LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Giữ 'thương hiệu' mành mành Đỗ Xá
(Ngày đăng: 16/06/2013   Lượt xem: 1218)
Làng Đỗ Xá (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, Nam Định) từ lâu vốn nổi tiếng với những sản phẩm làm từ tre nứa như mành mành, giát giường, mành nuôi tằm và nhiều loại dụng cụ đánh bắt cá thủ công khác. Trải qua hàng trăm năm, tuy có nhiều biến động, thăng trầm song tới nay nghề truyền thống này vẫn được duy trì tại nhiều xóm, thôn của xã, không chỉ giải quyết được việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn mà còn đem lại thu nhập khá và ổn định cho người dân nơi đây.


Vót nan làm mành. Ảnh: baonamdinh.com.vn


Dọc theo quốc lộ 21 tới địa phận xã Điền Xá, khách đi qua hẳn sẽ phải dừng mắt chú ý tới những tấm mành, những bó tre, bó nứa cật đã được chẻ sẵn, dựng bên đường đang óng lên dưới nắng. Các sản phẩm này được người dân đem phơi ngay trước hiên nhà, vừa để tạo độ bền trước khi tiếp tục gia công, vừa như một cách “tiếp thị” mặt hàng trực tiếp.

Tương truyền, nghề đan mành tre của làng Đỗ Xá có từ thế kỉ 17, do ông tổ nghề là cụ Đỗ Đình Kênh người Bắc Ninh truyền dạy. Qua thời gian, người dân nơi đây đã phát triển đa dạng hóa sản phẩm, riêng mành tre đã có tới hơn chục loại như mành sấp ngửa, mành một mặt, mành hai mặt, mành nan to, nan nhỏ, nan vuông, nan tròn...

Sản phẩm thông dụng nhất là mành tre dùng để treo cửa ra vào che mưa nắng, côn trùng… Bên cạnh đó còn có mành che chạn bát, giát giường, một số dụng cụ đánh bắt cá như đơm, đó, lờ… Đặc biệt, ở Đỗ Xá có sản xuất loại mành nan nhỏ sơn vẽ họa tiết theo tích cổ buông rủ nơi cửa đình, cửa chùa và bàn thờ gia tiên, được khách hàng khắp các tỉnh thành ưa chuộng. Sơn để vẽ loại mành này được làm từ keo da trâu hòa với thuốc màu từ những nguyên liệu tự nhiên nên có độ bền rất cao, qua hàng chục năm vẫn lưu đậm nét vẽ.

Trước đây, cả làng Đỗ Xá có gần 1.000 hộ dân ở 13 xóm đều làm nghề, mỗi nhà có đến vài ba khung dệt. Nay số lượng tuy giảm nhiều nhưng vẫn còn rất đông hộ vẫn giữ nghề vì coi đây là truyền thống, tạo nên bản sắc và “thương hiệu” của làng. Gia đình ông Đỗ Duy Sờn ở xóm Thiên Lý, đội 1 Điền Xá đã theo nghề rất nhiều năm. Ông tâm sự: Từ khi còn nhỏ tôi đã được ông bà, bố mẹ dạy cách làm mành tre, giát giường. Tới khi tôi lập gia đình thì lại truyền dạy cho con cháu, gia đình nào ở đây cũng vậy. Cũng theo ông, để làm được mành tốt thì khâu chọn nguyên liệu là rất quan trọng. Trước đây thanh niên trong làng phải lên tận miền ngược như Lào Cai, Yên Bái… để chọn mua tre nứa, song nhiều năm trở lại đây thị trường mở rộng, biết tiếng làng mành mành Đỗ Xá nên nhiều thương lái buôn tre nứa ở Thanh Hóa, Hòa Bình tìm về tận nơi chào bán, khâu vận chuyển cũng được họ đảm bảo nên người dân không còn phải vất vả đi tìm mối cung cấp vật liệu. Tùy theo kích thước làm mành, làm giát giường mà người thợ sẽ chọn mua những thân tre, nứa già, có chiều dài phù hợp; sau đó đem về pha nhỏ, lột bụng chỉ lấy phần cật gốc. Nếu muốn tăng độ bền cho sản phẩm thì đem ngâm tre nứa một thời gian xuống nước ao bùn, sau đó phơi khô mới đem làm tiếp các công đoạn khác.

Sản phẩm của làng Đỗ Xá rất đa dạng nhưng hai mặt hàng tiêu thụ chủ yếu là mành mành và giát giường. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, kích thước của sản phẩm mà người đan sẽ dùng trái gắp (còn gọi là xâu móc) đôi hoặc đơn. Đối với mành nan nhỏ dùng xâu móc đơn, còn mành nan to hay giát giường phải dùng xâu móc đôi mới giúp tấm mành, giát làm ra có độ khít, bền đẹp. Khi đan người thợ cũng cần chú ý lật mặt từng sợi nan, sao cho mặt cật và mặt lõi đan xen nhau thì lúc đem sử dụng tấm mành mới tránh khỏi bị cong vênh. Vì làm hoàn toàn bằng thủ công nên trung bình một lao động bình thường chỉ làm được tối đa khoảng 5m2 mành/ngày. Có nhiều loại mành và giát khác nhau, cỡ mành 1m2 có giá khoảng 120.000 đồng, mành 1m5 là 140.000 đồng… Ngoài việc tự bán lẻ ngay tại hộ gia đình, ở Đỗ Xá có chợ chuyên thu mua sản phẩm mành mành, giát giường ở thôn Trung. Chợ thường họp vào lúc sáng sớm để thương lái các nơi tới thu mua đem đi các tỉnh xa.

Hiện nay vào mùa hè, nhu cầu tiêu thụ giát giường tre nứa tăng lên khá mạnh. Giát giường bằng cật tre, nứa mang “thương hiệu” Đỗ Xá có ưu điểm là rất chặt, khít nên khi trải chiếu nằm không bị đau lưng như các loại giát giường gỗ nan thưa thông thường. Các công đoạn gia công lại kĩ lưỡng nên sản phẩm có độ bền cao, khó bị mối mọt, có thể dùng đến mươi mười lăm năm chưa hỏng. Ông Đỗ Đình Bổn thuộc một trong những hộ có nhiều đơn đặt hàng ở làng Đỗ Xá cho biết: Thường làm theo yêu cầu đặt riêng của khách, tùy theo đó mà chọn loại nguyên vật liệu đáp ứng chất lượng ở nhiều mức độ khác nhau, giá thành cũng theo đó mà thay đổi. Giát giường có giá trung bình khoảng 100.000 – 120.000 đồng/m2, giá mành từ 50.000 – 80.000 đồng/m2. Sau khi trừ chi phí, một ngày công lao động của một người cũng được trên dưới 70.000 đồng nhưng phải với điều kiện có đơn đặt hàng thường xuyên. Từ tháng 4 bắt đầu vào mùa nóng thì hàng bán được nhiều, còn mùa lạnh thường chậm hơn.

Những năm gần đây, nhiều gia đình có xu hướng quay lại bài trí nhà cửa theo nếp xưa, lối cổ. Các khách hàng là thủ từ, thủ đền, các cơ quan, doanh nghiệp và nhiều nhà dân ở một số tỉnh phía Bắc tìm đến làng nghề Đỗ Xá đặt mua sản phẩm mành tre truyền thống. Nhiều gia đình khác ở Đỗ Xá như hộ các ông Đỗ Duy Năng, Đỗ Duy Long, Nguyễn Văn Hy, Vũ Thường Bóng…(xóm 6), Đỗ Đình Đoàn (xóm 11)… từng có thời gian bỏ nghề, nay đã khôi phục lại. Nghề đan mành truyền thống đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, cùng với một lượng lao động khác làm các dịch vụ phụ trợ như cung cấp nguyên liệu tre nứa, dây móc, dây dù, cước sợi, đem mành tre đi tiêu thụ.

Phụ phẩm sau khi làm mành mành, giát giường là phần bụng tre, bụng nứa được người dân tận dụng để nhận thêm hàng mã về gia công hoặc đem bán cho những người có nhu cầu tới lấy cất, góp thêm phần nào thu nhập cho cuộc sống của người dân nơi đây. Nghề đan mành tre, giát giường đem lại cho mỗi người làm công việc này nguồn thu từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ gia đình có ba, bốn lao động cùng tham gia và có việc làm thường xuyên, mức thu nhập khá hơn so với bình quân của nhiều vùng nông thôn khác. Việc giữ nghề truyền thống đã giúp nhiều hộ gia đình đi lên với kinh tế khá giả, làng mành mành khi xưa nay đã trở thành phố mành mành Đỗ Xá, sản phẩm có uy tín và được khách hàng khắp mọi miền cả nước ưa chuộng.
                                                                                            Theo: TTXVN
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.522.541
Tổng truy cập: