LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Thợ gốm Biên Hoà Bàn tay tài hoa đã chai sạn vì… phụ hồ
(Ngày đăng: 28/09/2012   Lượt xem: 754)
SGTT.VN - Gốm mỹ nghệ Biên Hoà xuất hiện từ thế kỷ 17 và là một thương hiệu gốm lớn nổi danh châu Âu, châu Á từ thập niên 30 thế kỷ 20 bởi những cuộc trình diễn sống động bằng sản phẩm. Sau 300 năm hình thành và phát triển, làng nghề gốm Biên Hoà một thời rực rỡ này đang mai một từng ngày bởi sản xuất cầm chừng, nhân lực bỏ đi làm nghề khác mưu sinh…

Hình ảnh người sản xuất gốm mỹ nghệ Biên Hoà làm việc không ngơi tay để kịp các đơn hàng giờ
 đây chỉ là hoài niệm?

Và một trong những nguyên nhân góp phần đẩy nghề gốm vào cửa hẹp là những bất cập trong việc triển khai thực hiện dự án cứu nghề gốm truyền thống của UBND tỉnh Đồng Nai.

Bỏ nghề

Ông Trần Văn Phát, công nhân tại một lò gốm Biên Hoà trước đây phụ trách phần nặn tượng gốm, giờ đã chuyển nghề làm... phụ hồ. Ông Phát chia sẻ sở dĩ phải tạm bỏ cái nghề cha truyền con nối này bởi thu nhập từ gốm không đủ để ông nuôi gia đình: “Mười mấy năm trước gốm Biên Hoà còn thịnh thì có hàng trăm cơ sở gốm, nay chỉ còn lại khoảng 1/10. Người ta phải bỏ nghề hoặc bỏ Biên Hoà để qua Bình Dương làm gốm”.

Xoè bàn tay chai sạn, ông Phát cho biết tay người làm gốm khoẻ mạnh, có lực nhưng không chai sần vì nặn đất sét mềm. Còn nay, bàn tay nặn gốm tài hoa xưa đã chai sần vì phải trộn hồ, khuân gạch, trát tường để mưu sinh từng ngày. Và ông Phát không phải là người duy nhất bỏ nghề làm gốm. Ngay cả những cơ sở gốm mỹ thuật may mắn sở hữu kỳ nhân làng gốm mỹ thuật Biên Hoà như cơ sở Thành Châu (do kỳ nhân Nguyễn Thành Châu sáng lập) giờ cũng chỉ lay lắt với những hợp đồng thời vụ. Ông Nguyễn Thành Châu (đã mất, con là Nguyễn Thành Nhơn thay thế) chính là người làm nên thương hiệu đôn voi bằng gốm một thời huy hoàng...

Số liệu thống kê cho thấy năm 2000 Biên Hoà có hơn 300 cơ sở sản xuất gốm lớn nhỏ, xuất khẩu đạt 5 triệu USD/năm nhưng hiện nay chỉ còn lại 34 cơ sở và xuất khẩu giảm xuống dưới 1 triệu USD/năm. Mang tiếng là còn 34 cơ sở nhưng số ăn nên làm ra (tính theo mức thuế) chỉ đếm trên đầu ngón tay và quen thuộc như Thái Dương, Kim Long, Lưu Gia, Phong Sơn, Việt Thành...

Tổng thư ký hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, ông Vòng Khiềng nói: “Làm gốm không phải cứ cắp cặp đi học là được. Đây là nghề truyền thống có tính kế thừa cao và thường dạy nghề theo kiểu cha truyền con nối. Kinh tế quá khó khăn cũng là một lý do để người ta rời nghề, nhưng nó cũng có phần lỗi do quản lý nhà nước trong việc triển khai quá chậm việc xây dựng cụm ngành nghề gốm Tân Hạnh”.

Một dự án nhiều... bất cập

Nói là làng gốm mỹ nghệ Biên Hoà, song thực chất làng gốm chỉ là từ chung dùng để nói đến những cơ sở làm gốm nằm rải rác tại hai xã Bửu Hoà và Hoá An thuộc thành phố Biên Hoà. Chính quyền tỉnh Đồng Nai đã nhận thấy việc cần thiết phải có một khu quy hoạch tập trung các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ lại để tiện quản lý, hạn chế ô nhiễm và phát triển thương hiệu gốm nên đã xây dựng dự án chuyển làng gốm mỹ nghệ về xã Tân Hạnh, cũng thuộc thành phố Biên Hoà, từ cuối những năm 90 thế kỷ 20. Năm 2000 đã có đề án nhưng phải điều chỉnh vào năm 2008 và đến giờ mới xong cơ bản nhưng vẫn chưa bố trí được cơ sở gốm vào làng nghề mới. Chính sách trên giấy tờ khá đúng đắn song đến khi đi vào cuộc sống lại bộc lộ nhiều hạn chế đến mức đẩy các cơ sở gốm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Sợ có tội với tiền nhân

Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, giám đốc doanh nghiệp gốm Thái Dương, một trong vài doanh nghiệp hiếm hoi ăn nên làm ra còn sót lại của làng gốm mỹ nghệ Biên Hoà, nói: “Gốm mỹ nghệ Biên Hoà cần phải vừa bảo tồn, vừa đào tạo, vừa lưu trữ bảo tàng gốm và kết hợp du lịch thì mới phát triển bền vững. UBND tỉnh Đồng Nai mà đồng ý thì các cơ sở sẽ chung tay thực hiện ngay. Chúng tôi già hết rồi, chỉ còn chút tâm huyết này để cho mai sau chứ để nghề gốm mỹ nghệ truyền thống chết là có tội với tiền nhân...” Theo ông Nghĩa, hiện nay các đề xuất di dời làng gốm chỉ mang tính cơ học mà không kết hợp mô hình quản lý khoa học. “Chúng tôi không ghét bỏ những doanh nghiệp ngoài ngành gốm mỹ nghệ, nhưng nếu không chặt chẽ sẽ phá vỡ mô hình làng nghề”, ông Nghĩa nói.

Cụ thể là từ năm 2001 đến nay, không cơ sở gốm nào dám mở rộng, đẩy mạnh sản xuất vì nơm nớp lo sẽ bị di dời. “Xây một lò gốm cỡ nhỏ cũng mất 6 tỉ đồng trong khi lò gốm thì không có “chân” để chạy về điểm mới, bỏ thì mất tiền tỉ. Khi có đơn hàng lớn, chúng tôi thuê nơi khác sản xuất thì bị quản lý thị trường phạt vì lý do không được mở rộng sản xuất và không xin phép trong khi xin phép lại chẳng ai cho vì chờ dự án”, một chủ lò gốm xin giấu tên chua xót nói. Gặp tình cảnh trên, các cơ sở gốm đành bất lực nhìn nơi sản xuất của mình ngày càng xuống cấp, thợ gốm lần lượt ra đi. Các bạn hàng quen, dù hết sức ủng hộ, vẫn phải chạy sang Bình Dương để lấy hàng vì làng gốm Biên Hoà hiện nay chỉ cố cầm cự chứ không thể thực hiện các hợp đồng lớn được.

Chưa hết, thông báo về việc nộp tiền cơ sở hạ tầng đợt 1 ngày 4.5.2011 của phòng kinh tế thành phố Biên Hoà đối với các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ Biên Hoà càng khiến những người yêu gốm nản lòng. Thông báo cho 30 ngày để mỗi cơ sở phải nộp từ 0,6 – 7,5 tỉ đồng, một thời hạn quá ngắn cho một số tiền quá lớn trong cảnh các cơ sở sản xuất gốm đang... hấp hối.

Và đỉnh điểm của bức xúc chính là việc UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định đưa một số doanh nghiệp không liên quan gì đến gốm mỹ nghệ vào cụm làng nghề mới dự kiến tại Tân Hạnh, khiến người dân suy diễn rằng “thiên vị và tuỳ tiện”. Cụ thể là doanh nghiệp Giang Trí Thành vốn chuyên mặt hàng… tôn, thiếc; doanh nghiệp King Minh trước giờ chỉ sản xuất gạch men; Tâm Dũng Sơn hoạt động ở lĩnh vực thương mại là chủ yếu; doanh nghiệp Long Ngân từng làm gốm mộc (chỉ đổ khuôn gốm)... Đặc biệt, không hiểu vì lý do gì mà doanh nghiệp này lại được ưu ái hỗ trợ vượt trội hơn các cơ sở làm gốm mỹ nghệ lâu đời với mức cấp đất từ 5.000 – 50.000m2 (?)

Điều này, theo các chủ lò gốm, là vi phạm nghiêm trọng quy định về chính sách hỗ trợ di dời, bảo tồn và phát triển các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ truyền thống trên địa bàn thành phố Biên Hoà của chính UBND tỉnh Đồng Nai trong văn bản số 21/2012 ngày 19.3.2012.

Quy định ghi rõ “không bố trí các ngành nghề sản xuất khác vào cụm ngành nghề gốm Tân Hạnh” và chỉ áp dụng đối với các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ nằm trong địa bàn thành phố Biên Hoà”.

                                                                                                               Bài và ảnh: Mai Quốc Ấn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.499.734
Tổng truy cập: