LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
“Em ở Hải Hồ bán chiếu gon”...
(Ngày đăng: 27/08/2018   Lượt xem: 469)
Làng Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình nằm dọc con sông Luộc, đối diện với bờ bên kia là đất Hưng Yên.

Một thời làng đổi gọi thành Hải Hồ. Sau này mới có tên Triều Hải. Nhưng dân ở đây vẫn quen tên kẻ Hới bởi cả làng dệt chiếu. Từ cổ xưa, làng đã gắn với tục ngữ dân gian: “Ăn cơm Hom. Nằm giường Hòm. Đắp chiếu Hới”, nghĩa là chiếu làng Hới êm và mát.

Tác giả bên tượng Đức bà Nguyễn Thị Lộ.

                                    Tác giả bên tượng Đức bà Nguyễn Thị Lộ.

Đền thờ ông “Trạng chiếu”

Nghề dệt chiếu hiện phát triển ở khắp cả nước nhưng chỉ có kẻ Hới mới thờ ông “Trạng chiếu” - ông tổ nghề dệt chiếu của cả nước ta. Đó là quan Thượng Thư thời Lê, Tam nguyên Phạm Đôn Lễ (1457-1531), quê ở làng Hới. Đồng thời, ông là người đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam đỗ đầu cả ba kỳ thi, khoa Tân Mùi (1481). Chuyện kể, trong khi đi sứ sang nhà Minh, ông đã học được kỹ thuật dệt chiếu của vùng Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc. Thấy dân làng mình dệt chiếu theo truyền thống quá vất vả nên ông đã cho mua bàn dệt chiếu nằm, có ngựa đỡ sợi mang về. Ông còn tự mầy mò nghiên cứu, vận hành thành thạo rồi phổ biến cho mọi người. Sợi đay được căng trên ngựa đỡ, thuận lợi cho việc trao cói, đẩy nhanh tốc độ dệt. Chiếu làng Hới đẹp và dầy, được mang đi bán khắp nơi. Kỹ thuật dệt chiếu mới được phổ cập từ đó, cách đây hơn 500 năm. Sau khi ông mất đi, dân làng xin triều đình lập đền thờ và tôn vinh ông là Trạng chiếu.

Cho dù đến nay, kỹ thuật dệt chiếu tự động bằng máy được phổ cập rộng rãi nhưng hầu như các khâu hoàn chỉnh vẫn phải làm thủ công. Từ công việc kết biên, in hoa và hấp hoặc phơi nắng đều phải do bàn tay người thợ làm việc cần mẫn ngày đêm. Đặc biệt, khâu vắt mép chiếu (đường biên) vẫn phải do con người gia công. Các cụ ngày xưa đã dạy: “Chọn chiếu xem biên, người hiền xem mặt” là vì thế. Riêng chiếu Đậu của làng Hới phải dùng tới 8 năm mới có thể lỏng biên. Hơn thế nữa, chiếu làng Hới có nhiều loại dệt theo yêu cầu của khách như: Chiếu trắng, chiếu Đậu, chiếu Hoa, chiếu Lễ, chiếu Cỗ, chiếu Cưới. Nay chợ Hới (bên sông Luộc) vẫn là nơi thu hút khách hàng khắp nơi về tìm mua chiếu.

Đặc biệt, vào ngày lễ đầu năm (mùng Sáu tháng Giêng) - ngày sinh của quan Trạng chiếu, làng Hới còn tổ chức hội thi dệt chiếu bằng tay. Hội thi luôn nhắc nhở cho con em trong làng cần giữ lấy nghề và làm giàu cho quê hương bằng những lá chiếu được dệt từ 500 năm qua. Nay cả xã Tân Lễ đều làm chiếu cói như làng Hới. Theo nghệ nhân Mai Sơn, người đầu tiên nhập máy dệt trong làng cho biết, hiện cả xã có tới 90% số hộ làm chiếu. Ông còn nói, cho dù trong làng đã có hộ làm chiếu ni-lông hoặc chợ còn bày bán các loại chiếu bằng chất liệu chiếu khác nhưng chiếu Đậu làng Hới vẫn được người mua lựa chọn nhiều nhất. Người nghệ nhân này còn vui vẻ tâm sự. Ngoài chiếu đẹp, những cô gái dệt chiếu và bán chiếu ở làng cũng đẹp nức tiếng thiên hạ, đến nay, mọi người vẫn truyền tụng: “Rượu Me - chè Thái - gái Hải Triều”. Nói rồi, ông chỉ đường cho tôi tới đền thờ “Nàng bán chiếu gon” thuở nào đẹp nức thành Thăng Long với số phận bi kịch trong vụ án “Lệ Chi Viên”.

 
 

Máy dệt chiếu ở làng Hới.

                               Máy dệt chiếu ở làng Hới.

Oan khuất ngàn thu

Tôi thật không ngờ mình lại về đúng quê làng Hới (Hải Hồ) nơi người nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ được sinh ra (năm 1400). Theo như truyền thuyết của các cụ kể lại, trước đó, nữ sĩ có tên cúng cơm là Nguyễn Thị Gấm, xinh đẹp nhất làng. Khi lớn lên, Gấm được cha - một cử nhân kiêm thầy thuốc dạy học khá sớm. Nên ở độ tuổi trăng rằm mà cô Gấm xinh đẹp đã thông thạo Tứ Thư, Ngũ kinh, Nho, Y, Lý, Số. Nhưng rồi ông đột ngột qua đời. Gấm đã cùng mẹ lo dệt chiếu kiếm ăn, nuôi dạy các em nhỏ. Chiếu làng Hới có tiếng vang xa lên tận thành Thăng Long. Mọi người chở thuyền theo sông Luộc, sông Hồng ngược lên Hà thành bán chiếu. Cũng từ đó, cô Gấm đã theo người làng lên thành đô. Do bản tính thông minh, cô Gấm sớm nắm bắt thông thạo đường đi lối lại và lại còn nắm vững thời tiết theo mùa nên thường được bà con tin cậy hỏi han. Họ bèn gọi tên cô là Lộ và để cô dẫn đường. Hơn nữa, việc đổi tên còn lý do: vào thời kỳ này, giặc Minh đang đô hộ nước ta, lắm nhiễu nhương tai họa ập đến. Trong gia tộc lúc đó có không ít người bị tàn sát. Cô Gấm vì hay đi lại từ Hải Hồ lên Thăng Long, còn giúp một người cậu ở vùng Hồ Tây bán chiếu nên cần phải đổi tên. Cái tên Nguyễn Thị Lộ ra đời từ đó.

Vậy nên khi gặp Nguyễn Trãi ở kinh thành, những câu thơ đối đáp giữa hai người, Nguyễn Thị Lộ mới chừng tuổi 16. Sau có một số dị bản đối đáp hơi khác nhau về danh xưng và tên địa phương và tuổi tác. Nhưng khi về đây, các cụ đã ghi lại chính xác rằng “Nàng ở đâu đi bán chiếu gon. Phải chăng chiếu bán hết hay còn. Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi. Đã có chồng chưa, được mấy con?”. Đó là lời “ghẹo” của Nguyễn Trãi, còn Nguyễn Thị Lộ đáp: “Thiếp ở Hải Hồ (có bản ghi Tây Hồ) bán chiếu gon. Hỏi chi chiếu bán hết hay còn. Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ. Chồng còn chưa có, hỏi chi con”. Thấy cô gái bán chiếu có tài, có sắc đẹp rạng rỡ ở tuổi trăng tròn, Nguyễn Trãi xin cưới về làm vợ lẽ. Một cuộc sống hạnh phúc với người đẹp làng Hới từ đó, cho dù lúc này Nguyễn Trãi đang bị giặc Minh giam lỏng ở thành Đông Quan (Thăng Long). Ông dạy học tại làng Khuyến Lương (Thanh Trì) bên sông Hồng cách thành Đông Quan không bao xa. Với tài trí thông minh, Nguyễn Thị Lộ đã cùng chồng sống ẩn dật, nuôi ý chí chống giặc Minh đô hộ nước ta. Một thời gian sau, hai người trốn vào Thanh Hóa, giúp Lê Lợi khởi nghĩa, xưng vương (năm 1418). Trải qua 10 năm nếm mật nằm gai, cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của Lê Lợi đã thắng lợi và đánh đuổi được quân Minh ra khỏi nước ta (1428). Vào thời điểm này, Nguyễn Trãi đã thảo chiếu “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi được phong tước, Quan phục hầu và nhậm chức Nhập nội hành khiển (Lại bộ thượng thư kiêm Quản côn khu mật viện).

Cũng trong thời gian này, bà Nguyễn Thị Lộ vẫn sát cánh cùng chồng hoạt động và là chỗ dựa tinh thần trong mọi công việc. Ngay cả khi Nguyễn Trãi không được Lê Lợi tin dùng vì lời xúi giục của các tham quan, bà càng trở nên quan trọng trong đời sống dân dã, ẩn dật tại Côn Sơn của chồng. Hai người tuy không có con với nhau, nhưng lại là bạn tri kỷ vượt qua bao gian truân. Họ cùng đàm đạo văn thơ, dạy học và sống một cuộc đời viên mãn, tránh xa những bả vinh hoa. Nhưng chỉ mấy năm sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Thông nghe lời cha dặn phải dùng lại Nguyễn Trãi vì ông bị nghi oan. Lúc này, Nguyễn Thị Lộ lại tiếp tục cùng chồng gánh vác việc giang sơn. Bà được vua yêu quý và trọng dụng vì tài sắc và đức độ. Nguyễn Thị Lộ được phong làm Lễ nghi Học sĩ. Chính sự trở lại triều đình lần thứ hai này của vợ chồng Nguyễn Trãi là khởi nguồn dẫn đến vụ án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm 1442. Khi ấy, vua Lê Thái Tông đột ngột chết trong đêm. Bên cạnh có Nguyễn Thị Lộ tháp tùng. Đó là thảm án gây chấn động đất nước khi vợ chồng Nguyễn Trãi bị tru di cả họ.

In mẫu chiếu hoa.

                                          In mẫu chiếu hoa.

Những nỗi niềm còn đó

Phải mãi tới 22 năm sau, vụ án Lệ Chi Viên mới được vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan (1464), khẳng định Nguyễn Trãi vô tội. Nhưng với Nguyễn Thị Lộ thì không. Một khoảng trống “Nghìn thu khó rửa xong trường hận” (thơ Trần Lê Văn). Nhưng nhân dân làng Hới (Hải Triều) đã lập đền thờ Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại nơi bà đã sinh ra. Họ đã minh oan cho Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Thần dân đã tôn bà lên Đức Thánh mẫu vì tài đức, công ơn của bà đã cùng chồng lập nghiệp, chống giặc ngoại xâm đất nước ta. Khi tới đây, tôi mới biết xã Tân Lễ đã thành lập “Câu lạc bộ Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ” với mục đích khuyến học, khuyến tài. Năm 2009, dân làng cho đúc tượng đồng chân dung bà để thờ tự. Cũng từ đây, nhiều câu lạc bộ đã ra đời ở một số tỉnh và thành phố trong cả nước. Chung quanh đền thờ Đức Thánh Mẫu Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, rất nhiều câu đối, thơ ca được ghi dấu lại để tưởng nhớ bà. Những câu thơ của dân làng viết: “Ngày đi mấy lá chiếu gon. Đường về một gánh nước non bời bời. Người đi để lại bồi hồi. Cùng Sao Khuê sáng trọn đời núi sông”. Tôi bần thần đứng bên hồ sen trước bức tượng Đức bà. Hương hoa ngát thơm và hồn người còn quanh quất đâu đây...
                                                                                            Theo: suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

28
Đang xem:
72.472.063
Tổng truy cập: