“Xóm tượng Phật”
Sâu trong con hẻm dưới chân cầu Ông Buông (quận 6, TPHCM) có một xóm nghệ nhân làm nghề truyền thống. Nơi đây được biết đến với tên gọi xóm chùa hay xóm tượng Phật.
Xóm có tên gọi như trên bởi có một số gia đình đã 3 đời làm tượng Phật. Người dân tại đây không biết chính xác làng nghề hình thành từ năm nào. Họ chỉ biết những nghệ nhân có thâm niên nhất hiện giờ đều là con cháu đời thứ 3 của các gia đình làm tượng thờ nổi tiếng.
Hiện nay, xóm tượng Phật có khoảng 10 cơ sở giữ nghề truyền thống đặc biệt này.
Ông Mai Văn Kiệt (60 tuổi, con nghệ nhân Mai Văn Lai, cơ sở Mai Văn Lai) cho biết, nghề làm tượng Phật tại đây có thể bắt nguồn từ ngôi chùa Giác Hải ở trước hẻm.
Từ nhỏ, ông đã nghe chuyện hòa thượng chùa Giác Hải muốn có tượng Phật để thờ. Vị này quyết định điêu khắc và hoàn thành bức tượng Phật bằng gỗ mít để thờ trong chánh điện. Từ đó, người dân trong hẻm bắt đầu học điêu khắc tượng Phật.
Ông Mai Văn Kiệt là truyền nhân đời thứ 3 của cơ sở làm tượng Phật thủ công nổi tiếng bậc nhất tại xóm chùa. Ảnh: Hà Nguyễn
Ông Kiệt chia sẻ: “Hồi đó, ông nội tôi điêu khắc tượng Phật bằng gỗ mít vì gỗ này mềm, dẻo dễ thao tác. Khi hoàn thành bức tượng, ông đều thỉnh vị hòa thượng tại chùa Giác Hải đến nhận xét, cho lời khuyên đã đạt hay chưa.
Theo thời gian và nhu cầu thị trường, những nghệ nhân như ông và bố tôi chuyển sang làm tượng Phật bằng xi măng, thạch cao. Đến tôi đã là đời thứ 3 làm tượng Phật thủ công rồi. Như vậy, nghề làm tượng Phật thủ công ở hẻm này cũng ngót nghét 100 năm”.
Đứng tỉ mẩn đắp loại dung dịch đặc biệt lên bức tượng Phật vừa được lấy ra từ khuôn, anh Tuấn (44 tuổi) cho biết nghề làm tượng Phật thủ công rất vất vả. Đa số người thợ đều phải vừa học vừa làm và tự tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Ông Lý Hải Phước, người có thâm niên 30 năm trong nghề làm tượng Phật cho biết, một bức tượng hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Hà Nguyễn
Thông thường, một bức tượng Phật bằng xi măng, thạch cao phải trải qua nhiều công đoạn như: Lên cốt, đắp bột, chà nhám, phun sơn hoặc vẽ... Trong số này, khâu lên cốt thường được nghệ nhân đặc biệt chú trọng.
Bởi, lên cốt đẹp, theo đúng tỉ lệ, kích thước, kiểu dáng… mới làm được những công đoạn tiếp theo. Trong khi đó, vẽ mắt là khâu cuối cùng và được xem là khâu khó nhất, quyết định bức tượng có đạt chuẩn hay không.
“Bức tượng có hồn, có thần thái hay không là ở khâu vẽ mắt. Do đó, khi vẽ mắt, người thợ phải đặt hết cảm xúc, tâm hồn của mình vào công việc”, anh Tuấn nói.
Sau khi tháo khuôn, anh Tuấn quét một lớp dung dịch đặc biệt để tượng không bị rạn, nứt. Ảnh: Hà Nguyễn
Đọc kinh, niệm Phật khi theo nghề
Sau gần 100 năm, xóm tượng Phật trở thành một trong những làng nghề truyền thống hiếm hoi tại TPHCM. Xóm nghề tượng Phật hiện thu hẹp về số lượng cơ sở nhưng vẫn sản xuất đa dạng tượng thờ.
Ngoài sản xuất tượng Phật Thích Ca tọa tòa sen, Quán Thế Âm Bồ Tát, Phổ Hiền, Di Lặc, Hộ pháp… nơi đây còn tạo tác tượng các vị thần, thánh trong đạo Mẫu như: Ngọc Hoàng, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn…
Tùy theo nhu cầu của thị trường, tượng thờ tại đây được nghệ nhân tạo tác theo nhiều kích thước. Tuy nhiên, nghệ nhân, người thợ vẫn giữ được nét riêng của nghề mà người xưa truyền lại.
Sản xuất sản phẩm mang yếu tố tâm linh, các nghệ nhân, thợ làm tượng Phật tại đây dù không kiêng cữ nhưng cũng có những quan niệm nhất định. Một trong số này là người theo nghề nhất định phải có tâm hồn thanh tịnh, tính cách hiền hòa, đức độ.
Nhiều người thợ tại đây nghiên cứu, có hiểu biết nhất định về Phật pháp. Thậm chí có người thường xuyên đọc kinh, niệm Phật, ăn chay khi theo nghề.
Ông Kiệt giải thích: “Khi làm tượng Phật, tượng thần, người thợ phải làm bằng tất cả cái tâm. Tâm tính của người thợ sẽ quyết định thần thái, hồn cốt của bức tượng.
Điều này thể hiện rõ nét qua công đoạn vẽ mặt, mắt cho tượng. Nếu người thợ tâm tính hiền lành, luôn nghĩ đến điều tích cực sẽ vẽ ra đôi mắt, khuôn mặt bức tượng hiền hòa, đức độ, tươi vui.
Ngược lại, nếu thợ tâm tính không trong sáng, luôn u uất, sầu khổ hay toan tính sẽ vẽ ra đôi mắt, khuôn mặt bức tượng sầu muộn, thảm não, thậm chí có nét hung dữ...
Chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng, khi vẽ mặt, điểm nhãn cho tượng, người thợ phải ở trong trạng thái nhập tâm với niềm tin tâm linh nhất định. Có như thế, sau khi hoàn thiện, bức tượng mới có thần thái, có hồn”.
Dù có thâm niên và là truyền nhân của những bậc thầy làm tượng Phật truyền thống ở xóm, nhưng những người làm tượng tại đây không dám nhận mình là thợ giỏi, nghệ nhân.
Họ khiêm tốn cho rằng mình đến với nghề là do có căn duyên nên cố gắng giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của cha ông.