LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Khôi phục đình thờ tổ nghề da giày
(Ngày đăng: 21/10/2012   Lượt xem: 800)
UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đình Phả Trúc Lâm sau 11 tháng thi công, góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử của đình thờ các ông tổ nghề da giày.

Đình Phả Trúc Lâm tọa lạc tại số 40 Hàng Hành, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Được xây dựng từ thế kỷ XIX, đình thờ các ông tổ nghề da giày là Tiến sỹ Nguyễn Thời Trung và ba người cùng quê là các ông Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính, Nguyễn Sĩ Bân. Đây vốn là ngôi đình của người dân làng Trúc Lâm (tên nôm là làng Chắm), nay thuộc xã Hoàng Diệu, Gia Lộc, Hải Dương - nơi có nghề da giày phát triển sớm và có nhiều thợ thuộc da nổi tiếng. Sau khi đến Thăng Long phát triển thành phường nghề, những người thợ da giày làng Trúc Lâm đã lập chốn thờ tổ ở nơi lập nghiệp mới. Nội dung văn bia còn lưu giữ ở đình cho biết: ngôi đình ban đầu được dựng bằng tre nứa đơn giản, sau đó được tu bổ và nâng cấp thêm vào đầu thế kỷ XX. Trải qua năm tháng và ảnh hưởng của chiến tranh, ngôi đình đã ít nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được phong cách truyền thống. Đình có quy mô nhỏ, nằm trong góc phố, phía ngoài là cổng tam quan liền với hè phố, qua một sân hẹp vào trong là tiền đường và hậu cung. Tam quan của đình được xây dựng vào đầu thế kỷ XX và tu sửa lại sau năm 1954. Đến nay, trong đình còn 3 tấm bia được gắn trên tường hồi của di tích, với các niên đại 1860, 1870, 1889, ghi rõ lịch sử xây dựng ngôi đình cũng như tu sửa sau này.


Đình Phả Trúc Lâm
Từ khi được xây dựng, hàng năm, thợ da giày khắp nơi thường tụ họp tại đình để tổ chức lễ tưởng niệm tổ nghề vào các dịp tháng Hai tế xuân và tháng Tám tế thu. Đây là dịp để thợ làm đồ da tôn vinh các giá trị truyền thống, trao đổi kinh nghiệm, bồi đắp tình đoàn kết giữa những người cùng nghề. Với những giá trị ấy, năm 1995, đình Phả Trúc Lâm đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

 Khu phố cổ Hà Nội và các phố cũ lân cận có nhiều di tích đình, đền, chùa. Tới đây, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ giao Ban Quản lý phố cổ tu bổ, tôn tạo đình Đông Thành, chùa Vĩnh Trù, quán chùa Huyền Thiên... Từ nay đến năm 2015, dự kiến khoảng 20 di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ được trùng tu.

Qua thời gian, đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 1998 - 1999, các chuyên gia của Pháp đã nghiên cứu phương án trùng tu đình, nhưng do nhiều lý do, dự án chưa được thực hiện. Đến năm 2011, UBND quận Hoàn Kiếm giao Ban Quản lý phố cổ tu bổ, tôn tạo đình. Công trình đã hoàn thành sau 11 tháng thi công, với tổng kinh phí khoảng 11 tỷ 670 triệu đồng.

Theo anh Đặng Xuân Khuê, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, trước khi trùng tu, mái đình có nguy cơ bị sập, hầu hết hạng mục của đình đều cần tu bổ, tôn tạo. Bản thân di tích đã được trùng tu, cải tạo nhiều lần, rất khó tìm các yếu tố gốc, trong khi không có hồ sơ lưu trữ về công trình, vì thế Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội và đơn vị tư vấn phải thường xuyên trao đổi, xin ý kiến các nhà chuyên môn, Cục Di sản Văn hóa, Sở VH, TT và DL Hà Nội để đi đến phương án thống nhất. Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện cũng gặp vướng mắc trong giải quyết cốt nền của đình. Vì phía sau đình là phố Hàng Gai, có nền cao hơn nền hậu cung của đình khoảng 1,6m, nên phải xử lý hệ thống chống thấm. Đơn vị thi công đã đổ tường bê tông, sau đó xây tường gạch để tránh phía sau thấm sang đình, giúp giữ công trình được lâu bền. Đặc biệt, tường của đình được xây bằng gạch bát cổ, nhưng đã bị xuống cấp. Trong quá trình trùng tu, đơn vị thi công đã giữ nguyên những bức tường ấy, xử lý chống lún, nứt, sau đó trát vữa để bảo vệ tường cổ. Cùng với đó, 3 bia đá gắn hai bên tường vẫn được giữ nguyên vẹn...

Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, sau khi trùng tu, đình Phả Trúc Lâm sẽ là nơi để những người thợ da giày hướng về nguồn cội, là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về phong tục tập quán của người Việt Nam, thu hút khách du lịch. Nhà nghiên cứu Giang Quân góp ý: ngoài việc thờ tự tổ nghề, ở đây nên tổ chức triển lãm giày, dép, các đồ da của Việt Nam sản xuất từ trước đến nay, để vừa phổ biến nghề da giày, vừa tôn vinh nghề truyền thống có từ lâu đời ở Hà Nội.

Theo: Đại biểu Nhân Dân  - Lê Thủy
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.521.555
Tổng truy cập: