LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Về xem chợ nón Gò Găng
(Ngày đăng: 14/06/2013   Lượt xem: 1025)
Thị trấn Gò Găng (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, Bình Định) xưa nay vốn nổi tiếng và để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách bởi phiên chợ nón Gò Găng - họp từ 0 giờ cho đến tảng sáng. Đây có lẽ là phiên chợ  "độc nhất vô nhị”. Hàng trăm năm nay, mặc bom đạn chiến tranh, mặc mưa gió, phiên chợ này vẫn sầm uất dưới ánh sáng leo lét của những ngọn đèn dầu. Chẳng ai còn nhớ và cũng ít người còn sống biết chính xác phiên chợ đầu tiên bắt đầu từ khi nào. Chỉ biết rằng, tiềm ẩn trong ngôi chợ này là nhiều nét văn hóa độc đáo. 



Chợ nón họp từ lúc nửa đêm

Ghi dấu nền văn hóa Tây Sơn - Nguyễn Huệ

Từ lâu chợ Gò Găng đã trở thành một phần máu thịt của nhiều người ở Bình Định, chợ đặc biệt không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là nơi chứa ẩn bao thương nhớ, chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc… Dân vùng nón Gò Găng, chẳng ai không thuộc câu ca: "Ai về Đập Đá quê cha/ Gò Găng quê mẹ, Phú Gia quê chồng…”. Cũng bởi xưa nay, vùng này chuyên làm nghề chằm nón, nổi tiếng nhất là nón Gò Găng, Đập Đá, Phú Gia.

Có mặt ở một phiên chợ nón đặc biệt này, mới cảm nhận được hết những nét đặc trưng văn hóa ở một vùng quê. 3 giờ sáng, phiên chợ bắt đầu sầm uất. Hàng trăm người từ các vùng lân cận tất bật tụ về. Người bán, người mua gọi nhau rôm rả. Mọi người nhận ra nhau nhờ những ngọn đèn dầu leo lét. Những người buôn bán nón lâu năm ở đây cho biết, họ thu mua của bà con rồi chuyển đi các tỉnh lân cận, có lúc vào tới miền Tây. Mỗi phiên chợ, số nón thu mua được có khi lên tới năm sáu ngàn chiếc. 4 giờ sáng, cảnh bán mua dần thưa thớt. Những lái buôn xếp nón lên xe. Người bán nón lại tất bật mua nguyên vật liệu làm nón gồm lá nón và những bó giang rừng được lấy từ vùng núi An Khê (Gia Lai). Cảnh "trăm người bán, vạn người mua” lại rôm rả. Những người vừa mới bán nón xong, nhanh chóng trở thành người mua. Và tới 5 giờ sáng, phiên chợ vãn. 

Thời đất nước trong cảnh chiến tranh loạn lạc, mỗi khi chợ đông, nghe tiếng bom đạn, bà con không ai bảo nhau, vội vã tắt hết đèn tìm chỗ trú ẩn. Đợi tiếng bom đạn lắng xuống, chợ lại đông đúc như thường...Đã từng gắn bó với các chợ đặc biệt này hơn nửa đời người, bà Nguyễn Thị Lan như mỗi ngày lại vun đắp vào ký ức mình nhiều hơn những kỷ niệm, những dấu ấn về ngôi chợ. Gặp ai bà cũng nhẩm đọc hai câu ca dao "Anh về Bình Định ba ngày/ Gởi mua chiếc nón, lá dày đều nan” như một nỗi tự hào. Bà bảo: Từ thời cố nội tôi chợ nón đã có rồi. Nhưng nón Gò Găng ngày đó khác giờ nhiều lắm. Chiếc nón Gò Găng bây giờ là sự kết hợp các chi tiết giữa nón bài thơ xứ Huế và nón ngựa Tây Sơn ngày xưa. Tuy tiết kiệm và đổi thay nhiều chi tiết nhưng nó vẫn giữ nguyên vẹn các nét văn hóa đặc trưng của Bình Định để ai cũng phải nhớ đến. Xưa, làm nón kỳ công hơn, tre phải được chọn tre cật, vót nhẵn thín vì thời đó chưa có các loại giấy dán trang trí.  Hơn nữa chủ yếu làm nón cho binh lính nên càng phải tỉ mẩn. Thường, trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, qui, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua. Nếu làm ẩu sẽ bị quan phủ đến trị tội. 

Cái sự tỉ mẫn đó theo bao nghệ nhân làm nón truyền từ đời này sang đời khác cho đến tận bây giờ. Ông Nguyễn Văn Nam, người có 40 năm làm nón tự hào: "Nhà tôi 3 đời đều làm nón. Chiếc nón này nhìn thế thế mà nó chuyên chở bao thăng trầm của lịch sử, cứ nhìn nó là người ta nhớ đến các thời kỳ. Thời xưa, lễ cưới, dù có nghèo đến mấy thì cũng cố sắm cho cô dâu và chú rể cặp nón Gò Găng. Giờ, nhiều làng quê ở Bình Định vẫn giữ nét văn hóa này nhưng chỉ cô dâu mới đội mà thôi”. 
Quyết giữ nghề truyền thống 

"Nếu không có chợ nón Gò Găng thì nhiều làng nghề làm nón lá truyền thống tại địa phương như Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú… không biết sẽ ra sao. Ngôi chợ này như một sự thôi thúc những nghệ nhân miệt mài sáng tạo và chằm nón. Họ chằm trong những lúc nông nhàn, lúc rảnh rỗi và mang ra chợ bán lúc gần sáng”- Bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ như vậy. Nhiều người đến đây mua nón không chỉ bởi sự độc đáo của phiên chợ mà họ đến để đắm chìm trong những câu chuyện về nền văn hóa Tây Sơn và những bí quyết võ thuật có từ thời vua chúa lẫn những thăng trầm của mảnh đất đầy nắng gió nhưng sâu nặng nghĩa tình này. 

Ấn tượng ở chợ nón Gò Găng không chỉ là hình ảnh những cụ già, những phụ nữ luống tuổi mà còn có nhiều thiếu nữ cũng mặn mà với những phiên chợ nón. Tuy không giàu có, nhưng mấy năm trở lại đây, nhờ sự chăm chỉ mà người dân ở các làng nghề làm nón có thể tự tin sống khỏe bằng nghề. Thợ nón Trần Thị Trúc cho biết: "Trung bình mỗi ngày chợ nón Gò Găng tiêu thụ khoảng 900 đến 1.000 cái nón. Không chỉ bán cho khách vãng lai mà còn bán cho các đại lý tận TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Miền Tây. Thậm chí còn được xuất sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc. Vì vậy thu nhập của người làm nón cũng được cải thiện đáng kể”.  



Tỉ mẫn từng đường kim, mũi chỉ
Tự hào nón lá Gò Găng 

Tuy họp dưới ánh đèn dầu nhưng không vì thế mà những người thợ ở đây mang những chiếc nón không có chất lượng bán cho khách hàng. Thợ chằm nón Trần Thị Trúc khẳng định: "Tiêu chí ở đây là vui lòng người bán và vừa lòng người mua. Thương hiệu nón Gò Găng là phải tạo ấn tượng để khách nhớ mãi…”.

Đi chợ nón Gò Găng, điều chúng tôi thấy vui nhất là hầu hết người dân nơi đây từ già đến trẻ đều thuộc lòng nhiều bài ca dao như: "Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi/ Em về mua vải chợ Gồm /Gò Găng mua nón em chờ anh vô/ Cưới nàng đôi nón Gò Găng/ Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn”…

Theo những người già ở chợ nón Gò Găng không phải bây giờ mà từ hàng trăm năm trước, chính khung cảnh, sự tinh tế trong phiên chợ mà nhiều đôi trai gái đã kết duyên nhau và nên vợ nên chồng. Mới đây thôi, cuối năm 2012, một anh Việt kiều Pháp vì quá yêu sự tảo tần, duyên dáng của một thiếu nữ bán nón đã quyết định quay lại vào dịp đầu năm 2013 để tìm hiểu và xin cưới cô làm vợ.

 Năm 2007, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận Làng nghề nón lá Gò Găng là làng nghề văn hóa truyền thống cần bảo tồn, gìn giữ. Điều này như tiếp thêm sức mạnh cho chợ nón Gò Găng nói riêng và sức sống của các làng nghề làm nón lá ở đất Nhơn Thành- Bình Định ngày càng phát triển.             
                                                                                           Theo: Đại Đoàn Kết                                                                         
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.526.019
Tổng truy cập: