Năm 2000, sau khi học được nghề, vợ chồng ông Nghị trở về Bảo Hà, mạnh dạn mua tre nứa của bà con trong vùng và bắt đầu làm nghề. Hồi đó, để làm ra sản phẩm mã, bà Doanh vợ ông nhận phần chẻ nan, còn ông là người đan chính. Phần trang trí cũng được ông Nghị tự tay cắt giấy màu với nhiều hoa văn cầu kỳ, tỉ mỉ dán vào cốt mã chứ không mua sẵn như bây giờ.
Thế rồi, thấy nghề làm mã có thu nhập, ông truyền nghề cho anh em, họ hàng cùng làm. Rồi sau đó, người nọ truyền nghề cho người kia, lan ra cả bản, nhiều người học nghề và biết đan mã... Nghề làm mã ở Bảo Hà cũng phát triển từ đó.
Sau một thời gian đã thạo nghề, năm 2003, cứ đến tiệc đền ông Hoàng Mười, tháng 10 âm lịch hằng năm, ông Nghị lại cất công vào tận Nghệ An - Hà Tĩnh để làm mã bán. Duy trì 3 năm như thế, khi người dân ở khu vực lân cận đền ông Hoàng Mười biết làm nghề, vợ chồng ông Nghị thôi không vào đó nữa. Tròn 10 năm bén duyên với nghề làm mã, vợ chồng ông Nghị chuyển hướng sang làm kinh doanh dịch vụ đồ lễ tại nhà và thôi nghề làm mã từ đó đến nay...
Nghề làm đồ mã ở Bảo Hà hiện tại vẫn phát triển nhỏ lẻ, không thành làng nghề, có vài cơ sở sản xuất, chủ yếu quy mô hộ gia đình là chính. Sản phẩm đồ mã làm ra đều phục vụ nhu cầu của khách dâng lễ đền Bảo Hà và đền Cô Tân An. Bởi, trước đây ở xã Bảo Hà cũng có nhiều người theo nghề làm mã, nhưng sau dần, đã không ít gia đình chuyển nghề sang kinh doanh và làm các dịch vụ khác.
Người già làm nghề lâu năm thì cũng không còn ai. Hiện tại, còn lại số ít người vẫn làm nghề trong các thôn bản, trong đó, có người làm nghề lâu năm cũng đã gắn bó 15 năm như gia đình anh Dương Văn Trường và chị Nguyễn Thị Hiền - một trong những gia đình còn tâm huyết với nghề đan mã ở Bảo Vinh.
Theo anh Trường, mỗi ngày, cả công chẻ nan, anh đan được khoảng 10 bộ cốt ngựa, trừ chi phí tiền mua nứa, cũng cho thu nhập 350 nghìn đồng/ngày, mỗi tháng đều đặn trên dưới 10 triệu đồng. Việc chẻ nan để đan cốt mã, theo kinh nghiệm của anh Trường, chẻ bằng máy sẽ không đan được, vì chẻ tay sẽ lựa được nan cật, khi đan dễ uốn hơn, cũng sẽ tạo hình mã đẹp hơn… Chính vì thế, gia đình anh Trường chị Hiền mua nứa của bà con ở bản Bông và một số bản lân cận, buổi tối tranh thủ chẻ nan trước, còn ban ngày thì đan. Công đoạn đan một bộ cốt mã mất khoảng 50 phút. Khó nhất là tạo hình từ phần ngực đến đầu, sao cho dáng mã khi đứng lên, thể hiện sự dũng mãnh, vẻ oai phong của ngựa thần.
Làm nghề đan mã thì không vất vả mưa nắng nhưng phải kiên trì. Nếu không kiên trì thì cũng rất dễ bỏ nghề làm các công việc khác… Việc học đan cốt mã không khó, người làm nghề như tôi chỉ học hai buổi là biết làm, còn trong quá trình làm, tự mình rút ra kinh nghiệm thì tự mình thêm nan, bớt nan để tạo hình cốt mã như ý muốn.
Anh Trường chia sẻ
Một sản phẩm mã làm ra được hoàn thiện bởi 3 công đoạn chính: đan cốt; vào áo và trang trí. Thế nên, những gia đình làm mã ở Bảo Hà và khu vực lân cận cũng phân chia sản xuất theo dây chuyền 3 công đoạn trên. Các gia đình làm nghề đan cốt mã, chủ yếu nhập nứa tươi từ các bản: Bông, Khoai, Tắp… về tự chẻ bằng tay và đan tạo hình mã theo kích thước đặt hàng. Phổ biến nhất vẫn là đan theo kích thước mã cao 2,1 m; đan phần móng trước, sau đó bắt đầu từ móng lên hai chân sau rồi đan lên thân và ngực, rồi mới đến phần đầu mã. Còn 2 chân trước đan rời. Thông thường thì các gia đình nhập sẵn phần cốt chân trước từ các gia đình làm nghề đan lát ở xã lân cận: Tân An, Tân Thượng (huyện Văn Bàn).
Tại cơ sở sản xuất mã ở công đoạn vào áo, chủ yếu nhập cốt mã đã đan sẵn, rồi dán một lớp áo bằng giấy nến bên trong và bên ngoài là lớp áo dán giấy màu. Màu sắc mã mã tùy theo yêu cầu dâng cúng của khách ở các cung, phủ mà có các màu: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng - nhưng phần lớn mã dâng cúng đền Bảo Hà - ông Bảy thì đều dùng mã màu tím. Công đoạn này, người thợ phải chỉnh phần cốt mã sao cho khi dán giấy áo được phẳng. Phần vào áo mã, dùng hồ phết lên giấy và dùng tay miết đều, nhanh, phẳng…
Còn ở phần trang trí, yếm, hình nhân điều khiển mã, ngai, nón, bờm, dây cương… và những trang trí khác để hoàn thiện một sản phẩm mã thì đều được thực hiện ở các gia đình kinh doanh khu vực gần cửa đền, tiện cho khách hàng khi đến chọn mua, lúc đó mới dán trang trí, để mã luôn mới, đẹp (dán sẵn, sẽ bụi, cũ và cũng sẽ bị bay màu). Phần yếm và các giấy màu trang trí đều nhập sẵn (thường là in hoa văn)…
Chị Phạm Thị Mơ, thôn Bảo Vinh, xã Bảo Hà cho biết
Hiện tại, theo khảo sát thì còn 25 gia đình theo nghề đan cốt mã ở các bản: Bảo Vinh, Liên Hà 4,5,6; bản Lúc, Bùn 1,2,3,4 và bản Liên Hải. Một bộ cốt mã đan bằng nứa hoàn chỉnh, có giá bán 55 nghìn đồng. Một mã hoàn chỉnh đến tay người dâng mã có giá bán 250 nghìn đồng. Công việc của người làm nghề đan cốt mã trải đều quanh năm, nhưng những công đoạn vào áo và trang trí mã thì bận rộn nhất vào thời điểm trước và sau Tết nguyên đán; dịp tổ chức lễ hội đền Bảo Hà vào tháng Bảy âm lịch.
Ông Trịnh Tiến Duật, Chủ tịch UBND xã Bảo Hà cho biết: Nghề làm mã chưa phát triển thành làng nghề. Các gia đình làm nghề đan mã vẫn chủ yếu làm từng công đoạn, chưa khai thác hết vùng nguyên liệu tại chỗ (tre, nứa…) phần lớn nhập cốt đan sẵn ở các xã lân cận… Chính quyền địa phương mong muốn phát triển, tổ chức sản xuất để hình thành làng nghề thủ công mang đặc trưng của xã Bảo Hà, thu hút lao động địa phương tham gia, tạo sinh kế ổn định cho người dân…
Mới đây, huyện Bảo Yên đã tổ chức thành công Hội thi đan và trang trí ngựa mã đẹp trong khuôn khổ Lễ hội đền Bảo Hà năm 2024. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên khẳng định: Thông qua hội thi, địa phương mong muốn tôn vinh, lan tỏa nét đẹp nghề thủ công truyền thống, để mọi người hiểu rõ về sự tồn tại của một nghề thủ công trong cuộc sống đương đại; phục vụ tín ngưỡng văn hóa trong tâm thức của người Việt hướng về nguồn cội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân trong việc tôn kính, thờ phụng những người có công với đất nước như danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy ở đền Bảo Hà…
Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội cũng là tác giả cuốn sách “Đồ mã Việt Nam” cho biết: Việt Nam có nhiều làng nghề làm mã nổi tiếng như: Đông Hồ, làng Sình… Tất cả các làng nghề làm mã này ra đời đều để phục vụ nhu cầu người dân quanh vùng. Thường thì đồ mã vận chuyển xa giá thành sẽ cao và mã không được nguyên vẹn, nên ở quanh các đền, phủ lớn có nhiều gia đình theo nghề làm mã. Các làng nghề mã đều ra đời một cách tự phát như vậy, nơi nào có cung thì tất có cầu. Vì vậy, nghề làm mã ở Bảo Hà cũng không nằm ngoài quy luật phát triển tự nhiên đó.
Với những trải nghiệm và nghiên cứu về các làng nghề làm mã ở Việt Nam - nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa cho rằng: Để làng nghề mã Bảo Hà phát triển, yếu tố quan trọng nhất đó là, cơ quan quản lý văn hóa địa phương cần xúc tiến công nhận việc làm đồ mã là một nghề thủ công. Cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ người dân theo nghề làm mã duy trì, phát triển kinh tế và sống được bằng nghề. Tôn vinh những thợ nghề giỏi, nghệ nhân làm nghề và bảo tồn nghề theo hướng là một nghề thủ công truyền thống.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hòa: Tại Lào Cai, nghề làm tranh cắt giấy (cũng là một dạng đồ mã) của người Nùng Dín Mường Khương đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013. Trong khi đó, việc làm đồ mã ở Bảo Hà cũng trải qua nhiều công đoạn khắt khe mới có thể tạo tác được một sản phẩm đồ mã. Nên chăng, để bảo tồn và phát triển tri thức nghề làm mã ở Bảo Hà, cũng cần xem đây là một di sản văn hóa phi vật thể của người dân địa phương.
Theo số liệu của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bảo Yên: Xã Bảo Hà có hàng trăm gia đình tham gia các công đoạn làm ngựa mã rải rác ở các bản trong xã; thu nhập bình quân mỗi lao động 9 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm mã gồm ngựa đại, ngựa tiểu, ngai ông, hình nhân; nguyên liệu chủ yếu từ tre, nứa tại khu vực xã Bảo Hà, như bản Bông, bản Tắp, bản Khoai…