
Sản
phẩm thuốc lào ở đây không chỉ có danh tiếng ở trong nước mà còn làm
“ngất” lòng khách nước ngoài. Những năm 70- 80 của thế kỷ XX, thuốc lào
là sản phẩm xuất khẩu đem lại nhiều ngoại tệ cho thành phố và làm giàu
cho nông dân. Tuy nhiên, do không được bảo hộ trong những năm qua, thuốc
lào Tiên Lãng bị làm nhái và luôn bị lợi dụng thương hiệu. Vì vậy, sản
phẩm thuốc lào bị mất dần uy tín thương hiệu trên thị trường. Để nâng
cao danh tiếng của sản phẩm có tính đặc thù mang đậm nét văn hoá dân
tộc, cũng như giữ gìn, khôi phục nghề truyền thống của địa phương, nâng
cao giá trị của sản phẩm và thu nhập cho nông dân, dự án “Xác lập quyền
chỉ dẫn địa lý “Tiên Lãng” cho sản phẩm thuốc lào” đã được thành phố phê
duyệt triển khai.
Sau hơn 3 năm triển khai, sáng 27-11, nhân
dân Tiên Lãng cùng đông đảo các sở, ban, ngành và lãnh đạo thành phố hân
hoan đón nhận “Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Tiên Lãng cho sản phẩm
thuốc lào”, đây cũng là văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm
đầu tiên của Hải Phòng. Ông Dương Đức Tùng - Phó giám đốc Sở NN&PTNT
- cho biết: “Dự án nghiên cứu một cách toàn diện về sản phẩm, đất đai,
khí hậu, tập quán canh tác và chế biến sản phẩm thuốc lào của vùng Tiên
Lãng. Kết quả này một mặt nghiên cứu phục vụ cho việc đăng ký chỉ dẫn
địa lý, mặt khác nó còn phục vụ cho việc cải tiến thâm canh, tổ chức lại
sản xuất và chế biến, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giá
trị hàng hoá và thu nhập cho người nông dân. Nó góp phần giữ gìn bản sắc
văn hoá truyền thống của quê hương, quảng bá tài sản mang đậm nét văn
hoá của dân tộc với quốc tế. Việc xác lập chỉ dẫn địa lý giúp người nông
dân an tâm đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản này, góp phần
hạn chế dòng di dân từ nông thôn ra thành thị trong quá trình đô thị
hoá”.
Sản xuất thuốc lào ở Tiên Lãng đã trở thành nghề truyền
thống của hàng ngàn hộ dân ở các xã Quang Phục, Kiến Thiết, Vinh Quang,
Đoàn Lập… Cơ cấu trong cây trồng ở huyện Tiên Lãng, thuốc lào luôn chiếm
vị trí then chốt trong sản xuất nông nghiệp. Hiện, diện tích gieo trồng
hàng năm của huyện là 1.200-1.300 ha (chiếm 25-30% diện tích trồng
thuốc lào của cả nước). Với năng suất bình quân 1.250kg/ ha, giá từ
80-120.000 đ/kg, mỗi năm thuốc lào Tiên Lãng cho thu nhập từ 120-195 tỷ
đồng/ha.

Chỉ
dẫn địa lý “Tiên Lãng” cho sản phẩm thuốc lào được xác lập còn là một
vinh dự lớn lao, mở ra một hướng đi mới cho việc khai khác, nâng cao đặc
sản của địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống bà
con nông dân. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình quản lý và phát triển
chỉ dẫn địa lý để trở thành tài sản có giá trị là một chuỗi các công
việc đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân
huyện Tiên Lãng, đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của các hộ sản xuất
và kinh doanh sản phẩm thuốc lào cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức
năng thành phố. Ông Nguyễn Văn Vương - một nông dân trồng thuốc lào ở xã
Quang Phục - hồ hởi cho biết: “Khi biết tin thuốc lào của địa phương
được nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Tiên Lãng”, bà con phấn khởi
lắm, hàng trăm năm nay thuốc lào Tiên Lãng mới được nhà nước bảo hộ, bà
con cũng yên tâm sản xuất”.
Để triển khai mô hình quản lý và
phát triển chỉ dẫn địa lý đạt hiệu quả có không ít việc cần làm như: sớm
thành lập và vận hành tổ chức quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; tập
huấn và hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo trồng cây thuốc lào theo quy
chế đã được xây dựng; thiết kế và in mẫu nhãn, bao bì giai đoạn đầu để
triển khai thí điểm; đào tạo kiến thức về mặt thị trường cho cán bộ quản
lý và người sản xuất kinh doanh thuốc lào…
Phát biểu tại lễ đón
nhận “Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Tiên Lãng” cho sản phẩm thuốc lào,
ông Đỗ Trung Thoại - Phó chủ tịch UBND thành phố chia vui cùng nhân dân
huyện Tiên Lãng. Ông Thoại khẳng định: việc trao văn bằng bảo hộ chỉ
dẫn địa lý có một ý nghĩa to lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng
ở huyện Tiên Lãng và đề nghị các sở, ban, ngành hỗ trợ Tiên Lãng về mọi
mặt, các viện, trường đại học tạo điều kiện về giống, phân bón để tăng
năng suất, chất lượng cây thuốc lào và quảng bá sản phẩm. Việc thuốc lào
Tiên Lãng được đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là tiền đề để
Hải Phòng xúc tiến đưa các sản phẩm như nước mắm Cát Hải (Cát Hải), hoa
Hạ Lũng (Hải An)… tiếp tục lấy văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Phó chủ
tịch đề nghị các quận, huyện rà soát trên địa bàn có những sản phẩm, đặc
sản của địa phương để lập phương án đề xuất đưa vào diện xin cấp văn
bằng này.