NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nghệ nhân Phạm Thế Anh: Nỗi ám ảnh mang tên "Hồng Sa"
(Ngày đăng: 05/07/2013   Lượt xem: 476)
Nghệ nhân Phạm Thế Anh bên mẫu ấm trà mới.

Tôi ngắm những chiếc ấm do Thế Anh thiết kế, với hàng chục loại sản phẩm khác nhau, đẹp về kiểu dáng, độc đáo về họa tiết được bày rất trang trọng để giới thiệu cho khách hàng, mới thấy ở nơi đây, có một hình ảnh Bát Tràng khác lạ. Nếu chỉ đi tới chợ bán ấm chén đất Bát Tràng thông thường, sẽ khó gặp loại hàng có độ tinh xảo như thế này...

Tôi gặp nghệ nhân gốm trẻ Phạm Thế Anh rất tình cờ trong một quán bán ấm trà Tử Sa ở phố Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội. Tôi là người sưu tầm, còn anh là người thợ trẻ của làng gốm Bát Tràng. Tôi rất mê loại ấm trà được chế tác từ đất Tử Sa của các nghệ nhân người Hoa ở miệt Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tôi ngắm nhìn hình dáng của từng chiếc ấm nhỏ xíu trên giá gỗ, còn anh lại xin phép ông chủ cửa hàng đo đạc từng chi tiết trên ấm, rồi ghi chép tỉ mỉ và chụp ảnh. Thấy lạ, tôi hỏi, mới hay anh đang nghiên cứu chế tác những kiểu dáng ấm trà mà anh đã học được ở những sản phẩm này. Thật thú vị, thế là tôi bắt chuyện và hẹn sang Bát Tràng xem sản phẩm anh mới chế tác.

Người chơi tranh độc đáo

Thì ra nghệ nhân Phạm Thế Anh không chỉ vẽ các mẫu ấm, mà anh còn là người yêu hội họa một cách "chẳng giống ai". Nhà anh treo đầy những bức tranh sơn dầu khổ lớn, hầu hết là cỡ 2m x 1,5m (hoặc to hơn). Các bức tranh phủ kín cả dãy tường. Dưới mỗi bức tranh đều ký tên một người vẽ là Tạ Kỳ Vinh. Tôi mang máng nhớ đến tác giả này, nghe đâu ông từng làm ở trung tâm thông tin của ngành Lâm nghiệp, với những bức tranh về rừng khá đẹp. Bất ngờ, Thế Anh chỉ cho tôi một bức tranh rồi giải thích: Đó là họa sĩ đã vẽ theo ý tưởng của anh. Mỗi khi nghĩ ra một cảnh vật nào đó phù hợp với tâm trạng của mình, Thế Anh lại yêu cầu họa sĩ vẽ cho anh một bức tranh. Trước khi bức tranh hoàn thành, anh thường đảo qua xưởng vẽ của họa sĩ Tạ Kỳ Vinh "kiểm tra", và "đòi" chỉnh sửa theo ý mình. Theo tôi hiểu, Thế Anh đã sử dụng họa sĩ như một công cụ vẽ của mình.

Thú thật, ban đầu, tôi không thể hiểu tại sao một họa sĩ như Tạ Kỳ Vinh lại có thể vẽ theo yêu cầu như thế được. Nhưng khi tiếp xúc với họa sĩ, mới hay ông đã được nghệ nhân Phạm Thế Anh nuôi riêng trong nhà để vẽ, vẽ và vẽ theo ý muốn của ông chủ trẻ yêu tranh này. Quả là chuyện lạ ít thấy.

Thế Anh cho biết: Việc hợp tác giữa anh và họa sĩ Tạ Kỳ Vinh như một duyên nợ nhân sinh mà ông trời sắp đặt. Anh rất mê chất thơ trong tranh của người họa sĩ hiện đã ở tuổi "nhân sinh thất thập cổ lai hy" này. Quả nhiên, hàng chục bức tranh khổ lớn của hai người đều miêu tả cảnh đồng quê, lũy tre làng, cây cỏ, cùng những đầm sen êm đềm và chất chứa nỗi niềm man mác, những ẩn ức mầu xanh, đan xen đây đó những mảng nắng vàng dịu dàng. Phải chăng đó là những bài thơ hiện lên theo cảm xúc, như tôi đã từng thảng thốt khi đứng trước những tác phẩm của danh họa Levitan, một họa sĩ có biệt tài vẽ cảnh trí thiên nhiên nước Nga, với mầu vàng ngân nga nỗi buồn xa xôi. Thật là một người chịu chơi và có cách chơi tranh riêng của mình.

Những mẫu ấm dị biệt

Về tới xưởng của Thế Anh tôi mới hay, hiện cơ sở gốm của anh đang có một hợp đồng làm thuê hàng vạn chiếc ấm trà cho người Nhật. Những mẫu ấm trà và chất liệu đất đều do bên đặt hàng quy định khá khắt khe. Về kiểu dáng thì không có gì khó, vì đã có mẫu sẵn, dễ chế khuôn để làm. Còn về chất liệu đất, phải pha chế theo một công nghệ mới của Nhật Bản để tạo nên sản phẩm phôi. Hàng làm xong, nung ở nhiệt độ 800 độ C, rồi xuất sang Nhật. Sau đó, những nghệ nhân người Nhật sẽ vẽ họa tiết, phủ men, rồi đem nung ở nhiệt độ cao, tạo nên mẫu hàng mới, phù hợp với thị trường và còn được xuất khẩu ra các nước châu Âu. Lúc này sản phẩm là của họ, mang thương hiệu của họ và được bán với giá cao trên thị trường thế giới.

 Một góc xưởng gốm  của  nghệ nhân Phạm Thế Anh.

Tôi ngắm những chiếc ấm do Thế Anh thiết kế, với hàng chục loại sản phẩm khác nhau, đẹp về kiểu dáng, độc đáo về họa tiết được bày rất trang trọng để giới thiệu cho khách hàng, mới thấy ở nơi đây, có một hình ảnh Bát Tràng khác lạ. Nếu chỉ đi tới chợ bán ấm chén đất Bát Tràng thông thường, sẽ khó gặp loại hàng có độ tinh xảo như thế này. Đó là những chiếc ấm chuẩn, đúng như ấm Tử Sa, từ độ cân bằng, sự mịn bóng của màu sắc đến độ khít của nắp và miệng ấm. Độ khít cao đến mức, khi đổ nước đầy ấm, nếu lấy ngón tay bịt lỗ thông hơi trên nắp, và dốc nghiêng ấm, nước cũng sẽ không chảy ra vòi. Đó là một bí quyết. Phạm Thế Anh nói, gia đình anh làm gốm đến bốn đời, nhưng cho đến nay mới có được một dây chuyền công nghệ hiện đại, chế tác được bộ ấm chén và những sản phẩm có chất lượng cao.

Tôi tò mò hỏi về dây chuyền công nghệ mới. Thế Anh đưa tôi vào xem những máy nghiền và trộn đất. Nhìn năm máy và lò quay liên tục, tôi mới hay, để làm ra một thứ đất làm ấm thật không dễ dàng gì. Ngỡ tưởng rằng người thợ chỉ việc lọc đất theo phương pháp thủ công rồi nặn, rồi vuốt và gắn kết, sau đó là nung. Mấy người thợ đang rót dòng "sữa đất" được luyện kỹ vào các khuôn mẫu kể rằng, những máy luyện đất phải qua nhiều công đoạn tạo nguyên liệu, kéo dài hàng mấy ngày mới đủ tiêu chuẩn làm hàng. Một người kiểm tra kỹ thuật cầm chiếc ấm thành phẩm lên giải thích, ấm ở đây cần giữ được chất lượng bảo đảm được mấy tiêu chí: Đó là khi rót nước không bị rớt ra ngoài, hoặc chảy ra ngoài thành ấm, hay không bị tắc vì vướng bã chè...

Tôi đang bị thu hút vào những lý giải có tính văn hóa với chén trà thì một người thợ khác, đứng bên cạnh nghệ nhân Thế Anh lấy nắp ấm gõ nhẹ vào thành ấm trà tạo nên âm thành nghe như tiếng chuông vậy. Đó là độ già của đất được nung qua nhiệt độ cao trong lò. Những âm thanh ấy báo hiệu độ bền của chất liệu đất đã được luyện theo tiêu chuẩn cao mà công nghệ mới đem lại. Đồng thời, chiếc ấm cần bảo đảm được cả độ vệ sinh an toàn cho người tiêu dùng khi uống trà. Vậy nên chiếc ấm cuối cùng, ngoài cái đẹp, bền thì cần đạt tiêu chí "sạch". Phải nói, đây là một mặt hàng tuy nhỏ bé, nhưng rất quen thuộc và là nhu cầu thường ngày của mọi người trong đời sống.

Nghe Thế Anh say sưa giới thiệu sản phẩm của mình, tôi càng hiểu vì sao người thợ trẻ này lại có nhiều ấp ủ, nhiều dự định triển khai, khám phá một miền đất mới của mình trong tương lai. Tôi hỏi, duyên cớ nào mà anh nghĩ tới cái tên đất Hồng Sa, anh bày tỏ: "Cái gốc của nghề gốm này là chất liệu đất. Gốm của người Trung Hoa được thế giới tôn vinh cũng bởi loại đất Tử Sa. Đây là loại đất cát tím hết sức độc đáo, ở một vùng núi của huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô. Hàng ngàn năm qua, những nghệ nhân Trung Hoa muốn thể hiện được tài năng của mình đều phải sử dụng chất liệu này. Sản phẩm của họ tinh xảo đến lạ kỳ, từ những siêu phẩm ấm nhỏ, mỏng và nuột nà như da thịt của con người. Vì sao vậy? Chính là vì có đất Tử Sa".

Đang say sưa nói, Thế Anh bỗng im lặng và trầm ngâm với một tâm trạng khó tả. Lát sau, anh ngước mắt nhìn về phía trước, rồi chậm chạp nói như muốn tự hỏi mình rằng: Tại sao mình không thể nhỉ, không có một loại đất mang cái tên Hồng Sa cơ chứ. Nó ở đâu? 

Nỗi niềm Sông Mẹ

Đã nhiều ngày, Phạm Thế Anh đi dọc sông Hồng ngắm những dòng phù sa bồi đắp, cùng những đụn cát mênh mông như sa mạc. Anh nuôi ý tưởng từ đây mình sẽ tìm một loại đất mới cho gốm. Qua thực tế với công nghệ chế tác đất, với những công thức pha chế, mà đã trải qua thực nghiệm với người Nhật, anh nuôi hy vọng mình sẽ thành công trong tương lai. Rồi sau đó là những đêm miệt mài bên những nắm đất Tử Sa được mua về, để nghiên cứu, phân tích tỉ lệ sắt, chì và những yếu tố khác. Anh muốn tìm ra điều bí ẩn của loại đất này, để ứng dụng vào khám phá mới của mình trong quá trình xử lý đất và cát sông Hồng. Còn những điều gì mà mình chưa nghĩ tới và chưa đạt được qua thử nghiệm, con đường đi tới bến bờ thành công còn nhiều câu chuyện và thử thách phía trước.

Nhìn anh quỳ trước những chiếc ấm trà, và say sưa nói về cái tâm của người thợ, về cái tâm của người rót trà mời khách, tôi mới thấy điều ẩn sâu trong tâm hồn nghệ nhân trẻ này. Đó là sự thiêng liêng của đất trời đã đem lại cho làng gốm, và cho gia đình anh, qua miền đất hàng trăm năm nay để sinh sống và tồn tại, với một nền văn hóa trà người Việt. Đó là bản trường ca về đất của những người thợ Bát Tràng, mang cái tên Hồng Sa.

                                                                                                Theo: CAND.com

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.518.428
Tổng truy cập: