LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
10 thương hiệu danh bất hư truyền của miền Tây
(Ngày đăng: 04/10/2018   Lượt xem: 526)
 
Miền Tây vốn nổi tiếng với những món đặc sản từ thức ăn cho đến thiên nhiên, con người. Có những thứ đã trở thành thương hiệu mà khi nhắc đến, ai cũng biết xuất xứ từ đâu. Cùng điểm mặt 10 thương hiệu danh bất hư truyền của xứ sở phù sa.

1. Mắm Châu Đốc

Vùng đất An Giang luôn là điểm dừng chân lý tưởng cho khách thập phương. Không chỉ nổi tiếng bởi di tích lịch sử, những câu chuyện huyền thoại hay cảnh đẹp mà nơi đây còn nổi tiếng với ẩm thực. Đặc biệt là món mắm ở Châu Đốc.

                                 Những hàng mắm được bày bán khắp chợ Châu Đốc (Ảnh: Lê Xinh)

Châu Đốc là vùng đất gần biên giới, sản lượng cá tôm dồi dào nhất là vào mùa lũ nên món mắm từ đó mà ra đời. Ở Châu Đốc có đến hơn trăm hộ gia đình làm mắm, các thương hiệu nổi tiếng như Mắm Bà Giáo Khỏe, Mắm Bà Giáo Thảo, Mắm Cô Giáo Thanh,… hầu như khắp các khu chợ, nơi nào cũng có mắm. Mắm trở thành đặc sản nức tiếng của Châu Đốc bởi hương vị thơm ngon, điều đó khiến ai cũng phải nấn ná mua vài ký đem về làm quà cho gia đình.

2. Kẹo dừa Bến Tre

“Bến Tre – xứ dừa” là câu cửa miệng của rất nhiều người khi nhắc về vùng đất này. Với tài nguyên sẵn có là cây dừa, người dân Bến Tre đã tận dụng của quý trời ban để chế biến thành nhiều thứ từ thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho đến đồ mỹ nghệ, và nhất là phải kể đến kẹo dừa.

                                               Những mặt hàng làm từ kẹo dừa (Ảnh: Trâm Trương)

Kẹo dừa được sản xuất với những nguyên liệu chính là nước cốt dừa, mạch nha và đường. Người thợ phải chọn loại dừa khô và không còn nước bên trong, cái dừa (cơm dừa) béo thì mới cho ra kẹo dừa ngon. Phần mạch nha và đường để tạo nên độ ngọt cho kẹo. Màu kẹo dừa được chiết xuất từ nước lá dứa, ngày nay nhiều cơ sở còn sử dụng nước socola, dâu,… cho thêm phong phú. Nhờ sự thanh ngọt không gắt nên nhiều khách thập phương đã chọn kẹo dừa là món quà để tặng người thân, gia đình.

3. Rượu đế Gò Đen

Dân nhậu có câu: “Ăn nem Thủ Đức, uống rượu Bến Lức, Gò Đen”. Vùng đất Long An nổi tiếng với món rượu đế trứ danh mà du khách khó lòng cưỡng lại. Rượu được nấu từ gạo, nếp (nếp mỡ, nếp than) và có nồng độ rất cao (50o). Để tạo ra rượu đế chính hiệu, hương vị đậm đà thì phải nấu tại Gò Đen.

Rượu Gò Đen ngon bởi cái lòng và sự tâm huyết của người nấu dồn vào từng hạt nếp, từng vò nước, cục men. Thậm chí họ còn phải thức đêm để canh lửa, thêm than… Chính vì sự cẩn trọng, tỉ mỉ mà rượu Gò Đen đã trở thành thương hiệu danh bất hư truyền của Long An nói riêng và miền Tây nói chung.

4. Gạo Nàng Thơm Chợ Đào

Đồng Bằng Sông Cửu Long vốn nổi tiếng là “vựa gạo” lớn nhất cả nước bởi đã cho ra đời nhiều giống lúa. Trong đó, gạo Nàng Thơm Chợ Đào là “đứa con cưng” của vùng đất phù sa màu mỡ này.

Dân ta thường nói: “gạo Cần Đước, nước Đồng Nai” ý cho rằng từng địa phương sẽ có đặc sản riêng. Gạo Cần Đước không gì khác chính là gạo nàng Thơm (xuất xứ từ Chợ Đào, một khu chợ nhỏ thuộc huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Lúa Nàng Thơm cho ra hạt gạo trắng thơm, mềm, dẻo, ngọt và phải được trồng trong khu vực Cần Đước thì mới đạt được chất lượng tốt. Khi chà trắng gạo, bên trong có hột lựu màu màu hồng hồng, khi cầm trên tay rất mịn. Gạo có hương vị thơm đặc trưng nên mới có tên gọi Nàng Thơm. Ngày nay, Nàng Thơm đã được sản xuất và tiêu thụ ở khắp mọi miền.

5. Lụa Tân Châu

Xuôi về An Giang, bên cạnh ẩm thực và du lịch, người dân còn nhắc đến một sản phẩm nổi tiếng đến từ con tằm, đó chính là Lụa Tân Châu. Thị xã Tân Châu nổi tiếng với nghề dệt lụa đã tạo nên thương hiệu Lụa Lãnh Mỹ A nổi tiếng cả nước những năm trước 60, 70.

                                              Phơi lụa Tân Châu dưới nắng (Ảnh: Lang thang An Giang)

Giá trị của lụa Tân Châu  không chỉ nằm ở chất lượng mà còn ở sự công phu của thợ nghề. Đặc biệt phải nói đến kỹ thuật nhuộm lụa độc đáo. Người Tân Châu dùng trái mặc nưa (xuất xứ Campuchia) để làm màu nhuộm nên dải lụa có màu đen tuyền đặc trưng. Lụa có tính mềm, dai nên độ bền cao, lại được dệt từ tơ tằm nguyên chất nên giá thành rất đắt. Đến nay, dù có nhiều loại lụa khác giá thành rẻ và đa dạng mẫu mã, nhưng lụa Tân Châu vẫn giữ được vị trí và thương hiệu ở miền Tây Nam Bộ.

6.  Hoa Sa Đéc

Đồng Tháp là vùng đất của cây lành, trái ngọt, không những thế, đó còn là nơi xuất xứ của những khóm hoa xinh đẹp. Về với làng hoa Sa Đéc, du khách không khỏi choáng ngợp trước vũ điệu sắc màu của các loài hoa.

Nơi tập trung nhiều hoa nhất là phường Tân Qui Đông, có khoảng hơn 1200 hộ dân sống bằng nghề trồng hoa. Nhờ vào khí hậu và đất đai màu mỡ, các giống hoa được ươm mầm dễ dàng và cho ra màu sắc đặc biệt. Nơi đây không chỉ có những loài hoa dịp Tết như: hoa hồng, cúc, vạn thọ, cát tường,… mà còn có hoa trưng bày trong công viên như: mào gà, phú quý, kim phát tài, mười giờ, dạ yến thảo… Hoa Sa Đéc mọi năm đều cháy hàng do màu sắc phong phú, không bị úng bởi được trồng trong bội đan bằng tre (dễ thoát nước). Đây cũng là một thương hiệu danh bất hư truyền làm nên sự xinh đẹp của miền Tây Nam Bộ.

7.  Bánh pía Vũng Thơm

Những ngày trời mưa se lạnh, một trong những món ăn được ưa chuộng nhất đối với người Nam Bộ là bánh pía. Ăn bánh và nhâm nhi ly trà nóng là điều khoái khẩu mà ai cũng thích thú khi ghé lại vùng đồng bằng phù sa.

Bánh pía Vũng Thơm được sản xuất tại Vũng Thơm thuộc huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. Bánh có lớp vỏ ngoài mềm, giòn tan bao phủ lớp nhân thanh ngọt, thơm dẻo bên trong. Pía trong tiếng Hoa nghĩa là nướng, về nguồn gốc của loại bánh này được kể lại rằng, ngỳ xưa người Hoa sang phương Nam lánh nạn nhà Thanh đã mang theo bánh này. Họ dùng nó làm lương thực đi đường, khi đã định cư tại đất Việt, có người nảy ra ý định kinh doanh. Dần dần bánh Pía được sản xuất sao cho phù hợp với khẩu vị dân ta. Bánh pía Vũng Thơm đã làm nên thương hiệu cho vùng Sóc Trăng bởi độ ngon, giòn, không quá béo cũng như quá ngọt. Bánh được dùng làm quà cho khách thập phương khi trở về nhà.

8. Trống Bình An

Từ xưa đến nay, trống là vật mang nhiều công dụng và có tính thiêng. Trống dùng trong chiến đấu, trong lễ hội, trong đình, chùa… Khi đến Long An, người dân hay nhắc về làng trống Bình An – nơi sản sinh ra nhiều loại trống nức tiếng miền Tây.

Trống Bình An được chế tác ở xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, Long An. Trống có phần thân (tang trống) làm từ gỗ mít phơi khô, được cắt ghép, xử lý sao cho thật kỹ lưỡng. Người nghệ nhân phải vận dụng sự khéo léo, bỏ sức lực và thời gian để kiểm tra mối mọt, uốn ép, cân đo… Phần mặt trống phải được lấy từ da của con trâu mới làm thịt, đem căng và phơi khô. Phần tang và mặt trống phải vừa khớp và đóng chặt lại để cho ra tiếng trống trầm bổng, đúng như ý muốn của nghệ nhân. Nhờ vào sự độc đáo và cho ra âm sắc phù hợp với từng loại, trống Bình An nổi danh không chỉ trong nước mà còn được sản xuất ở Úc, Mỹ, Campuchia…

9.  Gốm đỏ Vĩnh Long

Vĩnh Long là vùng đất của đất sét và phèn, đó được xem là nguồn tài nguyên dồi dào của xứ phù sa. Người dân Vĩnh Long đã biết tận dụng nó để nung đúc tạo thành loại gốm đỏ trứ danh miền tây.

Gốm đỏ là sản phẩm truyền thống của Vĩnh Long (Ảnh: CLB Gốm đỏ Vĩnh Long)

Nguyên liệu để tạo nên gốm đỏ chủ yếu là đất sét. Sở dĩ gốm có màu đỏ là vì nguyên liệu để đốt lò nung là trấu. Sau này ở Bình Dương, Biên Hòa cũng sản xuất gốm nhưng chỉ với Vĩnh Long mới có loại gốm đỏ đặc biệt này (do nguyên liệu là đất sét trên dòng Cửu Long).

Khi bước vào những ngôi chùa miền Tây, khách thập phương sẽ dễ dàng nhận ra mái ngói được lợp bằng gốm Vĩnh Long dựa vào màu đỏ đặc trưng. Nhờ vào sự nổi tiếng của gốm đỏ mà Vĩnh Long đã sản xuất hơn hàng nghìn sản phẩm từ đồ mỹ nghệ cho đến gạch, ngói. Thương hiệu này còn nổi danh ở nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là Đài Loan, HongKong.

10.  Tủ thờ Gò Công

Tủ thờ là một trong những vật linh thiêng để tưởng nhớ tổ tiên trong dòng tộc. Đến với Tiền Giang, không thể không ghé thăm làng nghề Tủ thờ Gò Công tại mảnh đất phượng múa rồng bay này.

                                  Tủ thờ Gò Công là thương hiệu đặc trưng của Tiền Giang (Ảnh: Tủ thờ Gò Công)

Tủ thờ Gò Công xuất xứ từ xã Tân Trung, thị xã Gò Công, Tiền Giang. Tủ được thiết kế với dáng vẻ trang trọng, nguyên liệu truyền thống là gỗ xà cừ.

Điều đặc biệt làm nên tủ thờ Gò Công là phần trụ vững vàng ở phía trước và bốn góc của tủ thờ. Ban đầu chỉ có bốn trụ nhưng qua năm tháng, số lượng trụ tăng lên nhiều hơn. Phần hoa văn trang trí lấy từ các biểu tượng như “Tùng, cúc, trúc, mai”,… Ngày nay, có nhiều cơ sở dùng nhiều loại gỗ để chế tác tủ thờ nhưng chỉ riêng ở Gò Công, thợ mộc cho rằng chỉ có gỗ xà cừ  bình dị mới tạo nên cái thiêng cho chiếc tủ.

Nhờ vậy, thương hiệu tủ thờ Gò Công vang danh cả nước không chỉ bởi sự khéo léo của người thợ, sự đẹp đẽ của hoa văn mà còn là cái hồn, cái trang nghiêm của gỗ, của những gì mà người Gò Công tin tưởng.
                                                                                       Theo: khoeplus.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.458.760
Tổng truy cập: