TỔ NGHỀ
Tìm lối đi cho du lịch làng nghề
(Ngày đăng: 12/04/2012   Lượt xem: 1295)

Hà Nội có nhiều làng nghề nhất cả nước. Trong đó, những làng nghề thủ công mỹ nghệ như tạc tượng Sơn Đồng, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động... được xem là có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Nhưng đến nay, những tua du lịch đến với các làng nghề vẫn rất hiếm hoi. Làm thế nào để giải bài toán du lịch làng nghề vẫn là câu hỏi khó...

Đến làng nghề xem gì, ăn ở đâu?

Cự Đà là làng nghề làm miến, tương nổi tiếng ở huyện Thanh Oai - Hà Nội. Từ khi còn chưa sáp nhập vào Hà Nội, Cự Đà đã được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề truyền thống chế biến nông sản. Cự Đà còn nổi tiếng là ngôi làng giữ được nhiều kiến trúc đẹp. Chỉ cần bước qua cổng làng Cự Đà, có cảm giác như bước vào một thế giới khác. Đầu mỗi con ngõ, là những cổng ngõ rêu phong. Những con ngõ ở đây, đều gợi cho mỗi người những suy nghĩ, về đạo làm người: ngõ Nhân Nghĩa, ngõ Hiếu Đễ… Phía trên mỗi cổng ngõ, được đắp một dòng đại tự, hai bên là đôi câu đối ca ngợi cảnh đẹp của làng, hoặc răn dạy cháu con về cách đối nhân xử thế. Vào sâu hơn những con ngõ, là những nhà cổ, bao gồm cả nhà gỗ và nhà biệt thự kiến trúc Pháp. Với những lợi thế ấy, từ lâu, cái tên Cự Đà xuất hiện trên nhiều cuốn sách hướng dẫn du lịch như một địa chỉ hấp dẫn. Không chỉ chiêm ngưỡng kiến trúc, người ta có thể mua đặc sản làng nghề đem về làm quà. Cự Đà cách trung tâm Hà Nội chừng 20 km, sau khi tham quan làng cổ, tất cả mọi người đều có nhu cầu nghỉ chân. Nhưng nếu muốn tìm một quán ăn tạm được để lót dạ là chuyện... quá xa vời. Đó chưa phải phiền phức lớn nhất khi tham quan làng cổ. Suốt cả chuyến đi, khứu giác của du khách bị hành hạ bởi mùi xú uế nồng nặc bốc lên từ con sông Nhuệ chạy dọc theo làng. Làng có nghề làm miến, làm tương truyền thống. Song, có lẽ chứng kiến một làng nghề truyền thống sản xuất miến như thế nào, nhiều du khách sẽ... sợ đến già, không dám ăn miến nữa. Miến được phơi ngay trên bãi rác, phơi bên sông, mà ngay phía dưới là màu nước đen ngòm đầy ruồi nhặng. Thậm chí, người ta còn phơi miến cả ở... nghĩa địa.

Mấy phác hoạ về Cự Đà phần nào cho thấy hiện trạng du lịch làng nghề ở Hà Nội hiện nay. Điều đó giải thích tại sao, dù hội tụ nhiều yếu tố "thiên thời", nhưng chưa một công ty du lịch nào đưa Cự Đà khai thác tua. Giống như Cự Đà, Quất Động (huyện Thường Tín) là làng thêu nổi tiếng nhất nhì nước ta. Cổng làng đề một tấm biến lớn giới thiệu điểm du lịch làng nghề. Nhưng đến đây, du khách sẽ đau đầu không biết xem gì, chơi gì, ăn nghỉ ở đâu. Ngôi làng này không có phòng trưng bày sản phẩm làng nghề. Hầu hết các cơ sở thêu đều manh mún, nhỏ lẻ. Thay vì giới thiệu nghề thêu, điều người ta quan tâm đầu tiên là khách có mua gì hay không. Hộ gia đình duy nhất giữ được một số sản phẩm thêu tay cao cấp có thể mở phòng trưng bày là chị Hoàng Thị Khương. Tuy nhiên, những sản phẩm của chị chỉ được trưng bày trong... gian nhà cấp bốn khá lụp xụp! Làng mây tre đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có tiến bộ hơn một chút khi đã xây được một trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề. Tuy nhiên, khi đến nơi, phải nhờ vả mãi chúng tôi mới tìm được người mở cửa. Các sản phẩm đều bị phủ một lớp bụi dày, vì lâu không có người lau dọn. Khó có thể thuyết phục du khách đi hàng chục cây số đến những làng nghề này, khi người ta gần như... chẳng có gì để xem!

