Ba anh em tổ nghề
Làng Định Công bên bờ sông Tô Lịch, thuộc phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) nổi tiếng với nghề kim hoàn, được xếp vào bốn nghề tinh hoa đất Thăng Long xưa: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xá”.
Trong đó, nổi bật là nghề đậu bạc ở làng Định Công, qua bàn tay khéo léo của những người thợ kim hoàn, các sản phẩm tinh xảo từ vàng bạc được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Theo lịch sử nghề kim hoàn Định Công, khoảng những năm 571 - 603, thời vua Lý Nam Đế, có ba anh em nhà họ Trần là Trần Điện, Trần Điền và Trần Hòa đã đến đất Định Công mở cửa hàng vàng bạc, truyền nghề cho dân chúng và chế tác ra những đồ kim hoàn nổi danh khắp cả nước. Thực chất, ba anh em nhà họ Trần không phải là người khai sáng nghề kim hoàn tại đây nhưng lại là những người có công phát triển kỹ thuật chế tác.
Để tỏ lòng biết ơn, người dân nơi đây xưng tụng các ông là tổ nghề, lập đền thờ tại số 51 Hàng Bạc (Hà Nội) và tổ chức lễ giỗ tổ vào ngày 12/2 hàng năm. Tuy nhiên, tại sao người Định Công lại xây đền thờ tại Hàng Bạc thì lại là một câu chuyện của thời sau này. Đó là dân làng Định Công kéo nhau ra phường Đông Các hành nghề, lúc này phố Hàng Bạc cũng là nơi tụ hội của thợ bạc Đồng Xâm (Thái Bình) và thợ bạc Châu Khê (Hải Dương).
Thợ kim hoàn Định Công đến đây, ai có vốn thì mở cửa hiệu bán đồ vàng bạc cho những nhà quyền quý, không có vốn thì đi làm thuê cho các cửa hàng. Nhờ học được nghề tổ, thợ kim hoàn Định Công nổi tiếng khéo tay, tài hoa và có nhiều thợ giỏi.
Sự xuất hiện của nghề kim hoàn Định Công góp phần biến phố Hàng Bạc trở thành trung tâm vàng bạc mỹ nghệ của cả nước. Nhớ ơn tổ nghề, những người thợ Định Công đã quyên góp xây dựng đền thờ tổ. Đền thờ tổ đặt ở Hàng Bạc cũng chính là lý do lịch sử này.
Theo tài liệu ghi chép lại thì đồ vàng bạc do người làng Định Công chế tác vô cùng tinh xảo, nổi tiếng nhất đất Thăng Long. Đậu bạc là quá trình kéo bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ bạc, sau đó từ những sợi này tạo thành những hình hoa lá, chim muông được gắn vào các sản phẩm trang sức. Việc đậu bạc phải được thực hiện thủ công, không thể thay thế bằng máy móc công nghệ nào.
Các nghệ nhân kim hoàn Định Công xưa thường chỉ đậu các sản phẩm nhỏ như: Nhẫn, khuyên tai, cành hoa, con ong… Sau này khi cuộc sống phát triển, nhu cầu mở rộng thì người thợ đã tìm hiểu và cho ra đời nhiều sản phẩm trang sức đậu có kích thước và hình dáng lớn hơn như lắc vòng tay, ví cầm tay, đĩa…
Cũng phải nói thêm rằng, với các sản phẩm đậu đơn giản thì thợ phụ chỉ học việc khoảng 1 năm là có thể làm được, nhưng với các sản phẩm đậu phức tạp đòi hỏi không dưới 8 năm kinh nghiệm mới có thể tự tin chế tác.
Nghề đậu bạc đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp.
Khó như thành thợ đậu bạc
So với các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm ở Thái Bình, Châu Khê ở Hải Dương, những sản phẩm ở Định Công có nét riêng biệt khó trộn lẫn. Sự khác biệt và độc đáo thấy rõ khi thợ Định Công dùng mảng dát to rồi thúc lên thành hình hài.
Riêng với đậu bạc, tức là phải dùng nhiều những hoa văn nhỏ, chi tiết nhỏ có thể bằng hạt tấm, hạt cát thậm chí phải dùng kính lúp mới nhìn thấy để ghép thành sản phẩm.
Từ những sợi bạc mảnh, người thợ khéo léo đan, thêu, tạo nên những sản phẩm trang sức, đồ lưu niệm tinh xảo. Sản phẩm đậu bạc Định Công được làm hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì của người thợ. Mỗi sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm giá trị văn hóa truyền thống.
Thời xưa, làng nghề kim hoàn Định Công có các họ nghề nổi tiếng như Mai, Lê, Quách, Trần, Nguyễn… Trong đó, họ Quách chuyên về đậu bạc; họ Trần, Mai chuyên về vàng. Xong đến thời điểm hiện nay, chỉ còn duy nhất hai nghệ nhân nhà họ Quách là gắn bó với nghề và duy trì sản xuất thường xuyên.
Với 4 thế hệ theo nghề đậu bạc, họ Quách là nhân chứng sống cho sự thăng trầm trong nghề kim hoàn ở Định Công. Thời kỳ bao cấp đất nước vô cùng khó khăn về mọi mặt, nhất là kinh tế nên vàng bạc bị quản lý chặt chẽ.
Người dân trong làng phải thay thế vàng bạc bằng nguyên liệu đồng, mà cũng chỉ được lấy từ những chiếc quạt hay công tơ hỏng. Có những thời gian nguyên liệu khan hiếm, thị trường đầu ra hạn chế nên nhiều người phải bỏ nghề.
Sau này đất nước phát triển, văn hóa phương Tây du nhập, các thanh niên lớp kế cận không còn mặn mà với nghề truyền thống mà đi theo những công việc có mức lương cao hơn.
Nghề đậu bạc cứ thế mà mai một, làng nghề truyền thống nghìn năm vì thế mà đứng trước nguy cơ thất truyền. Mãi đến năm 1990, nghệ nhân Quách Văn Trường mới quay lại khôi phục nghề truyền thống và duy trì cho tới tận bây giờ.
Một trong nhiều lý do khiến lớp trẻ ở Định Công không mặn mà với nghề, đó là thu nhập. Thu nhập với những nghề chế tác vàng bạc tưởng cao, nhưng cái gì cũng có quy luật của nó. Làm công ăn lương, bỏ sức bán sản phẩm… mỗi cái đều tuân theo những nguyên tắc nhất định, nên để thành thợ mà làm giàu từ nghề là rất khó.
Thứ đến, để trở thành một người thợ kim hoàn lành nghề là quá trình lâu dài và rất khó nhọc. Một người thợ phải mất 7 - 8 năm theo nghề mới làm thành thạo, tự hoàn thiện tất cả các công đoạn. Mà người thợ đó phải là người khéo tay, có óc thẩm mỹ, có khiếu với nghề kim hoàn; còn nếu không có khiếu, có duyên thì có lẽ cả chục năm hành nghề chưa chắc đã thành thợ.
Anh Lê Đình Sơn, một thợ thủ công lành nghề của làng Định Công cho hay, bạc được dùng để đậu phải là loại bạc nguyên chất thì mới có thể kéo thành các sợi chỉ với nhiều kích cỡ khác nhau. Sau đó người thợ sẽ dựng hình, tạo đường nét ban đầu cho sản phẩm.
Khi đã có khung xương định hình sản phẩm, người thợ sẽ sử dụng các sợi chỉ se để tạo ra hoa văn, họa tiết và ghép lại với nhau thành từng mảng. Nhiều mảng như thế được đắp vào khung xương và cố định bằng các mối hàn. Sản phẩm sau khi hoàn thiện phải đạt độ tinh xảo, các mối hàn không lộ nếp. Các sản phẩm không chỉ dừng lại ở sự tỉ mỉ trong từng chi tiết, mà thực sự là một tác phẩm nghệ thuật.
Để thành quả cuối cùng là những tác phẩm tinh xảo.
Giữ chữ tín như giữ vàng - giữ bạc
Với những tâm huyết mà nghệ nhân Quách Văn Trường dành cho nghề tổ, con trai út Quách Tuấn Anh của ông dù tốt nghiệp khoa Luật và Quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế Quốc dân vẫn quyết định theo nghề đậu bạc gia truyền.
Từ khi còn nhỏ, Tuấn Anh đã được tiếp xúc với các công đoạn để tạo ra sản phẩm đậu bạc bao gồm nấu bạc, kéo bạc thành sợi, tết sợi, tạo hình cho đến việc đúc thành các sản phẩm hoàn chỉnh...
Quách Tuấn Anh cho rằng, học nghề đậu bạc không tính bằng ngày, bằng tháng mà là một quá trình lâu dài. Người thợ liên tục luyện tập để uốn, tạo hình từ những sợi bạc trước khi chuyển sang giai đoạn tạo tác. Công đoạn khó nhất là việc hàn ghép các chi tiết, bởi có những sản phẩm là sự kết hợp từ hàng trăm chi tiết siêu nhỏ để tạo thành một tác phẩm hoàn hảo.
Là con nhà nòi, được theo dõi cha làm việc hàng ngày nên những kỹ thuật khó nhất của nghề đậu bạc cứ thế bám sâu vào tâm trí Tuấn Anh. Tất nhiên, khi quyết định theo nghề gia truyền, anh vẫn phải học tất cả các công đoạn cần thiết để trở thành một người thợ thực thụ. Hiện nay, trong xưởng của anh có 6, 7 người thợ trẻ cùng làm việc.
Tuấn Anh bộc bạch: “Bố tôi vẫn luôn răn dạy, đối với bất cứ nghề thủ công nào, người thợ cũng cần có đôi tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo và nết làm ăn cần cù chịu khó. Riêng với nghề kim hoàn còn đòi hỏi người thợ phải có đức, phải giữ chữ tín, giữ chữ tín như giữ vàng giữ bạc. Vàng bạc là thứ kim loại quý, không phải ai cũng có nên người thợ không thể tham lam tráo chác trong nghề hay mua bán trao tay, mà phải chịu trách nhiệm mãi mãi với những sản phẩm”.
Tuấn Anh cũng cho biết, khác với trơn bạc hay chạm bạc, đậu bạc không dùng khuôn mà làm thủ công ở tất cả các khâu. Vì thế, một sản phẩm cùng mẫu mã nhưng lại có đường nét, chi tiết khác nhau. Sản phẩm đậu bạc được ít người biết đến, không thể sản xuất hàng loạt. Để sống bằng nghề cần phải tạo ra các tác phẩm độc đáo, khác biệt.
Hiện nay, xưởng đậu bạc Định Công có rất nhiều mẫu sản phẩm của khách hàng đặt theo sở thích và mẫu đậu bạc do các nghệ nhân tự thiết kế. Ngoài những dòng sản phẩm truyền thống, các nghệ nhân làng Định Công còn phát triển thêm dòng sản phẩm lưu niệm là tranh đậu bạc.
Họ đã đưa những hình ảnh văn hóa gắn với biểu tượng của Hà Nội như hình ảnh Khuê Văn Các, tháp Rùa, phố cổ… vào trong tranh. Tất cả đều ánh lên sự tinh xảo, độc đáo và lan tỏa nét đẹp văn hóa của quê hương đất nước Việt Nam vào từng sản phẩm đậu bạc.
Bằng tâm huyết và sự sáng tạo không ngừng, các nghệ nhân của làng đậu bạc Định Công đã và đang phát triển nghề đậu bạc lên một tầm cao mới, từ đó tìm lại chỗ đứng cho sản phẩm từng một thời vang bóng. Tâm huyết của những nghệ nhân đậu bạc làng Định Công là mở nhiều workshop, cũng như các lớp đào tạo ngắn hạn để truyền lửa nghề cho các thế hệ sau.
Năm 2005, UBND quận Hoàng Mai phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức lớp dạy nghề miễn phí cho 30 học viên trong vòng 3 tháng, hoạt động này nhằm thể hiện sự quan tâm và mong muốn duy trì nghề đậu bạc ở Định Công.
Tuy nhiên, bài toán vẫn chưa được giải quyết triệt để, bởi học viên muốn theo đuổi nghề phải tự bỏ tiền túi ra học tiếp. Với nghề đậu bạc, muốn thành nghề phải mất ít nhất vài năm, chứ 3 tháng để thành nghề là điều không thể.
Là một người trẻ tìm hướng đi cho nghề xưa, Tuấn Anh cho rằng, ngoài việc truyền nghề, mở rộng đào tạo thì việc cải thiện mẫu mã và chất lượng sản phẩm cũng cần chú trọng.
Sẽ có những phân khúc khách hàng, với những sản phẩm có độ tinh xảo khác nhau. Đồng thời, việc quảng bá để thu hút khách du lịch tìm hiểu làng nghề cũng cần được tiến hành để danh tiếng về lịch sử nghề kim hoàn Định Công được nhiều người biết tới hơn.
Theo nghệ nhân Quách Văn Trường, nghề kim hoàn Định Công có 4 kỹ thuật: Trơn, đấu, đậu, chạm. “Trơn” là công đoạn định hình mẫu sản phẩm. “Đấu” là bắt tay vào lắp ráp các chi tiết sao cho ăn khớp, cân đối. “Chạm” là khắc, vẽ hoa văn họa tiết lên bề mặt sản phẩm.
“Đậu” là kỹ thuật kéo khối bạc thành các sợi mảnh, nhỏ như sợi tóc và vẽ hoa văn để cuốn vào trang trí cho các họa tiết như cánh hoa, cánh bướm. Đậu bạc phải đều tay, hàn nuột, không để lại vết để cho ra sản phẩm cuối cùng là một tác phẩm nghệ thuật đích thực.