LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
(29-33)- Sáu thế kỷ xe chỉ luồn kim
(Ngày đăng: 17/10/2020   Lượt xem: 1224)
Trong nghề thêu, Quất Động từng có nhiều tên tuổi được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương; cụ Phạm Viết Tương với chân dung Bác Hồ; cụ Thái Văn Bôn với chân dung nhà vua Thái Lan.
 
Nghề thêu ở Quất Động hình thành từ thế kỷ 14.
Nghề thêu ở Quất Động hình thành từ thế kỷ 14.

Nhưng đó mới chỉ là một chấm sáng nhỏ trong bầu trời lịch sử làng nghề 600 năm tuổi. Quất Động (Thường Tín – Hà Nội) không chỉ là cái nôi của nghề, mà ở đó thời nào cũng xuất hiện những thợ xe chỉ luồn kim tài ba, với những tác phẩm nghệ thuật truyền đời.

Làng thợ kim chỉ

“Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về Quất Động với anh thì về/ Quất Động làng anh có nghề/ Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành”, câu ca xưa ấy của người Quất Động, ngoài lời mời gọi cũng ẩn dụ rằng, thêu nơi đây là một nghề giản dị.

Và từ bấy tới nay, nghề thêu thủ công vẫn là trọng yếu. Mặc dù các phương pháp thêu hiện đại được du nhập, nhưng người dân nơi đây vẫn theo cái cách truyền thống mà cha ông truyền lại. Với đôi bàn tay khéo léo, những đường thêu sắc gọn được hình thành trên những tấm lụa khiến ai ngắm cũng phải gật gù khen người thợ tài tình.

Người Quất Động rất yêu nghề thêu, những lúc nghỉ ngơi hay nông nhàn đều ngồi thêu. Nhà nào cũng có khung thêu, nhiều gia đình có tới bảy đời làm nghề này. Họ tự hào gắn bó với nghề không chỉ bằng đam mê máu thịt, mà còn là trách nhiệm với tiên tổ.

Hầu hết người dân Quất Động đều thạo thêu tay.

Từ nhỏ, các bé gái đã được cha mẹ cho những chiếc khung thêu hình tròn xinh xắn, mấy cái đê, kim khâu, vải vụn và kéo con để tỷ mẩn học thêu. Lớn lên, nhiều người đã trở thành thợ thêu chuyên nghiệp, nghệ nhân tầm cỡ.

Bà Bùi Thị Hánh, thợ thêu cao niên trong làng, cho biết: “Tôi học nghề thêu từ năm 8 tuổi. Các cháu trong làng học lớp 1 đã được học thêu rồi. Ngày xưa chúng tôi còn làm vụng, chỉ làm hai loại hàng thêu kim tuyến hay thêu nổi mà thôi”.

Quất Động cũng có hợp tác xã thêu, với nhiều xưởng thợ, xưởng to quy tụ chừng 200 tới 500 tay kim và xưởng nhỏ 15 - 30 tay kim. Ngoài nghề thêu, nhiều nhà còn kiêm khâu vá, đính hạt cườm, gắn sừng, ráp túi xách trên sản phẩm.

Trong từng con ngõ nhỏ, trong từng ngôi nhà đều có thợ thêu lành nghề. Có thể nói, trong các làng thêu nước ta, không có làng nào đông đảo thợ thêu như ở Quất Động. Cho nên, người làng này hay vui vẻ nói câu: Ra đường gặp thợ thêu, đi thêu gặp thợ làng.

Rút thang lại được 1 nghề

Theo ghi chép ở đình Ngũ Xá, ông tổ nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu chung của nước ta là Tiến sĩ (Bùi) Lê Công Hành sống ở cuối đời Trần, đầu đời Lê, tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam.

Cuối đời Trần, ông lên đường dự thi vừa lúc quân Minh sang xâm lược nên khoa thi bị hủy. Ông ẩn náu trong rừng rồi theo Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh. Cuộc bình Ngô thành công, ông được Lê Thái Tổ trọng dụng.

Đến đời Lê Thái Tông (1423 - 1442), Bùi Công Hành dẫn đầu đoàn sứ bộ đi sứ. Vua nhà Minh muốn thử tài sứ giả nước Việt bèn cho dựng một lầu cao chót vót rồi mời ông lên chơi. Khi ông lên, họ rút thang và lệnh trong một tháng nếu không tiếp đất an toàn sẽ bị giam cầm mãi mãi.

Đây là một gian thờ Phật, không để một thứ thức ăn gì ngoại trừ một vại nước uống cầm chừng. Với niềm tin ở hiền gặp lành, ngày ngày ông cũng ngồi thiền niệm Phật dưới ban thờ và nghĩ cách leo xuống.

Một hôm, ông thấy một đàn ong bay lượn phía sau mấy tán lọng che tượng Phật. Lại gần tìm hiểu thì thấy trên cánh tay của tượng có một vết rạn, và một con ong đang chui vào đấy.

Biết rằng ong chỉ tập trung ở đâu khi nơi ấy có mật ngọt, ông liền bẻ một mảng mà nếm, thì thấy vị ngọt đậm. Thật ra bức tượng làm bằng chè lam ông ăn dần nhờ thế sống sót.

Ngắm mấy cái lọng đẹp, hoa văn khác lạ, ông nảy ra ý học lại cách thêu của người Trung Quốc, ông vừa tháo vừa thêu lại những hoa văn đó. Ngày cuối cùng của tháng giam hãm, ông kẹp hai cái lọng vào nách và nhảy xuống đất không hề bị một vết thương tích.

 
Tác phẩm thêu của người Quất Động.

Có thuyết lại nói ông ngắm lầu một lượt thấy ngoài cửa lầu treo một bức nghi môn thêu nổi ba chữ: “Phật tại tâm”. Một ngày rồi hai ngày trôi qua, chỉ có một mình trên lầu vắng, bụng đói mà cơm không có ăn, Bùi Công Hành nghĩ, có chum nước để uống tất phải có cái ăn.

Ông quay ra ngắm bức nghi môn rồi lẩm nhẩm: “Phật tại tâm nghĩa là Phật ở trong lòng”. Ông gật đầu mỉm cười rồi bẻ tay pho tượng ăn thử xem sao. Thì ra hai pho tượng được nặn bằng bột chè lam.

Có thức ăn thức uống, hằng ngày ông quan sát kỹ cách làm lọng. Nhập tâm cách làm rồi, ông hạ bức nghi môn xuống, tháo ra xem cách thêu và đã học được cách làm lọng, thêu nổi.

Sau đó, vị sứ thần mạnh bạo dùng cái lọng làm dù nhảy xuống đất an toàn. Trước cách ứng xử thông minh ấy, vua nhà Minh rất khâm phục.

Khi về nước, ông đã đem cách thêu lọng Trung Quốc dạy cho người dân. Nhờ vậy, ông được phong danh Kim tử vinh lộc đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh lương hầu và được đổi sang họ vua.

Hàng chục làng trong vùng được Lê Công Hành truyền nghề trực tiếp. Theo địa danh thời Nguyễn là các xã Quất Động, Tam Xá, Vũ Lăng, Hướng Dương và Hương Giai. Năm xã này dựng chung một đền thờ ông ở thôn Hướng Xá, gọi là đền Ngũ Xã.

Cảm ân đức tiến sĩ, nhiều vùng bao gồm cả Hà Nội đều lấy ngày mất của ông (12/6 âm lịch) làm ngày giỗ tổ nghề thêu.

Tinh hoa 600 năm

 

Cho đến nay, người chơi tranh thêu khắp cả nước đều biết đến sản phẩm thêu nghệ thuật của Quất Động. Các tác phẩm nổi bật của làng thêu là các tác phẩm thêu phong cảnh, như: Cây đa, bến nước, sân đình, cùng các thắng cảnh nổi tiếng.

Thêu phong cảnh tưởng chừng phổ biến và dễ dàng, nhưng để có những tác phẩm đẹp, thợ thêu có khi phải mất cả tháng trời lựa chọn từng loại chỉ màu. Rồi khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu chủ đạo để thể hiện hình ảnh.

Những bức tranh chân dung được kết hợp bởi hàng triệu mũi kim với đủ loại chỉ thêu để tạo nét biểu cảm trên khuôn mặt. Từ khóe mắt, nụ cười, những nếp nhăn được đặc tả chi tiết để toát vẻ thần thái, tính cách, nét riêng của nhân vật.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng, chia sẻ: “Gia đình tôi chuyên thêu áo dài và hàng thời trang cao cấp. Sản phẩm này đòi hỏi tay nghề phải cao, kỹ thuật thêu hai mặt, thêu một mành, thêu hai mành, thêu nước chỉ bóng”.

Cũng theo bà Hồng, rất nhiều sản phẩm khó, chi tiết tinh xảo mà thợ thêu các nơi khác không làm được, phải đem về để thợ Quất Động thực hiện. Với bí quyết, cách truyền nghề sau 600 năm đã giúp người Quất Động có một óc thẩm mỹ tuyệt vời và đôi bàn tay khéo léo đến lạ. Bởi vậy, sản phẩm thêu do người địa phương làm ra, ít ai chê được điểm gì. Tất nhiên, thời kinh tế thị trường thì tiền nào của nấy, sản phẩm càng cao cấp càng tinh xảo.

Hiện nay, sản phẩm thêu tay của các nghệ nhân Quất Động đã được bạn bè quốc tế biết tới. Nhiều sản phẩm của làng được xuất khẩu sang nước ngoài như Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… và được đánh giá cao.

                                                          Theo: giaoducthoidai.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.407.458
Tổng truy cập: