LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
(11)- Thơm hương Phja Thắp
(Ngày đăng: 03/02/2024   Lượt xem: 7)

Những ngày cuối năm, nghe trong gió ấm gọi về xôn xao hương vị tết. Từ thành phố Cao Bằng theo Quốc lộ 3 về hướng Đông Bắc khoảng 26 km là đến bản Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa), nơi đây có hơn 50 hộ dân tộc Nùng An sinh sống, đang bền bỉ nối tiếp nhau giữ gìn nghề làm hương truyền thống của cha ông. 

Kỳ công khâu nguyên liệu

Theo chân cán bộ xã Phúc Sen, chúng tôi đến bản làm hương Phja Thắp. Mới đến đầu bản, tôi như lạc giữa man mác mùi hương trầm có vị dịu nhẹ phảng phất trong gió. Mùi hương đầm ấm, thú vị rất quen thuộc của ngày tết khiến tâm trí tôi không khỏi chộn rộn với ngày xuân ở đình, chùa, miếu khắp các làng quê. 

Ngồi bên hiên nhà, chúng tôi được nghe cụ Hoàng Thị Niêm, hơn 80 tuổi, một trong hai nghệ nhân làm hương nhiều tuổi nhất trong bản kể lại: Nghề làm hương tồn tại đã từ rất lâu, thời gian cụ thể không ai còn nhớ rõ. Thế nhưng chắc chắn một điều rằng nghề làm hương đã song hành cùng với người Nùng An từ những ngày đầu tiên lập làng, dựng bản dưới chân núi Phà Hùng. Người Nùng An quan niệm khói hương là sợi dây gắn kết tinh thần, thể hiện sự ngưỡng vọng và biết ơn của người còn sống với tổ tiên khi về với đá núi. Qua đó, tổ tiên biết được cuộc sống của con cháu người Nùng hôm nay ra sao, bản làng thay đổi và phát triển như thế nào… 

“Không chỉ dịp tết mà quanh năm người dân trong bản đều tất bật. Các chú thấy chưa, nhà nhà, người người đang hối hả công việc để kịp giao hàng cho các tiểu thương phía Bắc”, cụ Niêm vừa chỉ tay vừa nói.
Người dân xóm Phja Thắp chẻ và tuốt cây mai làm que hương.

 
Người dân xóm Phja Thắp chẻ và tuốt thân cây mai làm que hương. Ảnh Thế Vĩnh

Một khung cảnh nhộn nhịp khiến tôi ngợp mắt khi từ ngoài ngõ vào trong sân, từ sân vào trong nhà là một dây chuyền thủ công sản xuất hương. Già, trẻ, lớn, bé ai cũng có công việc của mình. Những người có tuổi thì bó hương, trẻ con thì trộn mùn cưa, phơi hương; phụ nữ chịu trách nhiệm sàng sẩy nguyên liệu và se hương. Công việc nặng nhọc nhất là đi rừng tìm nguyên liệu dành cho đàn ông, thanh niên trai tráng. 

Khác với các làng nghề làm hương ở nhiều địa phương khác, người Nùng An làm hương hoàn toàn bằng thủ công với những nguyên liệu tự nhiên ở miền núi đá vôi, gồm: cây mai để làm que, vỏ cây gạo, mùn cưa và một số loại cây tạo mùi như nghiến đỏ, cây thung. Đặc biệt nhất là lá cây bầu hắt - một loại lá trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau. 

Nói về việc tìm kiếm nguyên liệu, anh Nông Văn Tuyên, con trai cụ Niêm cho biết: Cây mai tốt mọc sâu trong rừng, cách đây vài chục năm, người dân trong bản tìm thấy ở những rặng núi gần Phja Thắp nhưng giờ đa số phải sang huyện Trùng Khánh, cách khoảng 40 - 50 km để tìm nguyên liệu. Lá cây bầu hắt dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau cũng phải tìm ở những rặng núi cao mới có được mùi hương thơm tự nhiên. Thế nên để có đủ nguyên liệu người làm nghề tìm kiếm rất kỳ công.  

Mỗi gia đình trong bản Phja Thắp có một bí quyết riêng trong khâu chuẩn bị bột làm hương, trộn nguyên liệu, làm sao để khi đốt có mùi thơm, tàn đẹp. Về cơ bản, lá cây bầu hắt khi thu hái về đem phơi khô, sau đó nghiền nhỏ và trộn với mùn cưa, nghiến đỏ, cây thung. Tuy nhiên, theo anh Tuyên, không phải loại mùn cưa nào cũng sử dụng được, nhất thiết phải là mùn cưa từ những cây gỗ thân mềm để cho hương cháy tốt. Sau khi chuẩn bị xong bột làm hương, những người phụ nữ khéo tay, tỉ mỉ trong gia đình sẽ thực hiện công đoạn se hương. Tăm hương được nhúng vào nước và lăn qua bột hương. Cứ thế nhúng đi nhúng lại 4 - 5 lần que hương thành phẩm dần dần hiện ra. 

Tại nhiều làng nghề làm hương khác, tăm hương được nhuộm đỏ trước khi se nguyên liệu, trái lại tại Phja Thắp, công đoạn này thường được làm cuối cùng. Sắc đỏ của chân hương không được tạo ra bởi phẩm màu mà được nhuộm từ nước của lá cây chăm che, thứ màu tự nhiên mà chỉ có người Nùng An nơi đây mới có thể pha chế được. Sau khi nhuộm đỏ, người dân đem hương ra phơi, đây cũng chính là lúc quang cảnh cả một vùng núi rừng trở nên lung linh đến mê mẩn. Thế nên nhiều du khách có dịp tới đây thường gọi những bó hương nở xòe dưới nắng là “hoa” của núi Phà Hùng.  

Phát triển làng nghề theo hướng bền vững

Để thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm địa phương vươn xa, nhiều năm nay, bản Phja Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác tài nguyên văn hóa bản địa. UBND xã Phúc Sen phối hợp với UBND huyện Quảng Hòa, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức nhiều chuyến khảo sát thực tế, nghiên cứu đầu tư các hạng mục thiết yếu giúp làng nghề đủ sức đón nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế khi tham gia hành trình khám phá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. 

Trải nghiệm nghề làm hương dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương là một trong những chương trình hấp dẫn du khách trong chuyến du lịch, điều này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng An mà còn là cách quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp bà con thoát nghèo bền vững. 
Nghề làm hương ở Phja Thắp.

 
Nghề làm hương ở Phja Thắp.

Có được những thành tựu như ngày hôm nay là sự phấn đấu, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân xã Phúc Sen khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 3/3/2001 về “3 nhiều”, gồm: vận động người dân trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề. Kể từ đó, xã Phúc Sen nói chung, bản Phja Thắp nói riêng bắt đầu vươn mình đổi mới. 

Cuối năm 2020, xã Phúc Sen cũ sáp nhập với xã Quốc Dân. Trên cơ sở những thành tựu trước đó, Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục ban hành nghị quyết “3 nhiều”, “3 cùng”, trong đó chuyển đổi mục tiêu “3 nhiều” thành nhiều lượng, nhiều chất, nhiều giá trị; “3 cùng” là cùng lượng, cùng chất, cùng làm. Kết quả, nhiều sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nghề truyền thống có thương hiệu được hình thành, phát triển, nâng cao giá trị và ổn định đầu ra trên thị trường. 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen Đàm Đình Đạo, bên cạnh việc gắn sản phẩm làng nghề với du lịch cộng đồng thì chữ tín luôn được người dân làng nghề coi trọng. Với sản phẩm mang yếu tố tâm linh, đồng bào Nùng An luôn cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu đến công đoạn sản xuất để tạo ra sản phẩm ưng ý nhất. Đặc biệt, từng cơ sở sản xuất rất chú trọng việc tỷ lệ pha trộn các loại thảo mộc để hương Phja Thắp có màu sắc và mùi đặc trưng, thơm nhưng không quá nồng, ít khói, cháy rất lâu và an toàn với sức khỏe người dùng. Không có cách gì giúp giữ thương hiệu tốt hơn là bảo đảm chất lượng của từng sản phẩm. 

Không chỉ tạo việc làm và mang lại thu nhập cho lao động địa phương, nghề làm hương ở Phja Thắp còn là nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn, phát huy. Làn hương mỏng manh, mùi hương thơm ngát, giống như sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, nối tiềm thức con người với thế giới của đức tin và lòng biết ơn. Nhờ sự tảo tần, khéo léo của người Nùng An, mùa tết cổ truyền năm 2024, hương thơm Phja Thắp tiếp tục tỏa ngát mang đến hương vị quê và cả những xúc cảm ấm áp, hy vọng vào một năm mới tốt lành, may mắn và bình an.          

                                     Theo:  baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.491.481
Tổng truy cập: