Cố đô Huế có rất nhiều làng nghề truyền thống khác nhau, mang đến đa dạng sản phẩm chất lượng. Trong đó, làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km về phía Đông Bắc, được xem như cái nôi nghề kim hoàn Việt Nam.
Làng nghề đã cho ra các sản phẩm điêu khắc, trang sức từ vàng bạc phục vụ cho hoàng gia.
Lịch sử làng nghề
Theo sử sách ghi lại, làng Kế Môn được thành lập vào thế kỷ 14 dưới đời vua Trần Anh Tông. Làng Kế Môn nằm bên phá Tam Giang lại có đất nông nghiệp nên cư dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt cá.
Năm 1783, quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, đường vào Thuận Hóa thông thương nên ông Cao Đình Độ (sinh năm 1741 tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) đã cùng vợ con men theo bờ biển vào Nam và dừng chân lập nghiệp tại làng Kế Môn.
Tại đây, ông đã truyền nghề cho con trai mình là Cao Đình Hương. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, ông Cao Đình Hương tiếp thu nghề một cách nhanh chóng và trở thành một nghệ nhân thành thục trong nghề. Ngoài ra, ông Cao Đình Độ còn truyền nghề cho một số học trò thuộc hai họ Huỳnh Công và Trần Mạnh.
Tiếng lành đồn xa, năm 1790, vua Quang Trung triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc ở làng Kế Môn vào triều để lập đội Cơ vệ Ngân tượng, nơi chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức cung đình, giao hai cha con ông chức Lãnh binh và Phó Lãnh binh để quản lý Đội Cơ vệ ngân tượng.
Đến khi Nguyễn Ánh chiếm lại đất Thuận Hóa-Phú Xuân, lập nên vương triều Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long vào năm 1802, hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương cũng như nhóm thợ làng Kế Môn vẫn được vua Gia Long trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề kim hoàn trong Kinh thành. Hai ông vẫn được tiến cử giữ chức vụ này chứng tỏ là người có tài và đức hạnh nên được các đời vua và triều đình tin dùng.
Các sản phẩm từ vàng bạc như trâm cài, hoa tai, vòng xuyến, nhẫn… được sử dụng ở Kinh thành Phú Xuân chủ yếu được tạo tác bởi những người thợ kim hoàn làng Kế Môn.
Năm 1810, nghệ nhân Cao Đình Độ qua đời, vua Gia Long sắc phong cho ông là “Đệ nhất tổ sư” và ban cho đất để xây lăng mộ.
Sau khi ông Cao Đình Độ qua đời, Nhà vua và Triều đình truy phong tước hiệu “Đệ nhất tổ sư," được ban đất xây lăng như các quan đại thần và cử hành tang lễ chu tất, an táng tại ấp Trường Cởi (phường Trường An bây giờ).
Tiếp nối tâm huyết của người cha, con trai Cao Đình Độ là Cao Đình Hương sau đó đã tận tâm với việc truyền nghề cho nhiều học trò khác. Nghề kim hoàn ở đất Kế Môn do ông Cao Đình Độ gây dựng, được người con trai phát triển, đưa nghề “ra Bắc, vào Nam” phát triển rực rỡ.
Sau khi ông Cao Đình Hương qua đời, đã được vua Minh Mạng phong tước hiệu là “Đệ nhị tổ sư." Phần mộ của ông được an táng cạnh mộ phần tổ phụ. Đồng thời, để tưởng nhớ công ơn khai sinh ra nghề bạc, Vua cho cấp đất xây dựng Nhà thờ Tổ nghề kim hoàn (số 7, đường Chùa Ông, thành phố Huế ngày nay).
Năm 1924, nhân dịp lễ Tứ Tuần Đại Khánh Tiết, xét thấy hai ông có nhiều công lao trong việc truyền bá nghề kim hoàn, vua Khải Định đã hạ chiếu sắc phong: “Dực bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần” vào ngày 25/7/1924.
Năm 1938, hai ông tiếp tục được sắc phong cho người có công khai sáng ngành kim hoàn Việt Nam và khu lăng mộ được kiến tạo, trùng tu đạt giá trị nghệ thuật cao.
Những người thợ kim hoàn ở miền Trung đều coi hai ông là tổ sư của nghề Kim hoàn, lấy ngày 7/2 âm lịch (ngày giỗ của ông Cao Đình Hương, người trực tiếp truyền nghề rộng rãi trong dân gian) làm ngày giỗ Tổ.
Ngày 2/3/1990, Di tích nhà thờ Tổ nghề kim hoàn được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 168-QĐ/VH của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Hai trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã đem nghề kim hoàn phát triển khắp các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước, và sau này là vươn ra thế giới.
Gìn giữ và phát huy nghề truyền thống
Với niềm đam mê, lòng yêu nghề, những người thợ kim hoàn đã cho ra đời những sản phẩm mang theo tâm huyết của bản thân. Mỗi một sản phẩm đều chứa đựng cái hồn của người thợ - đó chính là thành công của người thợ Kế Môn.
Sản phẩm kim hoàn ở Kế Môn nổi tiếng có chất lượng tốt so với nhiều nơi khác với kỹ thuật tay nghề tinh xảo và chạm khắc cầu kỳ được làm ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo, thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.
Du khách được tìm hiểu, thưởng lãm hoặc trực tiếp tham gia vào các công đoạn chế tác sản phẩm của nghề kim hoàn truyền thống Huế. (Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế)
Tại Huế, các sản phẩm kim hoàn được trưng bày tại Tịnh Tâm Kim Cổ (đối diện với di tích Hồ Tịnh Tâm) của Nghệ nhân nhân dân Trần Duy Mong, rất thuận tiện cho du khách thập phương thưởng lãm.
Tại đây có một bảo tàng thu nhỏ về nghề kim hoàn xứ Huế. Gia chủ bài trí khá nhiều hiện vật quý và có giá trị như các bản sao sắc phong của vua nhà Nguyễn dành cho nghề kim hoàn Huế; các dụng cụ cổ dùng chế tác kim hoàn như búa, kìm, kẹp, dùi, giũa, khuôn, đèn khò, bể thổi… Không gian chế tác, nơi làm việc của thợ cũng được sắp đặt, bài trí mang hơi hướng cổ, khiến cho khách tham quan như cảm nhận được môi trường, không khí làm việc của thợ kim hoàn xưa.
Tại các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, người làng Kế Môn đều tham dự để góp phần tôn vinh một làng nghề "danh bất hư truyền" tại Cố đô.
Ngày nay, nghề kim hoàn trở thành một ngành nghề thủ công truyền thống được ưa chuộng, không chỉ vì giá trị kinh tế mà còn cả trình độ thẩm mỹ của những mặt hàng kim hoàn chứa đựng nhiều sắc thái Việt./.