LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Người phụ nữ Mông đưa thổ cẩm ra thế giới
(Ngày đăng: 21/06/2013   Lượt xem: 1234)


Chị Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến.

Tại gian giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã tại thôn Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang), chị Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến, luôn miệng thuyết minh cho khách ý nghĩa từng hoa văn trên sản phẩm, vừa hướng dẫn khách nhận biết chất liệu thế nào là tốt. Người phụ nữ người Mông này có cái duyên bán hàng đến lạ.

Thì ra, họa tiết trên các sản phẩm cũng có ý nghĩa chứ không chỉ mang tính trang trí như du khách vẫn nghĩ. Chị Mai giải thích, hình này có ý nghĩa là tình cảm thắm thiết của đôi vợ chồng son; hình kia mang chủ đề gia đình sum vầy với bốn thế hệ chung sống, rồi hình mang chủ đề tình bạn, thường được chọn trang trí trên mẫu áo, gối đơn, những chiếc ví, túi nhỏ xinh dành cho phụ nữ. Chỉ cho khách chiếc túi đeo vai nhỏ gọn, chị Mai bảo họa tiết đó có ý nghĩa là người trưởng bản. Khi khách hàng gợi ý, có thể diễn đạt là Thủ lĩnh chăng, chị phấn khởi ra mặt, bởi những sản phẩm là những chiếc túi nhỏ có thể đựng sách vở, mà tư duy theo nghĩa rộng hơn, là thủ lĩnh, hay người đứng đầu, người đi đầu thì rõ là phù hợp hơn cả.

Từ cây lanh đồng bào người Mông trồng trên đá, thật nhiều công sức đổ vào, trải qua nhiều công đoạn với sự khéo léo, tỉ mỉ, kỳ công của bàn tay con người mới cho ra sản phẩm nuột nà này. Đồng bào sống ở rừng, có nhiều thứ cây để nhuộm mầu, nên mầu sắc của họa tiết trên sản phẩm hoàn toàn được lấy từ vỏ, rễ, lá cây trong rừng, không hề có sự can thiệp của hóa chất. Chính vì thế, chị Mai luôn nhấn mạnh tính gần gũi thiên nhiên, lợi cho sức khỏe từ sản phẩm bàn tay bà con mình làm ra như thoáng mát về mùa hè, ấm áp, dễ chịu vào mùa đông… Nào tro bếp, nào sáp ong, nào sợi lanh vừa được tước từ thân cây mang về từ nương rẫy về, từ những nguyên liệu thô, cối giã… những nguyên liệu để làm nên sản phẩm. Bản thân các công đoạn để hoàn thể một tấm vải lanh, cùng sự độc đáo riêng có, đã là một sản phẩm du lịch hấp dẫn khi đến với vùng cao nguyên đá Hà Giang.

Hợp tác xã Hợp Tiến được như ngày nay, các thành viên vẫn nhắc nhau về những ngày đầu gian khó. Đó là những năm 97-98, khi chồng chị Mai còn làm việc ở ủy ban xã. Họ nung nấu ý định khôi phục nghề truyền thống của dân tộc mình, khi tất cả từ con số không tròn trĩnh. Họ không biết bắt đầu từ đâu. Muốn có lanh để dệt vải, trước hết phải trồng lanh. Những ngày đầu đầy gian khó mịt mùng ấy, các thành viên đầu tiên đã cõng từng gùi đất lên núi, đổ vào hốc đá để gây dựng lại những cây lanh đầu tiên. Tháng 8 -2001, HTX dệt lanh Hợp Tiến chính thức được thành lập. Để có vốn đầu tư, vợ chồng chị quyết tâm đứng ra vay Ngân hàng Chính sách xã hội 200 triệu đồng. Chiếc cối đá bà con dùng để giã lanh một thời gian dài trở nên vô dụng giờ lại trở thành vật dụng thân thuộc của đồng bào. Cây lanh trồng khoảng hai tháng là có thể thu hoạch. Người ta cắt về, phơi qua một nắng cho héo, rồi khéo léo tách lấy vỏ, cho vào cối giã mềm, tước nhỏ, bện chặt thành dây dài. Sau đó, sợi lanh lại được đưa vào lăn lên khúc gỗ tròn, dùng phiến đá phẳng chà đi chà lại cho bong hết lớp bột chỉ bên ngoài. Sợi lanh trở nên mềm, dai, bắt ánh sáng óng lên là được. Họ cuộn chúng lại thành con sợi lớn để bắt đầu sang công đoạn dệt. Từ nghề hàng thủ công truyền thống đơn lẻ, gây dựng tự phát, thu nhập hội viên túc tắc chỉ dăm, bảy trăm nghìn đồng mỗi tháng, đến nay, số hội viên vượt lên con số hàng trăm, thu nhập thợ giỏi tăng lên hàng chục lần so với trước. Chỉ sau năm năm vận hành, họ đã trang trải hết món nợ đó để các thành viên yên tâm sản xuất. Các tổ sản xuất phân công nhau nhịp nhàng để đảm nhận các công đoạn trước khi đưa vào khung dệt. Nhà chuyên tách sợi, nhà chuyên dệt thô, nhà chuyên nhuộm mầu… Sản phẩm của họ ban đầu còn ít, nhưng đã thu hút sự chú ý của những người khách quốc tế khi đến mảnh đất này. Giờ thì họ đã có mạng lưới vệ tinh rộng khắp, vững vàng để đáp ứng nhu cầu sản xuất tương đối của hợp tác xã.

Chị Vàng Thị Mai thổ lộ với chúng tôi đầy tự hào, hiện họ có 20 bạn hàng quốc tế thân thiết, và hàng loạt các khách sạn lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên đặt hàng... Đến nay họ có khoảng 30 mặt hàng từ thổ cẩm có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm họ làm ra đã chinh phục và được nhiều thị trường khó tính như Nhật, Pháp, Anh ưa chuộng, trở thành đối tác thân thiết, bền vững. Ở một vùng núi đá heo hút, hiểm trở đến vậy mà người phụ nữ này chèo lái, doanh thu của hợp tác xã năm 2012 là 800 triệu đồng. Chị Giàng Thị Mỉ, với thâm niên hơn chục năm gắn bó với hợp tác xã chúng tôi gặp tại đây cho biết, hầu hết thợ lành nghề như chị thu nhập mỗi tháng của chị khoảng năm đến bảy triệu đồng. Để bảo đảm kịp tiến độ giao hàng, có những thời điểm, HTX phải huy động hàng trăm người thợ lành nghề, với mức lương cao gấp đôi, gấp ba lần bình thường để kịp tiến độ giao hàng theo hợp đồng.

 Với sự nhanh nhạy của người đứng đầu, chị Mai được sự hỗ trợ hết lòng của chồng mình đã tìm mọi cách quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm tới gần thị trường hơn nữa thông qua các hội chợ trưng bày sản phẩm. Cuối năm 2010, chị được mời tham dự một hội thảo tại Pháp về các sản phẩm thủ công truyền thống. Trước đó, đầu năm 2009, nhà thiết kế Anh Vũ của Việt Nam đã mang 10 mẫu thời trang với cảm hứng từ thổ cẩm Mông sang Nhật Bản tham gia sàn diễn thời trang của các nhà thiết kế châu Á và gây sự chú ý của những nhà thiết kế thời trang thế giới. Từ những lần giao lưu đó, người phụ nữ Mông đã học hỏi được nhiều điều từ kinh nghiệm quảng bá thương hiệu thủ công mỹ nghệ của các nước khác.  

* Đến nay, họ có khoảng 30 mặt hàng từ thổ cẩm có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm họ làm ra đã chinh phục và được nhiều thị trường khó tính như Nhật, Pháp, Anh ưa chuộng, trở thành đối tác thân thiết, bền vững. 

* Khung cảnh bốn bề dốc núi dựng đứng một mầu tro xám, hình ảnh từng tốp phụ nữ đi làm nương, vừa đi vừa tước sợi lanh quấn quanh người quả là thanh bình. Trong tiếng lách cách dệt lanh bên khung cửi, nghe chị Mai cùng các thành viên HTX Hợp Tiến kể chuyện nỗ lực vươn lên, như bắt gặp gam mầu tươi mới trong nỗ lực thoát nghèo của bà con vùng cao nguyên đá nơi cực bắc Tổ quốc.


                                                                                                Theo: Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.526.056
Tổng truy cập: