LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Tôi muốn thương hiệu lụa Hà Đông mãi vươn xa
(Ngày đăng: 28/10/2012   Lượt xem: 900)

Mặc dù không là nghệ nhân nhưng anh Đỗ Văn Hiển, nguyên Phó chủ nhiệm hợp tác xã Lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) đến nay vẫn là người duy nhất của làng lụa Vạn Phúc có thể làm tất cả công việc của người thợ thiết kế, từ vẽ cho đến đục bìa hoa văn giúp cho mỗi tấm lụa Hà Đông ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình và có sức vươn xa hơn. Báo QĐND Online có cuộc trao đổi với anh Hiển và xin giới thiệu với bạn đọc.

Anh Hiển bên chiếc máy vi tính

 Phóng viên (PV): Xin chào anh! Kkhông ngờ ngoài xưởng dệt lụa anh lại còn có một cửa hàng bán điện thoại di động nữa. Anh cho biết đôi chút về bản thân cũng như những gì anh đóng góp cho làng lụa Vạn Phúc?

Anh Đỗ Văn Hiển: Ồ! tôi mở cửa hàng này để làm thêm thôi, còn nói về đóng góp cho nghề lụa ư? Mặc dù cũng gắn bó hơn 20 năm với nó nhưng đóng góp cho nghề thì có thấm vào đâu. Với trình độ hết lớp 12 như tôi thì anh bảo làm gì có đủ khả năng để làm nên một việc lớn. Thôi thì sức đến đâu ta làm đến đó, tôi cũng chỉ gọi là làm hết khả năng của mình để vừa làm giàu cho gia đình và góp phần nào đó cho làng nghề.

PV: Được biết sau khi anh cho ra đời sáng kiến thiết kế mẫu hoa văn cho lụa và đưa vào sử dụng ở làng nghề đã tạo ra “cuộc cách mạng” bằng phần mềm trong xử lý hoa văn trên lụa. Anh có thể chia sẻ về cơ duyên đến với sáng kiến này được không?

Anh Đỗ Văn Hiển: Từ khi biết làm nghề lụa thấy các công đoạn làm ra một tấm lụa tốn nhiều thời gian quá, nhất là công đoạn làm hoa văn trên lụa. Từ đó tôi mày mò nghiên cứu một số cách làm như đem những tờ giấy đã kẻ sẵn hoa văn đi photo, scan lên máy tính. Lúc đầu là khổ giấy A4 rồi dần dần có máy khổ A0 để làm cơ sở thiết kế hoa văn trên lụa. Rồi trong một lần đi ngang qua cửa hàng thiết kế thiệp mời đám cưới (ở gần bách hóa Hà Đông cũ), nhìn những mẫu hoa văn in nổi trên những tấm thiệp, một ý tưởng chợt loé lên trong đầu và tôi tự hỏi: "Tại sao mình lại không làm như họ?". Thế là tôi bắt đầu tìm kiếm và tự học các phần mềm đồ hoạ vi tính. Từ năm 1997 đến năm 2000 thì tôi thành thạo việc thiết kế mẫu hoa văn trên mấy tính bằng phần mềm Corel Draw nhờ người em và những người bạn chỉ dạy.

PV: Anh có thể nói sơ bộ quy trình trong sử dụng phần mềm và việc tiết kiệm về thời gian, ngày công lao động trong thiết kế hoa văn trên lụa như thế nào?

Anh Đỗ Văn Hiển: Trước kia, để có một tấm lụa có hoa văn, đầu tiên phải tạo ra một tấm bìa mà làm bìa thì không hề đơn giản. Các bậc tiền nhân phải ngồi tỉ mẩn kẻ hàng ngàn ô carô nhỏ li ti trên một tờ giấy, mỗi ô tương ứng với một hoạ tiết. Họ phải kẻ hàng trăm tờ giấy như thế. Chỉ riêng công việc này đã mất hơn 2 tuần lễ. Sau đó là vẽ hoạ tiết, chấm tổ chức nền rồi cho ra máy đục thủ công, đục từng ô một. Cách làm này thường mất nhiều thời gian mà sản phẩm thu được nhiều khi lại không theo ý muốn, do lỗi trong quá trình làm thủ công là rất cao. Nhưng bây giờ vẽ trên máy vi tính bằng phần mềm đồ họa Corel Draw có thể chỉnh sửa đến từng dấu chấm nhỏ, khi vẽ xong mình in ngay ra giấy để kiểm tra sai sót, chỗ nào sai sửa ngay, chính vì vậy mà tiết kiệm rất nhiều công đoạn và độ chính xác tuyệt đối. Thời gian làm tấm bìa rút ngắn, từ 30 ngày xuống còn 3 ngày. Nhờ vậy sáng kiến này được bà con tin dùng ngay.

PV: Ngoài sáng kiến này anh đã có những sáng kiến gì cho nghề lụa của làng mình?

Anh Đỗ Văn Hiển: Cách đây hơn 3 năm trước, tôi đã cùng Viện Dệt may Việt Nam thực hiện đề tài "Máy đục bìa tự động". Bởi vì sau khi có sáng kiến thiết kế hoa văn trên lụa, Viện Dệt may đã tìm đến tôi để hợp tác thực hiện đề tài này. Viện đảm nhiệm viết phần mềm, tôi làm phần cứng sau đó kết hợp lại để làm nên chiếc máy đục bìa tự động. Sau khi chiếc máy hoàn thiện thì những sai sót trong quá trình đục được giảm đi rất nhiều, lại tiết kiệm được thời gian và công sức. Nhưng làm xong đề tài, họ lại "khuân" cái máy đó về Viện trưng bày, vì bản thân tôi không đủ tiền mua nó với giá gần 200 triệu đồng. Thế nên bây giờ tôi vẫn phải đục bìa bằng máy thủ công.

PV: Là người có thâm niên trong làng nghề, anh có mơ ước hoặc đề xuất gì cho làng lụa quê mình?

Anh Đỗ Văn Hiển: Cha tôi là một nghệ nhân thiết kế có tiếng trong làng, nên ngay từ nhỏ tôi đã rất say mê với công việc thiết kế. Tôi có mong muốn khôi phục công nghệ dệt gấm truyền thống mà cho đến nay chưa ai làm được. Vì việc dệt gấm yêu cầu cao hơn dệt lụa, nguyên liệu đắt hơn lại khó tìm, quá trình dệt phải làm thủ công hoàn toàn, đòi hỏi công sức lớn, chi phí cao. Điều day dứt nhất đối với tôi bây giờ là việc lớp trẻ không mấy mặn mà với nghề của ông cha nữa. Con trai tôi đang học lớp 10 nhưng xem ra nó cũng sẽ không theo nghề thiết kế. Tìm được một người có tài và có tâm với nghề này khó lắm! Điều mơ ước của tôi là mong muốn lụa quê mình ngày càng bay xa hơn nữa.

PV: Với những đóng góp của mình cho làng nghề anh có mong muốn được phong tặng danh hiệu nghệ nhân không?

Anh Đỗ Văn Hiển: Tôi không dám nhận mình là nghệ nhân vì trong làng có rất nhiều nghệ nhân thực thụ. Tuy họ vẽ bằng tay nhưng mẫu hoa văn tinh xảo, kỹ thuật rất cao. Với tôi được ngắm nhìn những mẫu hoa văn do mình tạo ra ở các cửa hàng lụa là tôi thấy vui và hạnh phúc rồi. Người dân làng lụa biết tới Hiển đục bìa thiết kế hoa văn là đủ.

PV: Xin cảm ơn anh!

Xưởng dệt của gia đình anh Hiển hiện có 9 máy dệt đang hoạt động trong đó có 6 máy dệt trơn và 3 máy dệt hoa văn. Mỗi ngày ngoài công việc dệt lụa anh còn tham gia thiết kế những hoa văn theo nhu cầu của các xưởng dệt. Anh đã nghiên cứu thành công cách in lô gô thương hiệu lụa Hà Đông trên những tấm lụa do chính người dân làng Vạn Phúc dệt.

 

                                                                      Theo: QĐND Online -  PHẠM QUANG TIẾN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.521.641
Tổng truy cập: