TỔ NGHỀ
Về thăm "xóm chuồn chuồn" dưới chân chùa Tây Phương
(Ngày đăng: 25/04/2012   Lượt xem: 3143)

Trên các sạp hàng lưu niệm dẫn lên ngôi cổ tự nổi danh - chùa Tây Phương - những con chuồn chuồn tre đủ màu sắc được bày bán.

Những con chuồn chuồn tre Thạch Xá được làm rất công phu, tỉ mỉ

Bà cụ hàng nước chỉ tay xuống chân núi bảo: “Chuồn chuồn tre này có hơn chục năm rồi, thấy bảo xóm chuồn chuồn bây giờ làm để bán sang cả bên Tây nữa…”.

Nhà anh Nguyễn Văn Đính nằm trong “xóm chuồn chuồn” ở ngay dưới chân núi Câu Lậu, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Là một trong những người đầu tiên làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá, anh cho biết: “Làm chuồn chuồn tre không khó nhưng phải trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, khó nhất là phải đo, khoan, lắp sao cho vừa chuẩn tỉ lệ để chuồn chuồn tre có thể giữ được cân bằng chỉ bằng một điểm nhỏ ở phía đầu”.

Để làm nên những chú chuồn chuồn tre vừa đẹp, vừa bền, việc chuẩn bị nguyên liệu là rất quan trọng. Tre được lấy về từ tận Hòa Bình, Hà Giang..., phải là loại tre bánh tẻ, đốt dài, không quá già cũng không quá non để dẻo và ít bị mối mọt.

Tre được cạo sạch vỏ ngoài, đem phơi 4-5 nắng rồi pha thành từng mảnh nhỏ. Các thanh tre sẽ được vót thành các bộ phận của con chuồn chuồn: Vót thân, làm cánh, làm mỏ, khoan lỗ để lắp ráp các bộ phận rồi đem sơn và vẽ màu.

Tùy theo yêu cầu của khách hàng anh Đính có thể làm loại chuồn chuồn chỉ dài chưa đầy chục phân, cũng có những người yêu cầu làm những con chuồn chuồn dài cả mét, anh đều có thể làm để chúng giữ được thăng bằng chỉ bằng một điểm rất nhỏ phía đầu mỏ.

Anh Đính chia sẻ bí quyết: “Chuồn chuồn tre có thể làm nhiều loại kích cỡ khác nhau nhưng luôn phải tính toán tỉ mỉ chiều dài sải cánh và chiều dài thân sao cho bằng nhau thì mới giữ được thăng bằng”.

Bây giờ nhà anh Đính chỉ sản xuất 500-600 con chuồn chuồn tre mỗi ngày

Những thanh tre vô tri vô giác dưới bàn tay khéo léo của người thợ Thạch Xá đã hóa thành những chú chuồn chuồn tre sinh động, nhiều màu sắc, trở thành những món quà lưu niệm dân dã nhưng hút khách và cũng là một hướng mới để phát triển kinh tế, tạo thêm thu nhập.

Chuồn chuồn tre Thạch Xá đã theo chân du khách vào Nam, ra Bắc. Không những thế, chúng còn cất cánh bay sang tới tận trời Tây.

Thỉnh thoảng, anh Đính lại đóng gói một lô sản phẩm mang ra Bưu điện Quốc tế gửi ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng, sang một số thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… từ vài năm nay.

Trung bình mỗi năm, anh Đính sản xuất khoảng gần 200 nghìn con, trong đó xuất khẩu khoảng từ 20 đến 30 nghìn. Tuy nhiên, vài năm gần đây, thị trường cả trong nước và xuất khẩu đều chững lại. “Xóm chuồn chuồn” cũng thưa dần người làm.

Vừa thoăn thoắt vót thân, chỉnh cánh cho các chú chuồn chuồn, anh vừa chia sẻ: “Trước đây, cả xóm có đến hơn chục nhà làm. Bây giờ, cả thảy chỉ còn bốn nhà và chỉ nhà tôi còn làm đủ các khâu từ đầu đến cuối. Các nhà khác chỉ làm mộc rồi bán lại thôi”.

Mỗi con chuồn chuồn lãi vài nghìn đồng, không đủ để nuôi người làm nghề trong tình trạng khó tiêu thụ như hiện nay

Làm chuồn chuồn tre chẳng lãi được là bao. Nếu xuất khẩu được thì lãi thêm gấp rưỡi nhưng thị trường tiêu thụ ngày một khó khăn nên các nhà cứ bỏ nghề dần. Ông Minh (bác anh Đính) là người đầu tiên làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá, nay cũng đã phải bỏ nghề.

Dù cả xóm bây giờ chỉ còn một mình nhà anh Đính làm đủ các công đoạn cho đến khi bán thành phẩm ra thị trường nhưng số lượng cũng giảm mạnh từ ba, bốn năm nay. Trước kia, mỗi ngày nhà anh có thể sản xuất từ 1.200 đến 1.500 con chuồn chuồn tre, thì bây giờ, giảm xuống chỉ 500 đến 600 con nhưng cũng khó tiêu thụ.

“Giá mỗi con chuồn chuồn tre nhỏ là hai nghìn đồng, con lớn hơn bán được ba, bốn nghìn, lãi vài trăm đồng, chẳng ăn thua. Trừ mọi chi phí còn khoảng năm, sáu triệu mỗi tháng, cũng chỉ cao hơn so với làm ruộng”, anh Đính tâm sự.

Thị trường nhiều bấp bênh, chuồn chuồn tre Thạch Xá cũng chênh vênh trong việc tìm… đường bay. Những người làm chuồn chuồn tre cứ bỏ nghề dần. Cái tên “xóm chuồn chuồn tre” cũng đang dần phôi phai.

                                                                                          Theo: VNE

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

36
Đang xem:
73.227.094
Tổng truy cập: