LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Sức sống làng thêu Văn Lâm
(Ngày đăng: 05/05/2019   Lượt xem: 355)

Trong thời đại 4.0 thì những công việc đòi hỏi tính tỉ mẩn, cần mẫn của đôi tay có lẽ không còn nhiều bởi xu thế tự động hóa đang dần lấn lướt. Thế nhưng, ở làng nhỏ Văn Lâm nằm bên cạnh khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), nghề thêu rua ren, một nghề rất cần sự tài hoa, khéo léo của đôi tay, vẫn đang được các nghệ nhân nơi đây tận tâm lưu giữ và phát triển.

Sức sống làng thêu Văn Lâm

* Nghệ nhân thêu Chu Quý Tháp cùng vợ hoàn thành tác phẩm mới.

Tinh hoa nghề Việt

Còn nhớ trước đây, vào khoảng những năm 80, 90 của thế kỷ trước, hệ thống các làng nghề tiểu thủ công nghiệp luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở các vùng quê Việt Nam. Những công việc như thêu thùa, đan lát, may vá là những nghề mà nhiều phụ nữ muốn tìm hiểu và học hỏi. Vì thế, các trường nữ công tinh hoa lần lượt ra đời, thậm chí các trường phổ thông cơ sở cũng đưa những bộ môn này vào chương trình giảng dạy cho học sinh. Tuy nhiên, trải qua thăng trầm của thời gian cũng như biến động của kinh tế thị trường, những nghề đó dần mai một và chỉ còn được lưu giữ ở các làng nghề, thậm chí cũng không còn nở rộ và phát triển như trước. Làng thêu Văn Lâm, một trong những làng thêu truyền thống nổi tiếng, cũng không tránh được xu thế đó.

Theo những người già trong làng kể lại, vào đầu thế kỷ 20, có hai anh em họ Đinh ở làng là Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoan lên Hà Nội học nghề thêu rua ren của người Pháp về dạy cho dân làng ở đây. Với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân xứ này, nghề thêu rua ren Văn Lâm mau chóng phát đạt và trở thành một trong những làng nghề làm rua ren đẹp nhất cả nước, đồng thời cũng là một trong những nơi hội tụ tinh hoa của nghề thêu ren ở Việt Nam.

Vào một ngày đầu hè, hỏi thăm nhiều người quanh khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, tôi tìm đến được nhà của nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Chu Quý Tháp, một trong những nghệ nhân thêu rua ren có tiếng của làng Văn Lâm. Ông Tháp từng thêu bức tranh Về nguồn để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bức tranh có chiều dài tới 4 m này hiện được ông treo trang trọng trên bức tường chính ở phòng khách. Ông Tháp cho hay, để thêu bức tranh, ông đã dành cả năm trời để lên ý tưởng, thuê họa sĩ thiết kế rồi mới tiến hành thêu. Đó là chưa kể ông còn thuê thêm bốn thợ để thêu những phần phụ của bức tranh, trong khi những phần chính do mình ông đảm nhiệm, từ chọn mầu chỉ, phối mầu sao cho bức tranh sống động, có hồn.

Ông Tháp nay đã 57 tuổi, biết thêu từ khi còn nhỏ và kế thừa nghề nghiệp của cha ông. Và ông cũng chính là người dẫn dắt, truyền nghề cho biết bao người làm thêu cả trong và ngoài làng Văn Lâm này. Ông Tháp tâm sự, để thêu được phải học bài bản tới sáu tháng. Học từ cách căng, kéo vải vào khung dài, khung tròn sao cho phẳng, không co rúm, rồi mới học tới các kiểu thêu như đâm xô, bó hạt, nối đầu… cho đến học các đường nét thêu tinh xảo, uyển chuyển, mềm mại, thanh tú, nhưng lại sống động, mịn màng như nét vẽ. Phải nói rằng, người Văn Lâm cũng rất cầu kỳ trong cách chọn nguyên liệu thêu. Muốn thêu được sản phẩm đẹp, ngoài chọn loại vải phù hợp với sản phẩm cần thêu, việc lựa chỉ thêu cũng rất quan trọng. Thị trường chỉ hiện nay vàng thau lẫn lộn, chỉ nhập khẩu rất nhiều, mầu sắc bắt mắt, nhưng người làm thêu không thể sử dụng loại chỉ này mà phải chọn đúng chỉ Việt Nam mới bền mầu và bảo đảm đúng mầu sắc của tranh thêu. Từ những sợi chỉ mảnh mai, cùng những miếng vải rộng, hẹp đa dạng; với đôi bàn tay khéo léo, cùng lòng kiên nhẫn, người thêu làng Văn Lâm đã tạo nên những tác phẩm tinh xảo đạt đến tầm nghệ thuật. Từng đường kim mũi chỉ đi đến đâu là thổi hồn vào sản phẩm đến đó. Những bức thêu bốn mùa: Tùng, trúc, cúc, mai nhìn chẳng khác nào tranh vẽ tay hay những bức long, phụng chầu nguyệt uyển chuyển, mềm mại. Những bức hổ, rồng, chim công, phong cảnh làng quê cũng sống động, mịn màng.

Nếu như thêu mầu cầu kỳ từng đường chỉ và cách châm mầu, phối mầu, thì thêu rua ren lại phức tạp với hàng trăm kiểu thêu dù thêu chỉ trắng là chủ yếu. Nghệ nhân Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Thêu Minh Trang (gần bến đò Tam Cốc) cho biết, bà đã ứng dụng nghệ thuật thêu này vào hầu hết các sản phẩm thời trang, quà tặng cũng như trang trí trong xưởng, từ những sản phẩm nhỏ như: Khăn lót ly, túi đựng tiền xu, ví, khăn tay, khăn trải bàn lớn nhỏ, tới những sản phẩm sử dụng thường ngày như: Trang phục, rèm cửa, chăn ga gối… Nhìn mỗi sản phẩm là thấy được nét tinh hoa, sự tinh tế của người làm nghề. Những chiếc lót ly chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay nhưng được thêu rua ren kết hoa thật sự tinh xảo. Người thợ thêu phải tốn nhiều giờ tỉ mỉ, đếm từng sợi vải, xuyên từng lỗ kim đều tăm tắp để kết nên những hình hoa thẩm mĩ đến vậy. Hay như tấm rèm cửa sổ trắng muốt, lung lay trước gió với những đường thêu ren theo hình chữ hỷ ở giữa, kết hợp với đường thêu hoa lá mang hơi hướng hiện đại chung quanh và bốn góc của tấm rèm tạo nên một nét độc đáo, khác lạ mà sang trọng, nhẹ nhàng, tinh tế khó mà rời mắt.

Quyết tâm giữ nghề

Có thể nói với sự sáng tạo, thừa kế nghề di sản của cha ông, những người thợ làng Văn Lâm đã làm ra những sản phẩm thêu ren mang vẻ đẹp độc đáo, được khách hàng trong nước và ngoài nước ưa chuộng. Sản phẩm thêu của làng Văn Lâm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, thậm chí đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như Pháp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a... Bà Yến cho biết, 90% số sản phẩm trong xưởng làm ra để xuất khẩu theo các đơn đặt hàng, còn lại là phục vụ khách du lịch, tỷ lệ tiêu thụ trong nước rất nhỏ. Được biết, doanh thu của công ty năm 2017 là 14 tỷ đồng, năm 2018 là hơn 9 tỷ đồng. Thế nhưng, một nghịch lý là dù công việc không thiếu và Công ty Thêu Minh Trang đang có hơn 40 công nhân, họ vẫn thường đối mặt với tình trạng thiếu thợ.

Không khó để trả lời câu hỏi này bởi trong khi ngành du lịch tỉnh Ninh Bình đang phát triển mạnh nhờ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, kéo theo việc người dân nơi đây bỏ nghề thêu truyền thống chuyển sang làm du lịch. Những thợ thêu trung niên thì chuyển sang chèo đò ở bến Tam Cốc, những người thợ trẻ tuổi lại chuyển sang làm hướng dẫn viên hay bán các mặt hàng phục vụ du lịch… Hoặc như một số thợ thêu chuyển sang làm công nhân ở các khu công nghiệp hay làm văn phòng ở những doanh nghiệp. Bà Yến cho biết thêm, mặc dù công ty luôn xem xét, cân nhắc mặt bằng lương thưởng của người lao động trong tỉnh để chi trả hợp lý cho thợ thêu nhưng ngay cả khi bảo đảm đầy đủ phúc lợi cho người làm nghề, nỗi lo thiếu thợ vẫn thường trực. Để gìn giữ nghề thêu, bà Yến khuyến khích cả những người biết nghề thêu trong làng làm thêm, ngoài công việc hằng ngày của họ, và luôn đưa ra mức tiền công thỏa đáng để níu chân thợ thêu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Nghệ nhân Chu Quý Tháp cho biết thêm, những nghệ nhân làm thêu ở Văn Lâm hiện đã thuộc diện “tuổi cao sức yếu” và thế hệ con cháu thì rất ít người còn mặn mà với nghề. Ngay trong nhà ông, chỉ có ông và vợ làm thêu. Với ông, thêu là nghiệp, là đam mê và cũng là nghề mang lại thu nhập chính của gia đình. Vì thế, hằng ngày ông vẫn thêu, vẫn sáng tạo và một lòng một dạ với nghề thêu mà không rõ liệu sau này, Văn Lâm có còn nghệ nhân nam nào như ông hay không.

Khác với ông Tháp, để gìn giữ nghề thêu, bà Yến đã lựa chọn giải pháp kết hợp hài hòa giữa thêu và du lịch để thúc đẩy làng nghề phát triển một cách bền vững. Công ty Thêu Minh Trang nằm ngay trên con đường dẫn vào khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, với quy mô khá lớn. Bà Yến đã phân chia xưởng thêu thành nhiều khu vực với những tiêu chí khác nhau: Tầng một có khu thời trang thêu, khu chăn ga gối rèm thêu, khu bày bán các sản phẩm nhỏ xinh để phục vụ khách du lịch. Ấn tượng và độc đáo hơn cả là nơi làm ra các sản phẩm thêu trên tầng hai. Tại đây, khách du lịch có thể tận mắt chứng kiến những công đoạn làm ra các sản phẩm thêu tinh tế và độc đáo. Bên cạnh đó, bà Yến rất quan tâm những hội chợ triển lãm các sản phẩm thủ công truyền thống ở trong nước và nước ngoài nhằm mở rộng đầu ra và quảng bá cho sản phẩm của mình.

Với những nỗ lực của những nghệ nhân như bà Yến, ông Tháp, mong rằng nghề thêu ở làng Văn Lâm vẫn sẽ được giữ gìn và phát triển bền vững, kết hợp hài hòa với du lịch, vốn đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Ninh Bình. Nếu có được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc kết hợp, phát triển thêm mô hình du lịch - làng nghề thì nhiều gia đình trong làng vẫn có thể sống bằng nghề thêu truyền thống và tiếp tục có cơ hội thả hồn sáng tạo vào từng đường kim mũi chỉ, tạo nên những sản phẩm thêu độc đáo mang cả hình ảnh con người, non nước vùng quê Ninh Bình.

* Một bức tranh thêu của nghệ nhân Chu Quý Tháp.

                                                              Theo: nhandan.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.471.839
Tổng truy cập: