NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Báu vật xứ kinh kỳ - Giữ lửa tinh hoa nghề Việt
(Ngày đăng: 05/07/2013   Lượt xem: 1020)

Cố đô Huế không chỉ nổi tiếng thế giới về dòng Hương thơ mộng uốn lượn quanh các đền đài lăng tẩm, nơi đây còn là cái nôi hình thành những con người tài hoa, uyên bác miệt mài giữ lửa cho tinh hoa nghề Việt hay mê mẩn sưu tầm giá trị văn hóa đang dần lãng quên. Họ xứng đáng với danh hiệu bạn bè quốc tế suy tôn “Báu vật nhân văn sống”.

Hai trong số 15 nghệ nhân dân gian của cả nước vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao bằng chứng nhận đầu tiên vào năm 2003, hiếm hoi còn sống là nghệ nhân Lê Văn Kinh và Nguyễn Văn Sính. Không chỉ miệt mài vun đắp tinh hoa nghề Việt, hai lão nghệ nhân ở đất kinh kỳ Huế đang ngày đêm âu lo khi giới trẻ có học vấn cứ mãi đeo đuổi giấc mộng làm thầy, còn người chịu làm thợ thì ngược lại.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính bên quả chuông lớn nhất Đông Nam Á do ông chỉ đạo kíp thợ thực hiện.

“Báu vật sống” nghề đúc đồng

Nằm ven bờ Nam sông Hương, cách trung tâm TP Huế khoảng 3km về phía Tây Nam, làng đúc đồng Phường Đúc ra đời từ tổ chức những thợ thời Chúa Nguyễn. Theo gia phả họ Nguyễn - Kinh Nhơn, thủy tổ làng nghề là cụ Nguyễn Văn Lương, quê làng Đồng Xá nay thuộc Bắc Ninh. Khi xây dựng thủ phủ xứ đàng trong và kinh đô tại Huế, các chúa và vua nhà Nguyễn đã trưng tập thợ khéo khắp nơi về đây làm những công trình, vật dụng phục vụ cung đình. Rất nhiều sản phẩm người thợ Phường Đúc năm xưa thực hiện, nay trở thành những kiệt tác di sản trong kho tàng văn hóa vật thể kinh thành Huế như: Vạc đồng ở Đại Nội, Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu…

Ở Phường Đúc hôm nay, lão nghệ nhân Nguyễn Văn Sính, người được xem như “báu vật sống” nghề đúc đồng cả nước. Nay ở tuổi 80, ông vẫn đi lại thoăn thoắt chỉ bảo thợ cả, thợ chính làm việc. Nụ cười tươi rói nhìn từng sản phẩm mới bên cái nóng trên 1.0000C của lò nung đúc đồng. Ông bảo: “Bây giờ mình sức tàn lực kiệt, không thể cuốn mình vào nghề đúc như trước đây. Thi thoảng cũng dong ra xưởng của đứa con trai cả để tư vấn việc đúc đồng cho những người thợ trẻ để vơi bớt nỗi nhớ nghề”.

Hơn 60 năm theo nghiệp, phụ thợ Nguyễn Văn Sính hôm nào nay là một nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng trong và ngoài nước, được phong Nghệ nhân dân gian đúc đồng. Ngoài những tác phẩm làm khuynh đảo giới đúc đồng do ông thực hiện như tượng Bác Tôn ở An Giang, tượng bán thân Bác Hồ ở Nam Đàn, Nghệ An, tượng Trần Hưng Đạo ở Nam Định, chuông Cõi Niết Bàn ở Vũng Tàu…, nhiều sản phẩm ông tự tay làm vượt lãnh thổ Việt Nam đến với bạn bè các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp… Nhưng mỗi khi ai đó hỏi về hai quả đại hồng chuông đúc cho chùa Bái Đính (Ninh Bình), ông cảm thấy tự hào.

Ông nhớ lại, ban đầu, hợp đồng yêu cầu đúc đại hồng chuông nặng 10 tấn nhưng sau đó nâng lên 36 tấn. Đây quả là vấn đề lớn vì trước đó một số cơ sở nhận đúc thất bại. Vả lại, cả đời chưa bao giờ thấy quả chuông nào lớn như vậy… “Ngày đúc, tôi huy động 65 nhân công nấu và rót đồng liên tục trong vòng 8 giờ. Trong đó, khâu rót đồng vào khuôn cần độ chính xác, nhưng người thợ không nhìn thấy dòng chảy vào khoảng trống quyết định ấy mà chỉ tin vào kinh nghiệm. Nếu bị lỗi một chút là công sức chuẩn bị mấy tháng trời đi toi…”.

Đại hồng chuông 36 tấn được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á khắc hai bài kinh Đại Bi - Bát Nhã trong Kinh Phật bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ. Ông Sính nói: “Tôi chắt lọc những tinh hoa văn hóa dân tộc đưa vào tác phẩm nghệ thuật của mình. Hoa văn không cầu kỳ nhưng phải độc đáo… Quan trọng nhất là âm thanh. Người thợ tay không vững rất khó tạo ra tiếng chuông ngân vang làm thức tỉnh lòng người”.

Tô đậm tinh hoa nghề Việt

Tại cơ sở thêu Đức Thành, nghệ nhân Lê Văn Kinh vui mừng khoe: “Bộ tranh thêu bài thơ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư bằng 20 thứ chữ khác nhau mà tui thực hiện trong vòng 10 năm vừa xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam…”.

Nghề thêu ở Huế chủ yếu phục vụ vua chúa nhà Nguyễn trước đây, đang được các nghệ nhân phát triển thành một đặc sản văn hóa. Nghệ nhân Lê Văn Kinh cho biết, thợ thêu tài hoa khắp nơi được triệu tập về Huế phục vụ cung đình thêu hoàng bào, cẩm bào, thường bào, xiêm y cho vua, hoàng hậu, công chúa… Yêu cầu công việc khắt khe nên các thế hệ nghệ nhân nối tiếp nhau không ngừng nâng cao tay nghề. Nhiều sản phẩm Bảo tàng Cung đình Huế lưu giữ đã trở thành những kiệt tác đặc sắc làm say lòng du khách bốn phương như: bức thêu “Thất sư hý cầu” (Bảy con rồng đang vờn một quả cầu) của cố nghệ nhân Lê Văn Hỡi, dâng tặng vua Khải Định, nhân dịp đại khánh tứ tuần năm 1924; bức thêu bộ kinh “Kim Cương” của cố ni sư Diệu Tâm hay bức thêu “Đêm trăng Vỹ Dạ” của cố nghệ nhân Lê Thị Bích Đàn.

Xuất thân trong gia đình làm nghề thêu lâu đời nên ngay từ tấm bé, Lê Văn Kinh đã tiếp xúc với những bậc thầy nghề thêu. Tác phẩm đầu tay Tùng Hạc (hai con hạc đậu trên một nhánh tùng) được thực hiện khi ông mới lên 10 tuổi với những đường nét tinh xảo hiếm thấy khiến mọi người kinh ngạc. Thấy được khả năng ấy, ông được người bố là nghệ nhân thêu Lê Văn Hỡi, từng được triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Khải Định phong tặng Hàn lâm viện, truyền dạy nghề tranh thêu một cách bài bản hơn. Cậu bé Kinh ban ngày theo cha vào Đại nội Huế say mê học thêu trang phục cung đình, tối về vùi mình vào xưởng thêu gia đình học thêu dân gian nên ngón nghề tuyệt kỹ của ông cứ ngày tiến bộ. Đến năm 20 tuổi, ông tiếp quản cửa hàng thêu Đức Thành gia truyền. Tiếng tăm cửa hàng Đức Thành thì không một người đam mê tranh thêu nào mà không biết đến.

Cũng có thể vì thế bạn bè trong và ngoài nước kính trọng gọi ông là “thần đồng” đất Việt, còn các chuyên gia UNESCO gọi “Báu vật nhân văn sống”. Trong đó, những tác phẩm do ông thêu bằng đôi bàn tay điêu luyện như chân dung danh tướng Trần Bình Trọng, phong cảnh chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, Ngọ Môn… tham gia các triển lãm ở nước ngoài đã định hình nghề thêu Việt Nam trên trường quốc tế. Vậy mà lúc nào trong suy nghĩ và việc làm, ông cũng khắc ghi lời dạy của cha năm xưa: “Học nghề không ai bắt tay chỉ việc. Chỉ có nhìn, mà nhìn sao cho tinh ý để tự rút ra kinh nghiệm… Cha không dạy, không giảng bài, con tự căng thành khung, in mẫu vào nền và chọn chỉ để thêu”.

Muốn cho ra đời một bức tranh thêu sống động, người thợ phải biết gửi gắm cả tâm tư tình cảm vào trong đó. Kim thêu mua ở chợ Mậu Tài vùng Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), mang về gia công mài nhỏ đạt đến độ sáng bóng thì đường thêu mới tinh xảo. Chỉ thêu bằng tơ tằm, sau khi mua chỉ thô về, người thợ phải tự tay nhuộm màu chỉ theo bí quyết gia truyền. Nhờ vậy sợi chỉ thêu xứ Huế sau khi được người thợ xử lý đã trở nên bền hơn. Màu sắc tranh thêu thanh thoát ưa nhìn hơn.

Năm 2003, nghệ nhân Lê Văn Kinh vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vì đã “có công gìn giữ giá trị tinh hoa trong văn hóa của dân tộc Việt Nam”. Tại lễ tế tổ bách nghề và lễ rước tôn vinh nghệ nhân, thợ thủ công và nghề truyền thống Việt Nam tại Festival Nghề truyền thống Huế 2013, nghệ nhân Lê Văn Kinh được tôn vinh làm chủ bái. Vậy mà hôm gặp chúng tôi ông vẫn trăn trở, đã 85 tuổi rồi nhưng chưa có người kế nghiệp theo ý. Nhiều xưởng thêu hiện nay không chú tâm đến chất lượng mà ưu tiên số lượng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các làng nghề mai một dần là do những người có học vấn thì cứ mãi đeo đuổi giấc mộng làm thầy mà không chịu làm thợ, còn những người chịu làm thợ thì ngược lại...

                                                                                                                     Theo: SGGP
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.518.370
Tổng truy cập: