LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
(99)- Gốm Phù Lãng, vẻ đẹp của hồn quê Kinh Bắc
(Ngày đăng: 14/08/2020   Lượt xem: 765)

Nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng của vùng quê Kinh Bắc, làng gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) là một trong số những làng gốm nổi tiếng của miền Bắc gần nghìn năm tuổi còn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

gom phu lang ve dep cua hon que kinh bac
Gốm Phù Lãng được tạo hình bằng phương pháp thủ công truyền thống.     Ảnh: Mạnh Tiến

Xưa kia, làng Bồ Bát ở Ninh Bình vốn nổi tiếng với sản phẩm gốm từ chất liệu đất sét trắng, gốm Thổ Hà vùng Bắc Giang được lái buôn khắp nơi tìm đến với sản phẩm đất sét xanh, thì làng Phù Lãng lại thâm trầm, mộc mạc bởi các sản phẩm gốm từ đất sét đỏ. Phù Lãng mang vẻ thâm trầm của một làng nghề gốm cổ. Cái sắc vàng óng da lươn của gốm Phù Lãng hàng trăm năm vẫn phảng phất hồn quê mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần hấp dẫn.

Từ quy trình sản xuất truyền thống

Đặt chân đến Phù Lãng, dễ bắt gặp những hình ảnh mái ngói nâu đỏ thấp thoáng, những hàng chum vại dọc theo con đường làng, những tranh gốm, bình gốm xếp chồng cao ngất ở bên hiên, ở sân nhà. Đó cũng chính là hình ảnh của một Phù Lãng vẫn đang mỗi ngày đỏ lửa, cho ra lò những sản phẩm độc đáo, được nhiều người sử dụng.

Nguyên liệu đất để làm gốm ở đây không được lấy trực tiếp trong làng, mà được vận chuyển từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang) dọc theo con sông Cầu về Phù Lãng. Chất đất ở đây được sử dụng vì có độ dẻo cao, đất được phơi cho bạc màu, trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho vào nước, sau đó xéo tròn, nề đất, lọc sạn, phá cho tới khi đất phải nhuyễn mịn mới thôi. Một miếng đất trước khi chuốt phải được xéo hàng chục lần, sau đó làm thành thỏi dài và tạo thành những khoanh tròn rồi mới cho lên bàn xoay vuốt thành sản phẩm. Mỗi một sản phẩm tùy vào lớn hay nhỏ đều được làm từ một hoặc nhiều khoanh tròn như thế xếp chồng lên nhau và vuốt đến khi thành hình sản phẩm.

Các công đoạn sau đó chủ yếu làm cho sản phẩm nhẵn bề mặt, trám các vết xước, vết nứt và gọt phần thừa cho tròn trịa, sau đó được tráng một lớp men. Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng, vôi sống, vôi ống nghiền nát, bùn phù sa trắng. Bốn nguyên liệu này, sau khi sơ chế sẽ trộn đều với nhau theo một tỉ lệ nhất định, rồi pha thành dạng chất lỏng sền sệt. Khi sản phẩm đã se mặt, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài một lớp mỏng hỗn hợp men ấy rồi đem phơi. Tất cả các sản phẩm đã được quét men và phơi khô đều có màu trắng đục, lúc này, gốm được xếp thành từng chồng để đưa vào lò nung. Xếp sản phẩm trong lò nung phải tuân theo nguyên tắc tiết kiệm tối đa không gian của lòng lò, chúng có thể được xếp chồng vào nhau trong quá trình nung để tiết kiệm diện tích.

Công đoạn cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm là nung. Mặc dù công nghệ hiện đại cho phép người làm gốm tiết kiệm thời gian, công sức bằng các lò nung than hay nung ga hiện đại. Nhưng gốm Phù Lãng vẫn phải giữ cách làm truyền thống là nung bằng củi. Chính việc sử dụng củi làm chất đốt cho lò nung khiến bề mặt của gốm có những sắc độ khác nhau do lửa “táp”, tạo nên các sản phẩm có nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau.

Nhiệt độ lò nung phải đạt đến 1 nghìn độ C, như vậy lớp da ngoài mới đanh mặt, nhẵn bóng và chắc. Sản phẩm gốm được đun liền 3 ngày 3 đêm, lượng nhiệt trong lò cũng phải được điều chỉnh tăng dần nhiệt độ đến ngày thứ hai khi chín gốm, rồi từ từ giảm nhiệt độ. Đến ngày cuối cùng, gốm được để nguội, lấy ra khỏi lò và phân loại. Gốm đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn óng hoặc màu cánh gián, gõ vào phải có tiếng vang. Nếu gốm Bát Tràng tập trung vào các đường nét tinh xảo trong họa tiết của men tráng, gốm Thổ Hà sử dụng “chất men” tự nhiên từ chính bề mặt của đất được vuốt nhẵn thì sắc nâu da lươn lại làm nên vẻ đặc biệt cho gốm Phù Lãng.

Mỗi công đoạn, từ chọn đất, tạo hình, tráng men đến nung gốm đều được các thợ gốm chăm chút cẩn thận cho đến khi sản phẩm gốm ra lò.

Thích ứng với thời đại mới

Hiện nay, gốm của làng Phù Lãng vẫn được tập trung phát triển vào ba dòng sản phẩm chính: Gốm dùng trong hoạt động tín ngưỡng như tượng Phật, lư hương và các đồ thờ cúng; Gốm gia dụng, một trong những sản phẩm đặc trưng của gốm Phù Lãng, vô cùng đa dạng và phong phú về chủng loại, kiểu dáng, từ lọ, bình, ang đến chum, vại; Gốm trang trí, gồm bình trang trí, lọ hoa, tranh gốm...

gom phu lang ve dep cua hon que kinh bac
Một số sản phẩm được vẽ hoa văn cho sinh động, theo nhiều nhu cầu khác nhau của thị trường

Trong nền kinh tế thị trường, các sản phẩm gốm với nhiều xuất xứ ngày càng trở nên đa dạng, bắt mắt,  có lúc, gốm Phù Lãng tưởng như đã mất đi vị thế của mình. Phần nữa, cũng vì công việc làm gốm khá vất vả, nhiều thế hệ trẻ của làng không muốn làm nghề của cha ông để lại, mà theo những ngành nghề khác nhau.
Dù vậy, chính cái mộc mạc, chân chất của gốm Phù Lãng đã khiến nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhờ đó mà làng gốm như được tiếp thêm sức mạnh để “hồi sinh”. Không chỉ là một làng nghề sản xuất truyền thống, thời gian gần đây, Phù Lãng còn là nơi thu hút nhiều khách du lịch từ khắp mọi miền đến tham quan, tìm hiểu về nghề gốm. Đôi khi, chỉ cần nhìn những đôi tay thoăn thoắt của người thợ gốm vuốt, nặn, cũng có thể cảm nhận được giá trị của mỗi sản phẩm thủ công mà hồn cốt của nó lại được chứa đựng trong chính cái thô ráp, mộc mạc ấy.

Có lẽ, đây chính là động lực để sản sinh ra một thế hệ nghệ nhân mới của làng nghề, họ được đào tạo bài bản về gốm, về tạo hình. Hơn hết, họ có lòng say nghề với dòng gốm cổ của cha ông để lại. Dù có thể áp dụng nhiều công nghệ khác nhau vào quá trình sản xuất, nhưng chắc chắn những nét đặc trưng của gốm Phù Lãng ẩn trong cái mộc mạc, chân chất, bình dị ấy sẽ làm cho sản phẩm của nơi đây có sức sống lâu bền với thời gian. /.

                                                                Theo: laodongthudo.vn
Xem thêm: >>Ký sự làng nghề Hồn Phù Lãng nơi Gốm Ngọc
 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

65
Đang xem:
72.409.546
Tổng truy cập: