TỔ NGHỀ
Quốc Oai – Hà Nội: Phát triển làng nghề bền vững gắn với bảo vệ môi trường
(Ngày đăng: 03/11/2011   Lượt xem: 1468)

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai (Hà Nội), trên địa bàn huyện có 14 làng nghề đang hoạt động. Các làng nghề ở Quốc Oai phát triển mạnh mẽ đã đem lại thu nhập cao cho người lao động, nhưng cũng khiến người dân các làng nghề này phải đối mặt với ô nhiễm môi trường từ nước thải, khí thải, rác thải.
 
 
Phát triển làng nghề một cách bền vững
 không thể bỏ qua việc bảo vệ môi trường

Chúng tôi đến làng chế biến miến dong Cộng Hòa, Tân Hòa, Quốc Oai để tìm hiểu thực tế. Trên cánh đồng, những giàn miến dong trắng xóa. Trông Cộng Hòa thật trù phú và đẹp đẽ. Nhưng dẫu đứng cách cổng làng khá xa thì nhiều người vẫn choáng váng khi phải hứng chịu mùi chua từ giàn miến, kênh mương, đống rác, cống rãnh... bốc ra. Nhiều năm nay xã Cộng Hòa đã quen hít thở những mùi "quen thuộc” ấy, vậy nhưng nhiều người bảo "Quen rồi mà vẫn khó chịu vô cùng”. Đi sâu vào trong làng, chúng tôi như bị ngạt thở. Đoạn mương bị tắc nghẽn, nước đặc quánh, đen sì, bên trên nổi đủ thứ rác.

Một thực tế đáng báo động là trong quá trình sản xuất miến dong, tỷ lệ thành phẩm sau khi chế biến chỉ được 25% – 30%, còn lại hơn 70% trọng lượng tồn tại dưới dạng chất thải rắn và lỏng như vỏ sắn, bã sắn, bã dong, xỉ than. Do không có nơi tập kết nên các chủ hộ đành đổ xuống ao, kênh mương nên hầu hết các nguồn nước ở các làng nghề đều chứa các thành phần kim loại nặng, asen, axít... vượt mức cho phép nhiều lần.

Theo một cán bộ môi trường xã Cộng Hòa, mặc dù các hộ sản xuất tinh bột và làm miến đã giảm khoảng 30% so với trước, hiện chỉ còn 2-3 hộ chế biến bột dong, 10-15 hộ làm miến nhưng quy mô sản xuất lớn hơn, các hộ chế biến khoảng 10-20 tấn sắn/ngày, nên lượng chất thải lớn. Vào lúc cao điểm, do mặt bằng chật hẹp, các hộ đắp đống bã sắn ven đường, gây ô nhiễm môi trường. Lượng nước thải từ chế biến sắn rất lớn, nhưng đều không qua xử lý mà thải trực tiếp ra cống rãnh chung của xã. Bên cạnh đó, hiện nay xã còn phát triển mạnh nghề dệt len mút, có tới 60% hộ sản xuất dệt len. Trong quá trình sản xuất, bụi len phát tán trong không khí, là nguyên nhân gây ra các loại bệnh về đường hô hấp...

Tại làng nghề Tân Hòa có gần 60 hộ chuyên chế biến tinh bột dong, nấu nha, làm bún. Các hộ sản xuất mạnh nhất vào 3 tháng cuối năm, trung bình mỗi ngày chế biến khoảng 540 tấn bột dong, rác thải từ chế biến tinh bột dong là 200 tấn và 700 - 900m3 nước thải. Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Trí Kiểm, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường làng nghề là do sản xuất theo quy mô hộ gia đình, cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, nhiều công đoạn sản xuất thủ công nên rác thải vứt bừa bãi trên diện rộng, không được thu gom ngay. Hệ thống cấp - thoát nước sản xuất và sinh hoạt do các hộ tự xây dựng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường khiến nguồn nước ô nhiễm trầm trọng.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, nước thải chung ở các cụm làng nghề trên địa bàn huyện Quốc Oai đang ở mức báo động, nguy cơ ô nhiễm cao. Hàm lượng nhu cầu ôxy sinh hóa BOD5 là 120mg/l - vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP) 70 lần; hàm lượng nhu cầu ôxy hóa học COD là 241mg/l, vượt TCCP 161 lần... Trong khi đó, nước thải tại các hộ gia đình sản xuất mây tre đan tại xã Đồng Quang cũng ô nhiễm nặng, hàm lượng BOD5 vượt TCCP 20 lần, hàm lượng COD vượt TCCP 84 lần... Đặc biệt, chất lượng nước ngầm trong khu vực xã Cộng Hòa đang bị ô nhiễm nặng. Hàm lượng Cyanua trong nước giếng đã vượt TCCP 108 lần, lượng Nitơ vượt 1,71 lần, số lượng khuẩn 236 - 241 con/100ml...

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, phát triển bền vững các làng nghề hiện nay, UBND huyện Quốc Oai đang xây dựng dự án quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó sẽ quy hoạch đưa các cụm công nghiệp làng nghề tập trung ra xa khu dân cư với hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn để xử lý tập trung. Tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm thì sử dụng than chất lượng cao, trang bị máy ly tâm tách bã, thay thế lò đốt kín, có bảo ôn nhiệt, có ống thải khí, xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học, bùn thải tạo ra được tận dụng làm phân hữu cơ sinh học. Các làng nghề sản xuất đồ mây tre giang đan xuất khẩu sẽ xây dựng bể ngâm tẩy nguyên liệu liên hoàn, thay đổi công nghệ sơn sản phẩm...

Trung Hiếu

theo baomoi.com

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
74.247.233
Tổng truy cập: