Tạo sự kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng là vấn đề chính được đề cập tại Hội nghị giao ban BCĐTƯ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
năm 2012, diễn ra tháng 3 vừa qua.
Xây dựng văn hóa trong sản xuất, sử dụng hàng Việt
Báo cáo kết quả thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng
Việt Nam” năm 2011, Phó chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, Trưởng ban Thường
trực cuộc vận động (CVĐ) Lê Bá Trình cho biết: Năm 2011, các cấp ủy
chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc
và đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa về cuộc vận động để từ đó đề ra các
nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện
hiệu quả CVĐ ở địa phương, đơn vị.
Một trong những kết quả nổi bật của việc triển khai CVĐ trong năm
2011 được ghi nhận là, số lượng doanh nghiệp tham gia hưởng ứng CVĐ tăng
cao, các đợt đưa hàng về nông thôn được tổ chức thường xuyên. Đặc biệt,
số lượng người dân tham quan, mua hàng Việt cũng tăng đáng kể. Tại Thủ
đô Hà Nội, Ban chỉ đạo CVĐ thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức
năng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến với
người tiêu dùng, đã đầu tư cải tạo 57 chợ nông thôn để phục vụ yêu cầu
phân phối, lưu thông hàng Việt đến với người tiêu dùng, tổ chức 34 phiên
chợ bán hàng Việt trên địa bàn. Tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức 4.208
điểm bán hàng bình ổn giá và 3.194 chuyến hàng Việt lưu động phục vụ nhu
cầu mua sắm của nhân dân...
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương, CVĐ đã góp phần nâng
tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước năm
2011 ước đạt 2004,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 95 tỷ USD) tăng 24,2% so
với năm 2010. Thông qua cuộc vận động đã từng bước hình thành nét đẹp
văn hóa trong sản xuất, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, xóa bỏ tâm lý
sính hàng ngoại trong một bộ phận người dân.
Tuy có được những kết quả đáng mừng, song công tác chỉ đạo thực
hiện CVĐ vẫn còn những hạn chế. Theo báo cáo đến tháng 1-2012 còn 34/63
tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc; 18/25 bộ, cơ quan ngang bộ chưa xây dựng
kế hoạch, chương trình hành động thực hiện CVĐ. Công tác hướng dẫn kiểm
tra, đôn đốc thực hiện CVĐ của Ban chỉ đạo một số bộ, ngành địa phương
còn gặp nhiều lúng túng và bị động, thiếu nghiêm túc. Trong năm 2011 còn
22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc, 20/25 bộ, cơ quan ngang bộ chưa xây
dựng kế hoạch thực hiện CVĐ; 6/63 tỉnh, thành phố trực thuộc, 18/25 cơ
quan ngang bộ chưa tổng hợp báo cáo thực hiện CVĐ...
Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm phát biểu tại Hội nghị
Phải xây dựng mạng lưới bán hàng tới tay người tiêu dùng
Tại hội nghị, đại diện nhiều bộ, ngành mong muốn Chính phủ tiếp
tục chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện quy phạm pháp luật, cơ chế hỗ trợ
doanh nghiệp (DN), tôn vinh DN tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhà
sản xuất, người tiêu dùng, xây dựng mạng lưới phân phối... khắc phục kịp
thời các khuyết điểm, yếu kém. Các cơ quan quản lý nhà nước công bố
thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá sản phẩm hàng
hóa do Việt Nam sản xuất...
Theo Phó chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Tô Hoài Nam cho
rằng, để CVĐ thực sự đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả tích cực phải lựa
chọn những biện pháp thực tế. Thành công của CVĐ bên cạnh việc phát
triển sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng phục
vụ thì vấn đề quyết định vẫn là người tiêu dùng và mạng lưới bán hàng.
Theo ông Nam, trong thời gian tới phải xây dựng được mạng lưới bán hàng
tới tay người tiêu dùng. 98% số doanh nghiệp trong nước là các doanh
nghiệp vừa và nhỏ, nên cần phải tạo khoảng trống cho các doanh nghiệp
này hoạt động và phát triển mạng lưới bán hàng, cùng với đó cần có các
biện pháp mạnh mẽ chống hàng lậu, chống độc quyền trong nước, ông Nam
nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định, công tác
tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của
doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thực tế đã cho thấy, thời gian qua
doanh nghiệp đã ý thức được phải tạo ra sản phẩm tốt, giá cả phù hợp với
thị hiếu của từng vùng miền, dịch vụ tốt và tạo được sự tin tưởng của
người tiêu dùng trong nước. Theo bà Hồ Thị Kim Thoa trong thời gian tới,
cần triển khai các biện pháp và có kế hoạch đưa hàng Việt đến tay người
tiêu dùng, bên cạnh các hệ thống phân phối như siêu thị, hệ thống chợ
nông thôn cần được chú trọng đầu tư và phát triển. Để làm tốt việc chiếm
lĩnh thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa cần giải quyết bài toán cơ
sở hạ tầng, xây dựng các chợ nông thôn để triển khai nhiều hơn nữa các
chuyến hàng Việt về nông thôn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội tiêu chuẩn
bảo vệ người tiêu dùng nhận định, đây là thời cơ của sản xuất trong
nước phát triển tuy nhiên để thực hiện chúng ta không thể hô hào chung
chung. Người tiêu dùng không có thời gian nghe mà họ cần đi vào thực tế.
Người tiêu dùng có quyền quyết định lựa chọn sử dụng hàng Việt hay
không? Vì hiện nay quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm hại nghiêm
trọng, họ đang phải đối mặt với những tiêu cực trong đo lường, an toàn
thực phẩm, quyền được biết thông tin về chất lượng sản phẩm...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, Trưởng
BCĐTƯCVĐ Huỳnh Đảm nhấn mạnh, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện CVĐ đã
tạo được sự chuyển biến mới về nhận thức trong sản xuất và tiêu dùng của
người Việt Nam. Những hiệu quả thiết thực mà CVĐ đã đạt được trong năm
qua đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an
sinh xã hội. Chủ tịch Huỳnh Đảm nhấn mạnh đây là CVĐ lâu dài cần tiếp
tục phát huy, đưa CVĐ đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Chủ
tịch Huỳnh Đảm đề nghị, sau hội nghị BCĐTƯCVĐ cần có hướng dẫn chỉ đạo
cụ thể để mỗi cấp, mỗi ngành trong hệ thống chính trị coi đây là nhiệm
vụ thường xuyên để tiếp tục hưởng ứng CVĐ...
Trung Hiếu, Báo Đại đoàn kết