LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nón làng Chuông: Hơn 3 thế kỷ nhìn lại
(Ngày đăng: 17/04/2018   Lượt xem: 379)
Nằm nép mình bên dòng sông Đáy, làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) bao đời nay nổi tiếng với nghề làm nón. Hơn ba thế kỷ trôi qua cùng với sự vận động của cơ chế thị trường và cơn lốc đô thị hóa, nón làng Chuông cũng đã có những thăng trầm nhất định.

Nón làng Chuông hơn 300 năm qua nổi tiếng khắp Kinh Bắc về độ bền, đẹp, thanh thoát. Nhưng có ai biết rằng để tạo được một chiếc nón hoàn thiện, người làm nón đã phải trải qua nhiều công đoạn đầy gian nan, đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Theo các nghệ nhân, mỗi chiếc nón phải trải qua 10 công đoạn: vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi và nứt cạp. Khác với nón Huế chỉ lợp bằng hai lớp lá, nón làng Chuông còn có thêm một lớp mo ở giữa nhằm tạo sự cân đối và chắc chắn.

“Bàn tay xây lá, tay xuyên nón

Mười sáu vành, mười sáu trăng lên”

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã dùng những lời hay ý đẹp để miêu tả về công việc của người làm nón. Họ thực sự là người nghệ sỹ tài hoa, chế tác sản phẩm trên chính đôi tay của mình. Để làm được một chiếc nón thanh thoát và mềm mại, đòi hỏi không chỉ sự khéo léo, tỉ mẫn mà còn có cả sự nhiệt thành, bầu tâm huyết với chính “đứa con tinh thần”, với huyết mạch của ngọn lửa nghề truyền thống từ cha ông.

Chị Lưu Thị Thảo với 32 năm kinh nghiệm làm nón

Lên 6 tuổi bập bẹ làm nón, đến nay đã có 32 năm kinh nghiệm trong nghề, chị Lưu Thị Thảo cho hay: “Nón được làm bằng thủ công là chính, phải thắt từng mũi, chả có công đoạn nào làm được bằng máy chỉ trừ vò lá. Mỗi ngày ngồi từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối may ra mới làm được hai chiếc nón hoàn thiện”.

Bác Phạm Thị Mỳ (65 tuổi) bắt đầu làm nón từ thời cắp sách đến trường

Theo người dân, nón làng Chuông được tạo từ một công thức giống nhau, nhưng kỹ thuật qua tay mỗi người mỗi khác. “Có người làm được chiếc nón bán với giá 150 nghìn nhưng cũng có người chỉ bán được mấy chục, điều đó phụ thuộc vào đôi mắt sáng và đôi bàn tay khéo léo”-bác Phạm Thị Mỳ (65 tuổi) chia sẻ.

Có thể nói, qua thời gian, nón làng Chuông vẫn tạo được danh thơm muôn thở nhờ cái tâm sáng của các nghệ nhân dành cho nghề truyền thống của cha ông. 6 phiên chợ một tháng vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch, 72 phiên chợ một năm như là lời khẳng định mạnh mẽ cho sự trù phú và nhộn nhịp của làng nghề làm nón bao đời.

 

Chợ nón làng Chuông họp từ rất sớm, 6 giờ sáng đã tất nập kẻ bán người mua. Từ khắp chợ, tiếng ồn ào, náo nhiệt, rôm rả như phá vỡ không gian yên tĩnh thường ngày của làng quê đồng bằng Bắc bộ. Dưới sân đình, những chiếc nón trắng được xếp chồng lên nhau đẹp mắt đủ kích cỡ, lần lượt trao tay từng nhà buôn, rồi chở lên xe khắp các chuyến hàng Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Sơn Tây...

Theo người dân, giá nón bây giờ đã tăng được chút xíu, trung bình khoảng 30 nghìn đến 50 nghìn một chiếc tùy từng loại, với những loại trang trí cầu kỳ màu sắc thì phải đặt riêng với giá thành cao hơn.

Tuy nhiên, cũng như người dân làng nghề khác, nón làng Chuông đang đối mặt với những thử thách rất lớn từ cơ chế thị trường và vòng xoáy đô thị hóa.

Bác Vũ Thị Hòa (63 tuổi) làm dâu làng Chuông và kể từ đó lấy nghề nón là nghề chính

Nhớ về thời “vang bóng” của làng nghề, bác Vũ Thị Hòa (63 tuổi) cho biết: “Ngày trước nhiều người làm nghề lắm, nhưng giờ mọi người đi làm hết rồi, thanh niên giờ ngồi ở nhà chán, bỏ đi làm việc khác. Ngày xưa đông thật, một nhà có hơn chục người ngồi, tối đến các bà còn ngồi đèn dầu để làm. Giờ thì chỉ còn 2-3 người, thi thoảng mới có 1-2 người sang làm cùng”.

Giờ đây, những người làm nón ở làng Chuông chủ yếu là người có tuổi, người trẻ bận bịu con cái, thanh niên rất ít người còn theo nghiệp cha ông. Bác Mỳ cho biết: “Nhà tôi chỉ còn mình tôi làm nghề này, con cái đi làm hết, mình có tuổi rồi nên không đi đâu cả, chỉ ở nhà làm nón thôi”.

Cũng vì người làm nón chính Chuông ngày càng ít dần nên sản phẩm của người dân làng nghề luôn được các nhà buôn săn đón. Bác Hòa cho hay: “Cứ 10 ngày làm xong thì đưa 10 chiếc nón ra bán, cứ đứng ở chợ là có người mua ngay”.

Rõ ràng, cuộc sống hiện đại đã tác động không nhỏ đến việc phát triển làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, người dân làng Chuông đang nỗ lực để giữ lửa nghề truyền thống. Vì người dân làng Chuông luôn tâm niệm, còn có người dùng nón thì còn có người làm nghề.

Tính bằng thế kỷ, chiếc nón làng Chuông không chỉ che nắng che mưa mà còn làm duyên làm điệu cho biết bao người phụ nữ Việt Nam xưa và nay.

                                                                                        Theo: infonet.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.470.684
Tổng truy cập: