1. Trong bộ quần áo bộ đội giản dị, tươm tất, người nghệ nhân già sải bước trên con đường làng giữa tiếng búa, tiếng đe, tiếng mài,… vỗ vào thinh không như đánh dấu - đây làng rèn Đa Sĩ nổi tiếng gần xa.
Theo chân nghệ nhân Đinh Công Đoán dạo quanh thủ phủ nghề rèn. Tận mục sở thị “làng rèn trong phố” mà thấy ngỡ ngàng. Giữa lòng Thủ đô hoa lệ, nằm khép mình bên dòng sông Nhuệ, một cuộc sống lao động cần mẫn, giản dị bên ánh lửa của người làng rèn Đa Sĩ. Giữa trăm nghìn những mặt hàng dao kéo “tây - tàu đủ cả” vẫn bền bỉ sức sống của một làng nghề rèn truyền thống.
Sản phẩm rèn của làng Đa Sĩ phong phú về chủng loại, kiểu dáng, nổi tiếng bởi độ bền, sắc, cứng hơn bất cứ sản phẩm nào trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đời nối đời, người làm rèn Đa Sĩ bảo ban nhau chăm chút cho từng sản phẩm, giữ tiếng, giữ nghề, giữ nghiệp cha ông…
Làng nghề rèn Đa Sĩ có truyền thống lịch sử hàng trăm năm nay đã và đang tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân địa phương. Hiện, có khoảng 70% số hộ dân đang tham gia nghề rèn truyền thống của làng, thường mỗi hộ làm chuyên về một loại mặt hàng. Thợ giỏi trong làng có khoảng 20 người. Có khoảng hơn chục người đã được phong danh hiệu nghệ nhân. Sản phẩm của làng rèn Đa Sĩ rất bền bởi kỹ thuật tôi thép điêu luyện của những người thợ thạo nghề, dày kinh nghiệm với những con dao “chặt được cả sắt”, là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Người nghệ nhân đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, bước chân khoan thai, vừa kể chuyện làng, vừa kể chuyện mình, tha thiết, tự hào nhưng cũng chất chứa những trăn trở mong một hướng đi bền vững cho nghề.
Thanh xuân gửi lại chiến trường, gắn bó gần trọn cuộc đời với nghề rèn truyền thống, chứng kiến những thăng trầm của nghề, của người làm rèn, nghệ nhân Đinh Công Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề làng Đa Sĩ luôn trăn trở, làm sao để ứng dụng công nghệ vào nghề để giảm tải sức lao động, nâng cao năng suất, mẫu mã sản phẩm; làm sao để quy hoạch mặt bằng cho làng nghề nhằm mở rộng mặt bằng, mở rộng sản xuất, hạn chế tác động môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường; rồi làm sao để không tồn tại hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi vào trong làng nghề;…
Còn cái vui nhất của làng mấy năm gần đây là ngày càng có nhiều người trẻ tiếp tục nối nghiệp cha ông bền bỉ theo nghề, tái sinh làng nghề truyền thống, mang đến cho Đa Sĩ một sức sống mới.
2. Một hướng đi mới - gắn việc giữ gìn nghề truyền thống với phát triển du lịch… Cái nắng 40 độ của Hà Nội những ngày tháng 8 và bếp lò rực lửa cộng lại, cả xưởng rèn như lò hấp hơi. Gần hai tiếng tỉ mẩn vừa làm mẫu, vừa thực hành, vừa hướng dẫn cho cậu sinh viên Y khoa đến từ Pháp 12 công đoạn làm dao, mồ hôi nhễ nhãi nhưng gương mặt người nghệ nhân trẻ Lê Ngọc Lâm vẫn giữ nguyên sự bình thản.
Không chỉ giỏi nghề, nghệ nhân Lê Ngọc Lâm còn là một trong những người trẻ đi tiên phong làm du lịch trải nghiệm miễn phí. Sẵn sàng bỏ thời gian, công sức tổ chức quy mô, xây dựng lịch trình trải nghiệm cụ thể từng công đoạn để thu hút du khách. Lý giải về điều này, người nghệ nhân trẻ bộc bạch rằng, gắn bó với nghề anh hiểu, nghề nào nó cũng có cái hay của nó. Nghề rèn làng anh vốn nổi tiếng, độc đáo từ xa xưa. Người ta chỉ biết đến con dao, cái kéo mà đâu biết để được những thành phẩm ấy là biết bao công đoạn, biết bao điều mới lạ trong ấy.
“Thực tế, có những làng nghề họ làm du lịch rất tốt. Chẳng hạn các làng về lụa tơ tằm, làm gốm… Hiện nay, nhiều nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, do sản phẩm truyền thống đứng trước rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại. Tìm được cách “giữ lửa” nghề truyền thống, tôi thấy là điều rất cần”, anh Lâm chia sẻ.
Làng nghề truyền thống dao kéo Đa Sĩ hôm nay đã khác rất nhiều, ngoài tiếng đe, tiếng búa, khách mua hàng, làng nghề còn đón cả những vị khách nước ngoài về tham quan, trải nghiệm.
Tại xưởng sản xuất của anh Lê Ngọc Lâm hiện nay, khách du lịch nước ngoài đến tấp nập. Họ vô cùng thích thú với nghề rèn truyền thống nơi đây khi được trải nghiệm cùng lao động với thợ rèn, tự tay rèn được con dao, cái kéo để làm kỷ niệm.
Về làng Đa Sĩ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh từ người già đến trẻ, cả nam và nữ đều có thể thực hiện các công đoạn của nghề rèn, một nghề lao động nặng nhọc “bở hơi tai”. Tiếng búa đập, tiếng máy cắt thép xen lẫn tiếng trò chuyện của những người thợ như xua tan nỗi vất vả của nghề.
Mê hoặc bởi ánh lửa, bởi những con người lao động, bởi người nghệ nhân trẻ nhiệt huyết, chàng sinh viên Y khoa người Pháp Thomas Fouvry đã hào hứng theo nghệ nhân Lê Ngọc Lâm trải nghiệm những điều mà như cậu nói “chưa từng thấy”, “quá độc đáo, mới lạ và cuốn hút”, cảm phục trước sức lao động và sự sáng tạo của những con người nơi đây. Quần áo lấm lem, ướt đẫm mồ hôi nhưng trên khuôn mặt vị khách đặc biệt, niềm vui hiện rõ.
Bằng nhiều cách khác nhau, những nghệ nhân làng nghề truyền thống Đa Sĩ đang nỗ lực quảng bá, mang sản phẩm của mình vươn xa hơn, tiệm cận hơn với bạn hành quốc tế. Và du lịch trải nghiệm đang mang đến cho làng nghề dao kéo “đệ nhất Hà Thành” Đa Sĩ một sức sống mới, hướng đến sự phát triển bền vững.