Chưa hết, không phải vị khách nào cũng được tiếp đón. Ở cự Đà, khi chúng tôi tìm đến nhà ông Trịnh Thế Xủng - người sở hữu ngôi nhà thuộc hàng đẹp nhất trong những nếp nhà gỗ ở đây. Người nhà ông Sủng tỏ ra không mặn mà gì với khách khứa, thậm chí chúng tôi còn bị đuổi khéo: “Nhà tôi là nhà tư mà các đoàn cứ đi ra đi vào như của công mà chẳng được lợi ích gì”.

Bài học từ những làng nghề thành công

Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Từ tháng 7/2010, Sở Công thương đã kết hợp với ngành du lịch xây dựng 4 tour du lịch làng nghề mới đến làng khảm trai Chuôn Ngọ - thêu Thắng Lợi - sơn mài Hạ Thái- mây tre đan Phú Vinh - lụa Vạn Phúc - gốm sứ Bát Tràng, điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng. Song, hai địa điểm được lựa chọn chủ yếu vẫn là những làng nghề đã thành công từ lâu là Bát Tràng, Vạn Phúc. Những làng khác dù thực tế rất nhiều điều hấp dẫn, nhưng chúng ta chưa đem điều hấp dẫn ở những làng nghề này đến với du khách. Cái thiếu lớn nhất ở du lịch làng nghề chính là hạ tầng dành cho du lịch. Có những làng nghề ở xa trung tâm vài chục cây số, du khách đến nơi cần ăn, nghỉ, nhưng hầu hết vẫn thiếu các dịch vụ đi kèm. Năm 2010, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho gần 200 hộ dân thuộc các làng nghề Vân Hà, Hạ Thái, Bát Tràng, Chuôn Ngọ, Phú Vinh. Nhưng chừng đó vẫn như muối bỏ biển. Khả năng làm du lịch của cộng đồng là một trong những yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến thu hút du khách. Những sản phẩm sẽ không thể thu hút du khách, nếu không có người giúp du khách hiểu được cái hay, cái đẹp của sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Trong số những làng nghề thu hút du khách trong và ngoài nước, Bát Tràng là một điển hình. Ngoài yếu tố tự nhiên là gốm sứ là mặt hàng được nhiều người sử dụng, ưa chuộng, còn phải kể đến người Bát Tràng năng động trong thu hút, quảng bá sản phẩm của mình. Từ rất lâu, mỗi cơ sở sản xuất ở đây đã là một phòng trưng bày sản phẩm. Du khách có thể thoải mái ngắm sản phẩm, rồi xuống cơ sở sản xuất xem quá trình nặn gốm, vẽ... mà luôn nhận được sự tiếp đón của chủ nhà, cho dù có thể không mua gì. Chỉ trong mấy năm trở lại đây, bên cạnh việc sản xuất - bán sản phẩm theo phương thức truyền thống, người dân các làng Bát Tràng, Kim Lan đã có thêm nhiều phương thức đổi mới kinh doanh. Những dịch vụ như truyền thần trên gốm, xe trâu du lịch..., đặc biệt là tự nặn sản phẩm gốm thu hút rất đông du khách tham gia. Qua đó, đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Tháng 1-2011, Lệ Mật (phường Việt Hưng) được công nhận là "Làng nghề nuôi rắn truyền thống". Hiện giờ, mỗi ngày Lệ Mật đón vài trăm lượt khách tới tham quan và thưởng thức các đặc sản từ rắn. Việc này không phải bỗng nhiên có được. Trong 3 năm từ 2008-2010, bên cạnh việc thực hiện đề án nuôi rắn trên địa bàn, UBND quận đã đầu tư xây dựng đường giao thông, tôn tạo khu di tích lịch sử trên địa bàn phường... để tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển làng nghề. Trong thời gian tới, quận Long Biên tiếp tục đầu tư 70 tỷ đồng tôn tạo đình Lệ Mật, tạo thêm sức hút cho làng nghề.

Theo Nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
74.247.076
Tổng truy cập: