Khá lên từ “gạch”
Theo Quyết định
147/2009/QĐ/UBND của tỉnh Bắc Giang thì đến ngày 01-03-2012 tới đây sẽ
xóa sổ hoàn toàn lò gạch thủ công. Tuy nhiên vì thời tiết năm nay quá
xấu, mưa nhiều, trời ẩm ướt nên hàng chục hộ dân ở xã Minh Đức vẫn chưa
thể đốt hết số gạch phơ trong lò.
Về xã Minh Đức, huyện Việt Yên
đúng ngày gió mùa đông bắc, câu chuyện được người dân bàn tán nhiều nhất
là cái lò gạch. Lúc chúng tôi đến vợ chồng anh Miên đang dở bữa ăn
trưa. Thấy có khách chị Tịnh thả vội bát cơm, chạy ra pha nước. Chúng
tôi xin lỗi anh chị vì sự xuất hiện đường đột,
Chị Tịnh phân trần:
“Còn bụng dạ đâu mà ăn uống nữa chú, cả làng tôi đang chết dở vì không
biết xoay xở thế nào với đống gạch ngói đang phơ trong lò đây”.
Theo
anh Miên, cuộc sống của gia đình anh từ trước tới nay đều trông chờ vào
từng viên gạch. Những đứa con của anh lớn lên, trưởng thành cũng đều
nhờ vào cái lò gạch ấy. Thế nhưng thành quả nào cũng đổi bằng mồ hôi,
nước mắt.
Vào những năm 1990, anh Miên đang chạy xe ôm ở chân cầu
Long Biên, được một người bạn giới thiệu anh chị gom góp tiền, vay mượn
ngân hàng, đầu tư một lò gạch ở xã Minh Đức. Mới đầu làm, không có kỹ
thuật, hai vợ chồng mua sắm máy đùn, phên che, máy trộn, quần quật làm
với hy vọng sẽ trả hết nợ. Thế nhưng trời muốn thử thách lòng người, vụ
đầu tiên anh chị mất trắng, gạch ra lò nhưng không đủ nhiệt, gạch bở,
không kết.
Năm 1998 cả xã Mỹ Đức không thể quên trận lụt kinh
hoàng đã cuốn đi toàn bộ công sức người dân làm gạch. Bao nhiêu gạch
ngói đang đùn, đang phơi, đến gạch ủ trong lò cũng trôi thành bùn đất.
Những năm sau đó, khi đã có kinh nghiệm, viên gạch làm ra đã hồng hào,
đủ tiêu chuẩn thì bà con trong làng phải đối mặt với “cơn bão” hạ giá.
Một viên gạch làm ra chỉ bán được 250 đồng/viên. Thế là người làm gạch
lại trắng tay.
Cuộc sống bà con chỉ gọi là “có tấm, có miếng” hơn
khi thị trường trong nước và khu vực bước vào thời kỳ mở cửa. Từ năm
2006, lúc bấy giờ gạch Mỹ Đức được tiếng là bền, chắc, đẹp nên được thị
trường các tỉnh miền Bắc ưa chuộng.
Để chuyên chở gạch nhiều gia
đình đã đầu tư mua xe bán tải đi các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hà
Nam, Bắc Ninh. Cuộc sống bà con bắt đầu khấm khá lên trông thấy, khi một
viên gạch được làm ra với giá 1000 đồng/viên và nhu cầu thị trường tăng
liên tục.
Nhiều gia đình đã xây dựng ba, bốn lò gạch, thuê hàng
chục nhân công về làm mà vẫn không hết việc. Hầu như gia đình nào cũng
tập trung hết mọi thành viên, vợ chồng, con cái, anh em cùng làm gạch.
Làm gì khi lò tan, gạch vỡ ?
Ngày
16-02-2012, bên câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đào, Chủ tịch
UBND xã Minh Đức cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã có 88 lò gạch thủ
công, với 44 hộ sản xuất. Nhờ có nghề gạch đã giải quyết công ăn việc
làm cho hàng trăm lao động, với thu nhập bình quân mỗi nhân công 2-3
triệu đồng/tháng. Nhiều gia đình đã mua sắm được cả ô-tô, xây dựng nhà
cửa khang trang, con cái được ăn học đầy đủ.
Tuy nhiên cũng có
những năm chính quyền đã phải đền bù cho bà con trồng lúa 46 triệu đồng
vì ảnh hưởng từ lò gạch. Sau lần đó, để tránh gây tổn hại vì việc đốt lò
gạch, chính quyền xã đã bố trí quy hoạch lại các lò đốt, hoặc chỉ cho
đốt theo mùa, tránh thời điểm bà con sản xuất nông vụ.
Thực hiện
Quyết định số 147 của UBND tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, hằng ngày
xã thành lập các đội đến tuyên truyền vận động bà con, cam kết không sản
xuất gạch ngói. Và từ ngày 01-03-2012 phải tự tháo rỡ vỏ lò gạch, chấm
dứt hợp đồng thầu đất sản xuất gạch. Công an xã, ban chỉ huy quân sự xã
sẽ tiến hành cưỡng chế hộ nào không tuân thủ.
Ngày “lâm chung” của
các lò gạch thủ công trên địa bàn đã tới gần. Nhưng thực tế, hiện tại
các lò gạch của bà con vẫn đang ngổn ngang vì gạch trong lò chưa thể đốt
hết được.
Gia đình chị Chu Thị Hòa, 41 tuổi, có 3 lò gạch, với
50 nhân công, tiền đầu tư tất cả từ vỏ lò, máy móc, đất phơ tổng cộng
gần 2 tỷ đồng, thế nhưng đến lúc này gia đình chị vẫn còn 60 vạn viên
gạch, (tương đương 600 triệu) vẫn chưa thể đưa vào lò được.
Chị
Hòa phân trần: “Mấy tháng gần đây mưa nhiều, trời ẩm ướt nên lò gạch nhà
tôi không thể đốt được. Chúng tôi lo lắng không biết xoay xở thế nào,
nếu cứ theo quyết định của chính quyền, tôi sợ nhà tôi mất trắng số gạch
còn lại, bởi đưa gạch vào lò và đốt gạch cũng phải mất thời gian trên
chục ngày”.
Chị Nguyễn Thị Hiệp, 40 tuổi một phu gạch thì lo lắng:
“Tôi làm gạch hơn 10 năm nay. Cả gia đình tôi đều làm phu gạch, nay
không làm gạch nữa, chúng tôi chưa biết làm nghề gì để sống. Con cái
đang tuổi ăn, tuổi học”.
Được biết, để thuê đất làm gạch, nhiều
chủ hộ đã làm hợp đồng thuê đất dài hạn 20 năm, tuy nhiên chưa hết thời
hạn vẫn bị xóa bỏ. Trong trường hợp này xã Minh Đức đã có chính sách hỗ
trợ người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm trang trại chăn
nuôi. Tuy nhiên theo người dân để xây dựng một trang trại họ phải đầu tư
với số vốn lên tới 10 tỷ đồng, số tiền đó là quá lớn so với khả năng
của họ.
Câu chuyện về xóa bỏ lò gạch thủ công ở Minh Đức đang trở
nên nóng hơn bao giờ hết. Mặc dù đã được thông báo trước để chuẩn bị,
nhưng điều kiện thời tiết khó khăn, nhiều người dân đang phải đối mặt
với nguy cơ mất trắng vì gạch.
Sau khi xóa bỏ lò gạch người nông
dân sẽ làm gì để mưu sinh, những người ngoài độ tuổi lao động sống ra
sao? Đó là một câu hỏi lớn, cần phải có sự góp sức giải quyết của các cơ
quan chức năng.
Theo Nhân dân