Xóm lồng đèn Phú Bình được những người con Nam Ðịnh mang theo nghề làm lồng đèn vào đây lập nghiệp và hình thành vào khoảng giữa thập niên 50 thế kỷ trước. Cứ tự nhiên như hơi thở, người làm nghề đời trước truyền cho đời sau và lưu giữ cho đến ngày nay.
Để có một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh, người nghệ nhân phải qua hơn 10 công đoạn từ chẻ tre, kết kẽm, tạo hình, dán giấy, vẽ hoa văn...
Ngoài việc chọn nguyên liệu làm khung đèn là nứa hay lồ ô thì giấy dán phải có màu đỏ thật đẹp. Nhưng yếu tố quyết định đèn đẹp hay không là do cách tạo hình, cách dán và cả những họa tiết trang trí trên đèn.
Gia đình bà Ánh Loan đã có nhiều năm làm nghề. Bà Loan cho biết năm nay, giá của các loại lồng đèn tăng nhưng không đáng kể, giá các loại lồng đèn dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng một chiếc, tùy mẫu mã và kích cỡ.
Việc chuẩn bị các vật dùng để làm lồng đèn phải được sẵn sàng từ nhiều tháng và càng đến gần đến Trung thu mới bắt đầu rộn ràng hơn.
Những chiếc lồng đèn hình con gà, cá chép, thỏ ngọc, ông sao với đường nét hoa văn sắc sảo, mềm mại, vẫn được sản xuất nhằm đưa đến với những ai yêu nét văn hóa cổ truyền, yêu thích những chiếc lồng đèn giấy kính.
Ông Nguyễn Tân (73 tuổi) chia sẻ người làm nghề cần tìm tòi, sáng tạo những thứ mới mẻ dựa trên tinh thần truyền thống để có thể cạnh tranh với những sản phẩm hiện đại."Nghề này phải có đam mê mới làm được. Cả năm chỉ làm vài tháng, thu nhập không nhiều nên hầu như ai cũng có nghề tay trái" - ông Tân nói thêm.
Theo những người làm nghề ở xóm lồng đèn Phú Bình, những năm gần đây, xuất hiện hàng loạt loại lồng đèn bằng giấy xếp, đèn điện tử... nên lồng đèn truyền thống mất dần chỗ đứng. Nhưng không vì thế mà để nghề bị mai một, những người tâm huyết với nghề vẫn duy trì và phát triển nghề truyền thống nhiều mồ hôi nhưng thấm đượm ký ức của bao thế hệ về một mùa Trung thu vui rước đèn dưới ánh trăng vàng.