Người khuyết tật họ yếu ở điểm này nhưng lại mạnh ở điểm khác

                                   

                                                              Tác phẩm Gái sen

                         

                           Nghiên đựng hồ dán: Dụng cụ không thể thiếu cho việc ghép tranh

Chúng tôi rời xưởng của nghệ nhân đi về phía phố thị để chuyển hành trình, nhưng trong câu chuyện bàn luận của mỗi người vẫn đưa lại hình ảnh một người nghệ nhân bình dị, chất phác, không ham hư danh. Có một điều gì đó chưa thể nói hết, một ước mơ đẹp đẽ về nghệ thuật, một hướng đi riêng để tạo những tinh hoa... còn đang ấp ủ trong ông.

                                                                                                                 Vu Hạ    

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.470.730
Tổng truy cập: