Ngày 16/8, UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin về thể lệ cuộc thi “Thiết kế sản phẩm gốm Chăm làm quà tặng của tỉnh Ninh Thuận”, tổ chức từ ngày 5-31/12, với tổng giải thưởng 24 triệu đồng.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, đây là cuộc thi nhằm lựa chọn các mẫu sản phẩm gốm Chăm để sử dụng làm quà tặng trong các sự kiện đối ngoại của tỉnh; góp phần thúc đẩy, phát triển quan hệ ngoại giao của tỉnh, nhằm phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, nghệ nhân làm gốm trên lĩnh vực sáng tạo, sản xuất gốm Chăm góp phần nâng cao đời sống của người làm gốm, gia tăng giá trị và làm phong phú bộ nhận diện hình ảnh, thương hiệu của gốm Chăm.
Đây còn là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa đối với quá trình bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Theo thể lệ cuộc thi, các tác phẩm dự thi được sáng tác bằng phương pháp hiện thực từ nguồn nguyên vật liệu truyền thống của người Chăm, được chế tác hoàn chỉnh hoặc mô hình mô phỏng tỷ lệ 1:1.
Ban tổ chức sẽ đánh giá và cho điểm dựa theo các tiêu chí như tính sáng tạo; tính ứng dụng và tính biểu trưng. Trong đó ưu tiên những sản phẩm tham gia cuộc thi đạt yêu cầu về thẩm mỹ, sang trọng, có tính ứng dụng, độ bền cao, kích thước phù hợp; các nghệ nhân làng gốm Chăm Bàu Trúc có thể sản xuất đồng loạt nhiều sản phẩm.
Hiện nay, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận còn duy trì nghề thủ công làm gốm truyền thống tại làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước. Sản phẩm gốm Chăm được sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng cũng như làm quà tặng, trang trí các công trình nghệ thuật.
Nghề làm gốm của người Chăm không chỉ đơn thuần là kỹ thuật sản xuất, tạo ra sản phẩm cụ thể mà ở đó hội tụ, chứa đựng rất nhiều bí quyết, kỹ năng, kinh nghiệm được trao truyền từ đời này qua đời khác tạo thành một nghệ thuật, đó là “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.
Với những giá trị được ghi nhận từ Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, ngày 29/11/2022, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.
Sản phẩm gốm Chăm được chế tác hoàn toàn thủ công, mang tính độc bản cao với những nét đặc trưng văn hóa Chăm không lẫn với sản phẩm gốm ở nơi khác.
Hồi tháng 5/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng có công văn khuyến khích các cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh; các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố quan tâm lựa chọn, sử dụng các mẫu sản phẩm gốm Chăm để làm quà tặng đại biểu, khách mời tham gia các sự kiện quan trọng của cơ quan, đơn vị, địa phương mình nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất 6 sản phẩm: Thần may mắn Ganesha; bình gốm đã được họa sĩ trang trí mỹ thuật; tượng Apsara; quần thể tháp Pô Klong Garai với 3 tháp: Tháp chính, tháp cổng, tháp lửa; tháp Pô Klong Garai; bình hai quai, để làm quà tặng cho 3 nhóm khách khi đến thăm và làm việc tại Ninh Thuận gồm khách là người nước ngoài, cơ quan ngoại giao; khách là các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố.