NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Về Điền Xá, nghe “ông tổ cỏ” tâm sự chuyện nghề
(Ngày đăng: 02/07/2013   Lượt xem: 991)
Ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Điền Xá, huyện Nam Điền, tỉnh Nam Định là người có công lớn trong việc thành lập hội. Không chỉ là người đứng mũi chịu sào để giữ truyền thống làng nghề, quan hệ để thiết lập kênh tiêu thụ sản phẩm quê hương, ông Chiến còn được người dân địa phương gọi với cái tên thân mật - “ông tổ cỏ”, bởi ông là một trong những người tiên phong nỗ lực đưa giống cỏ nhung về trồng để tạo công ăn việc làm cho phần lớn các hộ gia đình nơi đây.


Ông Nguyễn Văn Chiến trao đổi với PV.

Sáng tạo là một cách tri ân nghề truyền thống

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Chiến vào một buổi sáng cuối tuần đẹp trời. Hoàn toàn trái ngược với dự đoán của chúng tôi, mặc dù là ngày nghỉ nhưng nghệ nhân tâm huyết với nghề này vẫn tất bật với công việc của hội. Trở về nhà khi đã gần trưa, ông xởi lởi cho biết mình cùng các thành viên của Hội Sinh vật cảnh xã Điền Xá đang hối hả chuẩn bị đợt chuyển hàng cho một doanh nghiệp ở Hải Dương.

Thành lập từ năm 2012, dưới sự lãnh đạo của nghệ nhân Nguyễn Văn Chiến, Hội Sinh vật cảnh xã Điền Xá hoạt động dưới mô hình bán doanh nghiệp. Ông Chiến tâm sự: Quyết tâm ban đầu của ông là không duy trì một đơn vị nhỏ lẻ với hình thức hoạt động chỉ trên danh nghĩa mà ông muốn phát triển theo hướng trở thành một kênh tiêu thụ sản phẩm trực tiếp. Trong mối quan hệ thị trường, ông luôn tìm cách tạo điều kiện cho các hội viên có khả năng đi làm marketing để giúp họ tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Ông thường nói vui,  “Cty” của mình là sự phối hợp của hơn 200 thành viên, đều là những nghệ nhân có tay nghề cứng ở xã Điền Xá, hoạt động theo mô hình “chỉ có đầu ra, không có đầu vào” nghĩa là những thành viên của hội chính là những nhà sản xuất trực tiếp ra sản phẩm để cung cấp đến tận tay khách hàng có nhu cầu.

Chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm 2012 là quãng thời gian ông đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung. Có những thời điểm ông rong ruổi theo những chuyến đi, những dự án còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Ông kể, tuyến đường sắt Bắc – Nam với ông đã trở nên quen thuộc đến mức nhiều đêm trên tàu, nhắm mắt lại nghe tiếng còi tàu rúc liên hồi ông cũng có thể tưởng tượng được mình đang đi qua vùng đất nào.  Hiện nay các địa điểm Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên – Huế, các khu công nghiệp lớn của khu vực miền Trung đang là  kênh tiêu thụ khá mạnh các sản phẩm của hội.

Không chỉ tìm kiếm thị trường, ông còn nỗ lực tiếp thu và học hỏi những xu hướng chơi cây, dùng cây mới nhất của thị trường rồi để tìm cách thổi hồn hiện đại cho những chậu cây truyền thống của làng mình. Ông đã nhiều lần lặn lội đến gõ cửa các cơ quan, đoàn thể có thể hỗ trợ tốt cho công việc phát triển và kinh doanh cây cảnh của quê mình như trường ĐH Nông nghiệp 1, ĐH Nông lâm,  Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Thổ nhưỡng nông hóa, ĐH Công nghệ sinh học Đà Lạt... để tìm kiếm những giống cây mới, thích hợp với xu hướng của thị trường rồi về ươm mầm. Bên cạnh đó, ông tìm cách học hỏi, cập nhật những chuyển giao công nghệ mới nhất, áp dụng cho việc nuôi, trồng cây cảnh; tham gia các buổi giao lưu học hỏi các đơn vị trong và ngoài nước, nắm bắt thị hiếu của thị trường để có những uốn nắn phù hợp cho mỗi thế cây, mỗi loại cây. Năm 2012, lượng hàng hóa bán ra của hội xấp xỉ 30 tỉ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 3 tỷ đồng.

Ông tâm sự: “Cách chơi cây, chơi hoa ngày nay khác các cổ nhân xưa rất nhiều nên mình cũng phải có những cải tiến cho phù hợp với thị trường. Đối với những khu công nghiệp, các sảnh lớn của công trình thường chuộng loại cây bonsai. Mặc dù có nguồn gốc từ thời nhà Đường - Trung Quốc và được trồng tự do trong chậu với tên gọi là bồn tài. Khi du nhập qua Nhật Bản lại được gọi là bonsai. Từ Huế trở ra gọi là cây cảnh nghệ thuật nên cách nuôi dưỡng, chăm sóc tạo thế cũng có phần thiên về tính thẩm mỹ hơn. Đối với khu vực từ Huế trở vào người ta chơi theo kiểu bonsai nên cách tạo thế cây cũng thiên theo hướng khuôn mẫu, sách vở”.


Ông Nguyễn Văn Chiến (thứ 2 từ trái sang) trong dịp nhận danh hiệu “Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam”.

Nỗi niềm “ông tổ cỏ”

Không chỉ nổi tiếng là một nghệ nhân vừa khéo tay lại vừa nhanh nhạy với thị trường, ông Chiến còn được nhiều người dân xã Điền Xá gọi với cái tên trìu mến “ông tổ cỏ” cũng bởi vì ông là một trong những người tiên phong trong phong trào động viên người dân Điền Xá trồng cỏ nhung – một loại cỏ trang trí rất hút khách 10 năm trước đây.

Ông kể, thời gian đầu thấy ông đưa về thứ cỏ với nguồn gốc hoàn toàn xa lạ để hì hục trồng, tưới, chăm bón... làm mẫu cho bà con, nhiều người lấy làm ngạc nhiên. Trước đó, không ít lần ông đến gõ cửa từng nhà để phổ biến công nghệ  trồng cỏ nhung mới mẻ, nhiều người còn coi ông là một gã gàn dở vì “cỏ ngoài đồng phải mất bao công sức tiền bạc để triệt đi không hết thì lại có người rước về nhà để trồng”. Nhận thấy chỉ phổ biến suông mà không có thực tế để bà con tận mắt chứng kiến sẽ không bao giờ nhận được sự ủng hộ, ông âm thầm “nói” bằng hành động cụ thể. Vốn là giống cây dễ trồng lại phát triển nhanh nên chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều người tò mò tìm đến nhà ông để chiêm ngưỡng thứ “cỏ lạ” xanh mát mắt, êm và mượt tựa nhung.

Ban đầu, một số người xin ông một vài nắm cỏ giống về để trồng tại vườn nhà với mục đích cho mát sân hoặc chơi là chính.  Cho đến nay tính riêng ở xã Điền Xá đã có vài trăm hộ đổi đời nhờ... cỏ. Nói đến xã Điền Xá, nhiều người không ngần ngại mệnh danh đó là vùng đất biệt thự xen lẫn cây cảnh. Ngay cả những dải đất ven sông không còn là những bãi ngô, khoai... mà được khoanh lô, chia thửa để trồng độc một loại cỏ nhung xanh mướt. “Với giá bán hiện nay, cỏ nhung Nhật Bản xuất tại gốc  dao động từ 35 - 45 nghìn đồng/m2 thì chỉ tính riêng khoản thu nhập từ cỏ cũng đủ ăn” – ông Chiến cho biết.

TẤM TÌNH ĐÁNG QUÝ CỦA NGƯỜI NGHỆ NHÂN
Bên cạnh hàng loạt danh hiệu, bằng khen do các Sở, ban, ngành tặng, năm 2012 ông là một trong 3 nghệ nhân của tỉnh Nam Định và là đại diện duy nhất của nghệ nhân lĩnh vực sinh vật cảnh nhận danh hiệu “Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam” do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng. Với danh hiệu cao quý 20 năm mới phong tặng một lần, ông Chiến luôn tâm niệm công việc kinh doanh của mình đang theo đuổi không chú trọng đến việc làm sao bán được cây với giá đắt mà quan trọng nhất là một cách gửi gắm tâm hồn, chia sẻ tình cảm giữa người làm ra, với người mua cây.



                                                                                                  Theo: PL & XH

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.518.282
Tổng truy cập: