Nghề vẽ tranh trên kiếng là sự phát triển, sáng tạo từ vẽ tranh truyền thống trên giấy, lụa, gỗ. Ưu thế vượt trội của tranh kiếng là sử dụng lâu, bền, dễ bảo quản. Về kỹ thuật, tranh kiếng khác với các loại tranh vẽ truyền thống là phải vẽ ngược từ sau mặt kiếng, khi vẽ xong lật kiếng lại, phía mặt chính của tranh không có nét vẽ. Vì thế, khi vẽ các chi tiết trên tranh kiếng, nghệ nhân phải bắt đầu từ những chi tiết sau cùng, chính đặc điểm này đã tạo nên nét độc đáo của tranh kiếng so với các loại tranh truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Hoà, ấp Long Tân, xã Long Ðiền B, huyện Chợ Mới, được người trong vùng biết đến không chỉ bởi nghệ thuật vẽ điêu luyện mà còn là chủ cơ sở sản xuất tranh kiếng lớn nhất vùng (Cơ sở tranh kiếng Thanh Hòa). Nghề này trở thành nghề truyền thống của gia đình anh qua nhiều thế hệ. Anh Hoà cho hay, cơ sở sản xuất của anh mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng ngàn bộ sản phẩm, đủ các chủ đề, từ thờ cúng tổ tiên đến phong cảnh, trang trí. Thị trường xuất bán truyền thống từ Quảng Ngãi đến Mũi Cà Mau.
Anh Nguyễn Thanh Hoà, tỉ mỉ kiểm tra tranh in công nghệ 3D.
“Khoảng năm 1950, có một số người ở Chợ Mới học nghề vẽ tranh kiếng vùng Lái Thiêu, rồi về truyền dạy lại. Ngày trước, ông Hai Luông là người làm tranh kiếng đầu tiên ở Long Ðiền này, cha tôi làm nghề mua bán tranh. Bấy giờ ai có ghe, có vốn thì mua kiếng, mua vật liệu về thuê thợ làm rồi chở đi bán. Cha tôi sắm chiếc ghe chở tranh bán dạo. Ngoài ra còn có những thương buôn chuyên nghiệp mua số lượng lớn rồi vận chuyển giao bạn hàng ở các tỉnh. Thời hoàng kim nghề này khoảng những năm 1980 đến 1999. Thời vàng son, một nghệ nhân làm tranh có thể nuôi cả gia đình. Làng nghề vì thế mở rộng”, anh Hoà trần tình.
Thông thường, bà con có thói quen thay tranh cũ bằng tranh mới trên bàn thờ mỗi dịp Tết, với mong muốn cầu bình an, mạnh khoẻ. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, đời sống người dân ngày càng nâng cao, thị trường xuất hiện nhiều loại tranh đẹp, với nội dung, hoạ tiết sinh động, chất liệu vượt trội..., tranh kiếng bắt đầu cạnh tranh gay gắt. “Muốn tồn tại, phải thay đổi cả nội dung, hình thức. Thời điểm khó khăn đầu ra, nhiều người không còn trụ vững nên đổi nghề. Ðến nay, ở Chợ Mới, nghề làm tranh kiếng chỉ còn vài chục hộ, tập trung ở các xã: Long Giang, Long Ðiền B, Long Kiến... nhưng hoạt động nhỏ lẻ. Riêng tôi, từng bước nghiên cứu thay đổi mẫu mã, chất liệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường để được như ngày nay”, anh Hoà chia sẻ.
Ðầu tư trang thiết bị công nghệ in 3D là xu hướng nâng cao chất lượng tranh kiếng.
Giữa tháng 8 âm lịch, có chuyến ghé Chợ Mới, trùng dịp cơ sở sản xuất tranh kiếng của anh Hoà trang bị thêm máy in kiếng 3D. Anh từ tốn chia sẻ: “Thị hiếu khách hàng giờ hầu như chuộng tranh in, bởi màu, nét và kiến trúc được xử lý trên máy tính đảm bảo bắt mắt, sắc nét. Còn những người luống tuổi hay chuộng phong cách xưa thì thường yêu cầu tranh vẽ tay truyền thống. Khi có đơn hàng vẽ tay, thường vợ chồng tôi trực tiếp thực hiện. Còn lại đều được in máy phun màu 3D, in lụa. Năm 2019 tôi đã đầu tư 1 máy in màu 3D trên kiếng, giờ tôi đầu tư thêm máy nữa để đáp ứng đơn đặt hàng của khách”.
Hiện Cơ sở tranh kiếng Thanh Hoà có 30 lao động thường xuyên, với mức lương dao động từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Anh Hoà phấn khởi: “Mấy năm qua, nghề tranh kiếng dần lấy lại thị trường. Sản phẩm được thương lái chở đi khắp các tỉnh và có nhiều đơn hàng xuất sang nước bạn Campuchia. Nếu như trước kia, chỉ người lớn tuổi quan tâm mua để trang trí, tín ngưỡng thờ trong nhà, thì bây giờ giới trẻ cũng quan tâm, tìm hiểu, mua và đặt tranh theo sở thích để trang trí và làm quà tặng”.
Là người gắn bó với cơ sở tranh kiếng Thanh Hoà lâu năm nhất, chị Võ Thị Sáng, vui mừng: “Tôi bắt đầu làm nghề vẽ tranh trên kiếng từ năm 15 tuổi. Nghề này đã giúp tôi xây dựng được gia đình no ấm. 20 năm theo nghề, chứng kiến nhiều thay đổi để phù hợp như hiện nay, ngoài tranh thờ cúng, nghệ nhân ở đây còn sáng tạo thêm các dòng tranh trang trí; tranh kể chuyện từ những điển tích, truyện dân gian, gắn liền nếp văn hoá của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu, tâm linh người dân”.
Từ thợ học nghề mưu sinh, nay chị Võ Thị Sáng trở thành người quản lý cơ sở tranh kiếng Thanh Hoà.
Một bức tranh kiếng xuất xưởng trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ như: cắt kiếng, in lụa, tô màu, phơi bản, đóng khuôn... Việc áp dụng kỹ thuật giúp màu sắc tranh sinh động, giá thành giảm 1/3, năng suất tăng gấp nhiều lần so với trước. Ðiều đặc biệt nhất, những bộ tranh kiếng ở Chợ Mới ra đời từ đôi tay của những “nghệ nhân” chưa từng học mỹ thuật hay hội hoạ. Tất cả đều là kinh nghiệm truyền đời, kết hợp sự khéo léo, thẩm mỹ và sáng tạo./.