LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
(36)- Những ông tổ nghề chế tác đá xứ Thanh
(Ngày đăng: 17/02/2021   Lượt xem: 521)

Trên lãnh thổ Việt Nam, trong lịch sử đã xuất hiện nhiều trung tâm chế tác đá nổi tiếng như: làng đá Kính Chủ (Kinh Môn, Hải Dương), làng đá Gia Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng), làng đá Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh), làng đá ở Núi Thét (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), làng đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình), làng đá Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam), làng đá ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), làng đá Bửu Long (Đồng Nai)...


Hàng tượng đá tại lăng Mãn Quận Công, phường An Hưng (TP Thanh Hóa).

Nổi bật trên hệ thống các làng nghề chế tác đá nổi tiếng đó, nghề chế tác đá ở An Hoạch (nay là phường An Hoạch, TP Thanh Hóa) được biết đến là một trong những nghề thủ công có lịch sử sớm nhất Việt Nam, phát triển liên tục, không đứt quãng, đến ngày nay vẫn được duy trì. Sự hình thành và phát triển của nhiều làng nghề chế tác đá nổi tiếng khác như Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Ninh Vân (Ninh Bình)... có sự liên hệ mật thiết tới nghề chế tác đá An Hoạch.

Tài liệu thành văn sớm nhất hiện cho biết thông tin về ông tổ nghề chế tác đá là Hương ước làng Nhồi viết năm Đồng Khánh thứ 2, ngày 15 tháng 2 năm Đinh Sửu (1887). Hương ước này cho biết: “Tổ nghề đục đá là Lê Khắc Phục (giỗ ngày 15 tháng Giêng). Năm Ất Hợi (1275), Lê Khắc Phục dạy 5 họ là họ Đỗ, Lê, Trần, Dương, Nguyễn làm nghề. Khi ông từ Mường Mai (?) về đây ngày 10 tháng Giêng”.

Trong quá trình phát triển của mình, với sự nổi tiếng về chất đá, sự tài hoa của người thợ và những sản phẩm danh bất hư truyền, nghề chế tác đá An Hoạch có sức lan tỏa ảnh hưởng khá mạnh mẽ. Không những người thợ An Hoạch đi khắp nơi hành nghề mà một số người thợ tài hoa còn có vai trò truyền nghề cho nhiều cộng đồng cư dân, không ít trường hợp chính những nơi này sau đó lại phát triển thành những làng nghề chế tác đá có tiếng tăm trong lịch sử - văn hóa Việt Nam. Có thể kể đến một số ông tổ nghề đá là người An Hoạch như sau:

Ông tổ nghề chế tác đá ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình)

Xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) là nơi có nghề chế tác đá nổi tiếng ở Việt Nam. Tay nghề điêu luyện của người thợ Ninh Vân đã tạo nên các tác phẩm tượng rồng bằng đá, hay những phù điêu, hoa văn bằng đá sinh động ở đền thờ vua Đinh, vua Lê, đền Thái Vi, ngôi đền đá làng Hệ (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), đền Trình ở Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh), Nghinh Phong Các trên đỉnh núi Non Nước (TP Ninh Bình), nhà thờ đá Phát Diệm (thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình...) và nhiều công trình khác... Vấn đề ông tổ làng nghề đá Ninh Vân còn nhiều tranh cãi, nhưng đa số những người thợ đá ở đây đều cho rằng tổ nghề của mình là Hoàng Sùng - một thợ đá An Hoạch ở vào thế kỷ XVI. Hiện nay, ở Ninh Bình chỉ duy nhất còn bàn thờ tổ nghề đá tại đình thôn Côn Lăng Hạ, có sắc phong năm 1606 và năm 1680. Cứ đến ngày 15-8 (âm lịch) hàng năm, tổ chức tế khai sơn và giỗ tổ nghề. Trong văn tế ông có đoạn: “Cung dung: Hoàng Sùng đạo đức tôn công tổ sư”.

Ông tổ nghề chế tác đá Non Nước (Đà Nẵng)

Vấn đề ông tổ làng nghề chế tác đá ở Non Nước (Đà Nẵng) hiện vẫn còn nhiều tranh luận. Tư liệu thuyết phục nhất hiện có là bia mộ tiền hiền tộc Huỳnh Bá (lập vào thời Bảo Đại), được chép lại từ nội dung của sắc phong, có ghi: “Thạch tượng Quán Khái xã, Huỳnh Bá tộc thủy khai” (nghề đá xã Quán Khái do tộc Huỳnh Bá khai sinh đầu tiên), “Bổn xã Huỳnh Bá tộc phụng lập” (xã do tộc Huỳnh Bá lập). Văn bia này phù hợp với lời kể của các bậc cao niên của làng Quán Khái Đông ngày nay, xác định rõ người có công đem nghề đá cổ truyền từ Thanh Hóa vào vùng đất Quán Khái là cụ Huỳnh Bá Quát, đồng thời cũng là vị tiền hiền lập ra làng Quán Khái, mà hiện nay bia và mộ cụ vẫn còn tại làng Quán Khái Đông. Ban đầu, nghề đá ở đây chỉ là một nghề phụ và tạo ra những vật dụng đơn giản, thô sơ, như: chày, cối, bia mộ với kỹ thuật chế tác đơn giản. Dần dần, nghề đá phát triển, tận dụng nguồn nguyên liệu đá quý ở Ngũ Hành Sơn, người thợ đá ở đây đã tạo nên những sản phẩm mỹ thuật, đồ thờ tinh xảo: tượng Phật, linh thú, đồ trang sức, đồ dùng cao cấp, tượng nghệ thuật hiện đại, tạo nên thương hiệu của làng nghề. Nhiều tài liệu còn nhắc tới một số hậu duệ của dòng họ Huỳnh đã trở thành những người thợ tài hoa. Có thể kể đến Huỳnh Bá Triêm (còn gọi là ông Cửu Đàn) sống vào đầu thế kỷ XIX, trong thời gian ở kinh đô Huế để xây dựng lăng tẩm, ông đã tìm cách chế tác thành công bộ ấm chén, khay trò bằng đá vân đỏ, mở đường cho việc làm đồ đá mỹ nghệ, với kỹ thuật chế tác nhẹ nhàng, ít tốn nguyên liệu mà sản phẩm lại đẹp, đa dạng về loại hình. Đến cuối thế kỷ XIX, cụ Hương Sum, tên thật là Huỳnh Đàn đã tạc thành công tượng sư tử. Hiện nay ở khu vực Ngũ Hành Sơn vẫn có nhiều cơ sở sản xuất đồ đá mỹ nghệ do người họ Huỳnh làm chủ.

Ông tổ nghề đục đá ở tỉnh Nam Định

Trong “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” của Khiếu Năng Tĩnh có nhắc đến dòng họ Hoàng ở xã Đô Quan, tổng Thượng Đồng, nay thuộc huyện Nam Trực (Nam Định) và khẳng định họ này có gốc là người An Hoạch đến sinh cơ lập nghiệp. Xã này khi xưa có nghề đục đá song đều do thợ đá An Hoạch dạy cả. Trong xã có đền thờ nguyên sơ bằng đá, có đồ thờ bằng đá, tượng đá. Tương truyền thời Minh sang xâm lấn nước ta, chúng chất củi và thuốc súng phá đền, nay chỉ còn có bệ đá hoa sen và đôi cây đèn đá. Bên cạnh đó, trong tài liệu trên cũng nhắc đến nhân vật Vũ Đoan “có công lập ra làng An Hoạch và phục hưng nghề đục đá”.

Ông tổ nghề đục đá ở tỉnh Nghệ An

Trong “Địa chí Thanh Hóa”, phần “Nhân vật chí” có nhắc đến nhân vật Cố Chổm (chưa rõ năm sinh năm mất) - là ông tổ của phường đục đá Trung Phường (nay thuộc xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ở Trung Phường, các lèn Hai Vai, Hổ Lĩnh và Vĩnh Tuy có loại đá có thể làm thành các công cụ trong đời sống hàng ngày. Dân làng đã ra Thanh Hóa mời Cố Chổm vào dạy và truyền nghề. Cố Chổm ở lại 3 năm. Sau khi truyền nghề, Cố Chổm đã cùng học trò tu tạo ngôi đền Nhà Bà ở chân lèn Hổ Lĩnh thờ chúa Mẫu. Đây là một công trình mỹ thuật quý giá, có nhiều bộ phận bằng đá, chạm trổ rồng phượng và hoa lá rất tinh vi. Trước đền có một giếng đá. Nay đền Nhà Bà không còn nữa nhưng trong ký ức của dân làng Trung Phường và các làng xung quanh vẫn cho là đền do Cố Chổm và các học trò của cố tu tạo.

Việc ghi danh những người thợ đá An Hoạch đã trở thành ông tổ nghề chế tác đá ở nhiều địa phương không chỉ làm rõ thêm một số vấn đề lịch sử, văn hóa Việt Nam mà còn ghi nhận những giá trị đặc biệt và một “thương hiệu” nghề đá An Hoạch mà không phải nghề thủ công nào cũng có được.

                                              Theo: baothanhhoa.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.406.073
Tổng truy cập: