Sản phẩm sơn mài làng nghề Tương Bình Hiệp hấp dẫn khách hàng trong và ngoài nước tham quan tìm hiểu quy trình sản xuất, chiêm ngưỡng và mua sắm
Chặng đường dài phát triển
Nghề sơn mài là một nấc thang nối tiếp từ nghề sơn hay còn gọi là nghề đồ sơn. Nghề sơn và trang trí bằng sơn là một nghề thủ công dân gian lâu đời của dân tộc ta. Qua các tài liệu sách vở và qua truyền miệng thì vào đời vua Lê Nhân Tông (năm 1443) có cụ Trần Lư, hiệu Trần Thượng Công là người đầu tiên sáng tạo ra nghề đồ sơn và được tôn là ông tổ của ngành nghề này. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nghề sơn cổ truyền đến nay vẫn tồn tại và phát triển, góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ở Bình Dương, trong quá trình khai hoang, những người dân từ miền Bắc, miền Trung về đây đã mang theo những nghề thủ công truyền thống. Ban đầu, nghề này chỉ mang tính tự cung tự cấp hoặc trao đổi với nhau bằng sản vật để phục vụ đời sống. Nghề sơn tập trung chủ yếu tại làng Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một hiện nay). Ban đầu (cuối những năm 1920), ở Tương Bình Hiệp chỉ có một vài hộ chuyên làm sơn son thếp vàng và pha chế sơn then. Về sau, làng nghề Tương Bình Hiệp dần dần phát triển, thợ sơn đất Thủ trở nên nổi tiếng và tạo ra các mặt hàng ngày càng đa dạng hơn.
Năm 1901, Pháp lập trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một hay thường gọi là trường Bá Nghệ (nay là Trường trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương), chủ yếu đào tạo các ngành nghề như mộc, chạm gỗ, cẩn gỗ, cẩn ốc xà cừ, đồ sơn mỹ nghệ, đúc đồng, trang trí... Tuy nhiên, đỉnh cao của sự phát triển nghề sơn mài là khoảng từ thập niên 50 đến thập niên 80 của thế kỷ trước. Giai đoạn này đánh dấu sự vang danh của sơn mài Tương Bình Hiệp thông qua sản phẩm xuất phát từ xưởng sơn mài Thanh Lễ do hai nghệ nhân Trương Văn Thành và Nguyễn Văn Lễ sáng lập.
Tại Cơ sở sơn mài Định Hòa các sản phẩm phải trải qua hàng chục công đoạn trước khi đến tay người tiêu dùng
Dấu ấn làng nghề hàng trăm năm
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là một trong những làng nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam, nổi tiếng khắp cả nước và được xem là chiếc nôi của sơn mài Bình Dương. Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, cho biết theo dòng lịch sử, nghề sơn mài ở Bình Dương xuất hiện khá sớm, vào cuối thế kỷ XVII. Lúc đầu, những sản phẩm sơn mài chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình, cộng đồng gần, dần dần mới trở thành nghề vì đã có sản phẩm đem buôn bán, trao đổi với các cư dân địa phương khác trên cả nước, nhất là Nam kỳ lục tỉnh.
Vào những năm 1960, nghề sơn mài bắt đầu phát triển “Người người làm sơn mài, nhà nhà làm sơn mài”. Lúc đó, trên vùng đất Thủ Dầu Một có cả phố nghề về sơn mài như Phú Cường, Chánh Nghĩa, Chánh Hiệp. Đặc biệt, làng nghề sơn mài Mỹ Hảo, Tân An, Tương Bình Hiệp... hoạt động khá nhộn nhịp, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Thời điểm vàng son của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là vào thập niên 80, 90 của thế kỷ XX. Giai đoạn này làng nghề có trên 400 hộ sản xuất sơn mài, với hơn 90% dân cư tham gia làm nghề. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thu nhập của người dân tăng cao.
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà. Chính vì vậy, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là làng nghề truyền thống theo Quyết định số 3855 vào năm 2008. Năm 2016, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một vinh dự lớn, là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của nghề sơn mài. Sự kiện này một lần nữa khẳng định vị thế, thương hiệu sơn mài Bình Dương nói chung, sơn mài Tương Bình Hiệp nói riêng trên thương trường.
Những năm sau đổi mới, sơn mài Tương Bình Hiệp tiếp tục phát triển. Trải qua nhiều thế hệ, các cơ sở tại làng nghề vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát, đậm đà tính cách Á Đông. Thông qua nhiều phương pháp thể hiện như sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc... kết hợp trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, gốm, tre... sản phẩm sơn mài tiếp tục được xuất khẩu, chinh phục nhiều thị trường khó tính.