LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
"Con suối" chữ nghĩa ở làng Ða Sỹ
(Ngày đăng: 31/08/2012   Lượt xem: 650)


Hằng ngày ông Trịnh Quốc Hoàn dành nhiều thời gian nghiên cứu vốn văn hóa cổ truyền.  
 
Làng Ða Sỹ có 11 tiến sĩ được vinh danh dưới thời phong kiến. Thế nhưng thời gian xói mòn nhiều phong tục tốt đẹp. Huyền Khê Trịnh Quốc Hoàn âm thầm gom nhặt những chuyện xưa, chuyện nay ở làng. Những câu chuyện về cây đa, góc chợ, mái đình..., về những tục lệ làng quê Ða Sỹ qua ngòi bút của ông, trở nên gần gũi, để mọi người hiểu và thêm tự hào về truyền thống quê hương.

Không phải là nhà nghiên cứu, nhưng căn nhà của ông Trịnh Quốc Hoàn (tổ 6, phường Kiến Hưng, quận Hà Ðông, tức làng Ða Sỹ cũ) chỗ nào cũng ngổn ngang sách vở. Nhiều nhất là những cuốn sách chữ Hán. Chỉ còn vài năm nữa là sang tuổi 80, nhưng người ta luôn thấy ông Hoàn bận bịu với sách vở. Cách đây không lâu, ông Hoàn phải mổ đục thủy tinh thể. Mắt kém là thế, nhưng những cuốn sách như vật 'bất ly thân'.

Ông Trịnh Quốc Hoàn, hiệu Huyền Khê, là đời thứ 13 của họ Trịnh Hữu - một dòng họ lớn của làng Ða Sỹ. 12 đời trước gia đình đều làm nghề thầy thuốc, kiêm dạy học và thầy địa lý. Ông Hoàn học chữ Hán từ nhỏ. Các bậc tiền nhân làm thuốc ở làng Ða Sỹ, trong đó có tổ tiên Huyền Khê Trịnh Quốc Hoàn xưa làm thuốc không đặt giá tiền, người bệnh trả bao nhiêu cũng nhận. Có người trả thúng gạo, có người biếu cành cau... Nghiệp thuốc, nghiệp dạy học là để nâng cao văn hóa, là để cứu người. Truyền thống Ða Sỹ là thế. Ngẫm xưa, rồi lại nghĩ chuyện nay, ông thường bảo: Các cụ có nhiều câu chuyện về đạo đức, về gia phong hay lắm, không giữ lại, nói cho con cháu biết thì hỏng hết. Ðộng lực ấy thôi thúc ông ngày ngày cần mẫn với công việc. Ông nghiên cứu, tìm tòi, phổ biến bằng truyền miệng. Nhiều người thấy vốn cổ học của ông uyên thâm quá, thật tiếc nếu không để lại tác phẩm cho đời. Trong số đó, có Phó Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, động viên ông viết, cuốn đầu tay có tên 'Cội nguồn', gồm những câu đối, thơ, phú. Nhưng thế là chưa đủ. Ông Hoàn nghĩ mình sẽ viết gì đây nếu không phải viết về làng Ða Sỹ? Tổ tiên ông bao đời góp phần gây dựng quê hương. Từng mái đình, bờ tre, từng bức tượng Phật trong chùa, từng dịp hội hè, giỗ chạp... đều quá đỗi thân quen, với biết bao kỷ niệm. Ông luôn mắc nợ làng Ða Sỹ. Phải trả nghĩa cho làng quê nuôi lớn mình. Mà cũng để con cháu sau này hiểu thêm về tiền nhân. 'Lại... việc làng' (NXB Hà Nội 2008) ra đời. Ông Hoàn chẳng ngờ, nhiều người đón nhận cuốn sách một cách hân hoan. Nhất là những người dân quê ông. Ðúng như tên gọi đó, cuốn sách kể toàn những... việc làng. Ông bảo: Có anh nhà báo gọi tôi là người chép sử là không đúng. Tôi không dám nhận mình là người chép sử đâu. Tôi tìm hiểu văn hóa làng, biết đến đâu viết đến đó.

'Lại... việc làng' không phải sử làng, đúng hơn, nó là một cuốn biên khảo về các phong tục, tập quán của làng quê Bắc Bộ xưa, từ việc ma chay, cưới hỏi, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo... Huyền Khê Trịnh Quốc Hoàn đi từ khái quát về những phong tục đó, rồi đi vào cụ thể ở Ða Sỹ ra sao. Ðôi khi, ông dựng lên những câu chuyện nho nhỏ, với những nhân vật trong đó, qua đó, những người học vấn không cao cũng dễ hình dung. Cách viết này phảng phất phong cách của nhà nghiên cứu Phan Kế Bính khi viết về phong tục Việt Nam. Phần tinh túy nhất là phần về hội hè, các phong tục quanh lễ hội, những tục lệ tế thọ, mừng thọ, những trò chơi dân gian của người Ða Sỹ. Ngoài chuyện về thành hoàng làng - Danh y Hoàng Ðôn Hòa - mà ai cũng biết, ông cung cấp thêm những câu chuyện thú vị như thủa trước, kiệu rước bài vị thành hoàng làng Ða Sỹ còn to hơn cả kiệu vua nhà Nguyễn. Vua Nguyễn biết tin, cho dân làng phạm tội 'mạn thượng'. Triều đình cử quan quân đến tra khảo, nhưng dân làng được mật báo, đã nhanh trí đào một cái ao giấu cỗ kiệu dưới đó, rồi phủ bèo lên trên. Nhờ thế, dân làng giữ được cỗ kiệu quý báu. Các nghi thức lễ bái, nhân sự, hậu cần, lễ tân của lễ hội đều được Huyền Khê Trịnh Quốc Hoàn mô tả kỹ lưỡng. Nhiều người bảo rằng nếu chẳng may sau này có biến đổi, chỉ cần giở 'Lại... việc làng' ra là có thể tổ chức mọi sự y như truyền thống.

Nhờ kiến thức uyên thâm, mà ông góp phần giải mã một vấn đề quan trọng, đó là làng Ða Sỹ có từ bao giờ. Trước đây, từng có một tiến sĩ viết sách rằng làng Ða Sỹ có từ thế kỷ XVI. Tình cờ, khi đọc ngọc phả làng Mậu Lương (ngôi làng cạnh làng Ða Sỹ), ông phát hiện ra một đoạn nói rằng, hai vị thành hoàng làng Mậu Lương, ngoài dạy nghề cho dân làng, cải lương phong tục còn dạy dân làng Sẽ (tên nôm làng Ða Sỹ) nghề rèn công cụ. Nhị vị thành hoàng làng Mậu Lương là tướng của Vua Hùng, từng tham gia chống giặc Tần khi nhà Tần tiến đánh nước ta. Vậy là mọi việc đã được sáng tỏ. Làng Ða Sỹ ít nhất đã có từ khoảng 2200 năm trước. Lịch sử nghề rèn cũng nhờ đó mà được khẳng định bằng giấy trắng, mực đen, thay vì suy nghĩ nó mới có cách đây hơn 200 năm như nhiều người quan niệm.

Huyền Khê Trịnh Quốc Hoàn đang chuẩn bị hoàn thành cuốn sách 'Thiên thu âm vọng'. Cuốn sách chủ yếu là thơ, phú với nhiều đề tài lịch sử. Ông cũng ấp ủ viết tiếp một tác phẩm nữa về nghề rèn Ða Sỹ. Ðiều ông lo nhất là thời gian và tuổi tác, khi căn bệnh tiểu đường khiến ông phải dành rất nhiều thời gian để luyện tập. Ða Sỹ là đất học, đất thuốc, đất rèn. Mươi năm nay, làng không còn người theo nghề thuốc cổ truyền. Ông cùng những người đại diện họ Trịnh thường động viên con cháu cố gắng học nghề. Bước đầu, đã có một số cháu làm nghề y. Nghề rèn cũng để lại trong ông nhiều trăn trở. Cứ đà này, không tránh được sự mai một trong nay mai. Hỏi về giữ nghề, ông băn khoăn: 'Phải phát huy cái tinh của nghề thì mới giữ được, nhất là khi ngày càng có nhiều máy móc sản xuất ra các dụng cụ cạnh tranh. Có hai kỹ thuật cổ truyền độc đáo là bả thép và bổ thép. Bả là nung đỏ hai miếng thép, một miếng chất lượng thấp và một miếng chất lượng cao rồi ghép chúng lại với nhau, tạo thành một sản phẩm rất bền. Ðặc biệt là bổ thép. Người thợ làm dụng cụ bằng một loại thép mềm, rồi bổ đôi lưỡi của nó ra, chập thép cứng vào làm lưỡi. Loại dao này chặt những thứ cứng như mấu tre già cũng chẳng thấm gì. Nhưng giờ làng chỉ còn một, hai cụ giữ được kỹ thuật bổ thép mà thôi...'.

Nhiều người thắc mắc về hai chữ 'Huyền Khê' ông dùng làm tên hiệu. Ông bảo, Huyền Khê là con suối huyền ảo. Huyền Khê là tên cũ của Ða Sỹ, bởi lẽ ở đây xưa kia có khe suối, có phong cảnh hữu tình. Cái 'khe suối' chữ nghĩa của Trịnh Quốc Hoàn, hy vọng sẽ còn chảy đến mai sau.

GIANG NAM
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
76.163.579
Tổng truy cập: