Cầu Giẽ là biểu tượng của lòng kiên cường và niềm tự hào của quân dân Phú Xuyên nói riêng, Hà Nội nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hôm nay, quay trở lại mảnh đất Anh hùng này, chúng ta được chứng kiến sự đổi thay và phát triển của làng nghề da giày Phú Yên, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên - một trong những làng nghề lớn nhất cả nước.
Nơi đây không chỉ lưu giữ những giá trị truyền thống, mà còn chứng kiến sự kết tinh của tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, đặc biệt trong dịp Tết Độc lập.
Vui Tết Độc lập
Tháng 9, làng nghề da giày Phú Yên chìm ngập trong bầu không khí tươi vui, nhộn nhịp, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên khắp các ngả đường. Trên những con đường trải nhựa, đổ bê tông, lát gạch sạch sẽ, dòng người tấp nập qua lại, mang theo sự phấn khởi, háo hức của những người con xa quê trở về trong dịp lễ dài ngày.
Trưởng thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên Đỗ Ngọc Quỳnh, chia sẻ: "Những ngày này, ai nấy đều bận rộn. Trước lễ, cả làng chung tay dọn dẹp, trang hoàng xóm làng. Trong dịp lễ, thôn, xóm nào cũng tổ chức liên hoan, gặp mặt, văn nghệ, thể thao, dân vũ... Các cụ nói "vui như Tết" quả không sai, mà Tết Độc lập nên niềm vui lại nhân đôi".
Các cửa hàng giày da hai bên đường sáng rực bởi những biển hiệu mới, những đôi giày dép đẹp mắt, hợp thời trang được trưng bày khéo léo, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề.
Tiếng máy may rộn rã xen lẫn tiếng cười nói của khách hàng, người bán, tạo nên một bản hòa âm sống động, thể hiện sự sầm uất và thịnh vượng của Phú Yên. Trong không khí rộn ràng của làng nghề da giày Phú Yên, người dân nơi đây vừa làm việc, vừa tận hưởng niềm vui trong ngày lễ.
Những ngày này, khắp các công sở, nhà dân ở Phú Yên đều trang hoàng cờ hoa rực rỡ, chào mừng ngày Tết Độc lập. Ảnh: Sơn Tùng.
Cựu chiến binh Nguyễn Như Diên, người con của thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên đã trải qua nhiều thăng trầm trong nghề, cho biết: Hiện nay, ông đã xây dựng thành công ba thương hiệu giày dép gia đình. Năm 2020, cơ sở sản xuất của ông đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với 5 sản phẩm giày dép đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Theo ông Diên, quê hương Phú Yên, huyện Phú Xuyên đã có những đóng góp không nhỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của đất nước. Ngày nay, mảnh đất này đã phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm làng nghề da giày nổi tiếng cả nước. Sự kết hợp giữa truyền thống và sự sáng tạo trong sản xuất đã giúp Phú Yên trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách và một biểu tượng của sự phát triển bền vững của làng quê phía Nam Thủ đô, gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống và niềm tự hào dân tộc.
Sẵn sàng vượt khó
Chủ tịch UBND xã Phú Yên Nguyễn Văn Tâm cho biết, làng nghề da giày Phú Yên không ngừng phát triển, trở thành một điểm sáng trên bản đồ làng nghề Việt Nam. Với gần 500 cơ sở sản xuất và sự tham gia của gần 6.000 lao động, làng nghề đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, đa dạng về mẫu mã, từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Làng nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân, mà còn góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đã đạt hơn 76 triệu đồng/người/năm và năm 2024, xã phấn đấu không còn hộ nghèo.
Chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp làng nghề phát triển bền vững. UBND xã Phú Yên phối hợp với các thôn vận động các gia đình ký kết hợp đồng với công ty môi trường để thu gom rác thải rắn từ quá trình sản xuất, đồng thời hỗ trợ người dân đăng ký nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm giày dép da của Phú Yên không chỉ được gắn mã truy xuất nguồn gốc, mà còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, như: Giày da Sơn Linh, Huy Hoàng, Đức Hà, Quang Hạnh, Lương Huy...
UBND thành phố Hà Nội cũng cho phép thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên tại thôn Giẽ Hạ, với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, hiện đã cơ bản hoàn thành. Đây thực sự là luồng gió mới mang đến sự ấm no, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo cơ hội phát triển quy mô lớn cho làng nghề truyền thống Phú Yên.
Thanh niên Phú Yên tổ chức các phiên bán hàng online, đưa sản phẩm của làng nghề đến đông đảo người tiêu dùng. Ảnh: Sơn Tùng.
Theo ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên, nhờ có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và Hiệp hội Da giày Việt Nam, nhiều hộ gia đình ở Phú Yên đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất. Trong xã có những gia đình sản xuất lên đến 2.000 đôi giày, dép/ngày, đáp ứng được những đơn hàng chất lượng cao. Những sản phẩm này đã và đang phủ sóng khắp cả nước, với doanh thu toàn xã đạt khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chi hội trưởng Hội Da giày thôn Giẽ Hạ cho hay, từ đầu năm đến nay, có thời điểm, doanh thu của làng nghề sụt giảm tới 50%. Đứng trước khó khăn đó, lớp trẻ Phú Yên đã không ngừng sáng tạo, học hỏi. Họ đã ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất và chuyển hướng bán hàng online trên các nền tảng số, giúp làng nghề trụ vững trước những thay đổi như vũ bão của thị trường.
Với sự nhanh nhạy, năng động của lớp trẻ cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, làng nghề Phú Yên từng bước chuyển đổi số thành công. Chỉ trong thời gian ngắn, tỷ lệ bán hàng online của xã đã đạt tới 40-60% tổng giá trị làng nghề.
Những khó khăn, thách thức đã trở thành động lực để làng nghề da giày Phú Yên vươn lên, khẳng định bản lĩnh của mình, tiếp nối truyền thống hào hùng của mảnh đất Cầu Giẽ anh hùng.
Theo: hanoimoi.vn