LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nếp làng còn sót lại
(Ngày đăng: 31/08/2012   Lượt xem: 554)


Vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng đình làng Ðăm, ngoại thành Hà Nội.
 Ảnh: ÐĂNG KHOA  
 
Ngày trước, suốt cả năm trời mỏi mắt, mong ngóng có được mấy ngày nghỉ ngắn ngủi. Nay, nghỉ nhiều quá hóa nhàm. Ở cái tuổi ăn không nổi, chơi không rành, biết đi đâu, làm gì? Nghĩ đến những chỗ chơi, nơi nghỉ, lại ớn người. Ði cho thêm mệt, về chỉ thêm bực. Resort thì xa, đâu đến lượt dân thu nhập... tầm thấp. Thôi thì chịu khó về quê ông bạn vong niên, ngay ở khu vực Hà Nội mở rộng. Chẳng phải quê quán của mình, cũng là gốc rễ mấy đời. Trong huyết mạch mọi người, ai chẳng có hơn già nửa là "máu nông dân"...

Lại nhớ hồi sơ tán, về quê chỉ rặt xe đạp, đèo bòng gạo mì, dầu mỡ. Ðể lại sau lưng những dãy phố, những con đường thưa vắng bóng người, im bặt tiếng nói cười. Bây giờ, đi xe chất lượng cao, máy lạnh mát rượi. Có bị nhồi nhét, lèn như cá ướp, cố cắn răng mà chịu. Chỉ nhìn thoáng trong xe, biết ngay ai là ô-sin, là nông nhàn tranh thủ lên thành phố đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nhặt nhạnh, ky cóp từng đồng. Mỗi khuôn mặt, một số phận, một nỗi niềm. Lọt giữa những người tha phương trở về quê hương, mình hóa ra lạc lõng. Ðâu phải mình tìm về quê mình, không thấp thỏm mong gặp ai, cũng không ai mong đợi. Nên trong lòng hờ hững và dửng dưng. Qua mấy nhịp cầu bê-tông, khấp khểnh, đã tới đầu làng. Năm nay nhuận tháng tư âm, cho nên có lúc trời như cữ cuối thu muộn. Có mưa bóng mây lất phất tưởng mưa phùn. Ðường làng mà láng nhựa bóng loáng như ngoài quốc lộ. Ðường ngang, lối ngõ bê-tông phẳng lì dẫn tới tận cổng. Bàn chân đặt xuống cứng đơ, chứ không êm mềm như đường đất, rịn bước chân, mát rượi bóng tre, ẩm ướt hơi đất. Không 'cứng hóa' thì mùa mưa trượt trật mặt. Xe máy, xe chở phân, giống, thuốc trừ sâu hay chở lúa, chạy rầm rập, chịu sao nổi. Làng gì mà không thấy tán đa trùm bóng cổ tích. Không có cả giếng nước, sân đình. Khói chiều tan loãng trên những mái bằng san sát như ngõ phố. Nếp làng đang xơ cứng, chẳng còn ấm cúng, mềm mại như cách nay mấy chục năm, như vẫn ấn tượng trong ký ức. Bây giờ, giếng nước khơi thay bằng nước giếng khoan. Máy bơm rì rầm suốt ngày đêm, thay cho gầu sòng, gầu dai kẽo kẹt tát nước. Ðô thị hóa đã áp sát làng, lấn sâu vào từng xóm ngõ, từng nếp nhà, cả nếp sống, nếp nghĩ. Làng xóm mở toang hoác, thông thống, không còn che chắn, bọc kín sau những lũy tre gai rậm, dầy đặc. Vẫn còn sót lại dậu cúc tần, hàng rào duối đan kín, hoa chín vàng lấm tấm. Bất chợt, ùa ra từ đầu ngõ, người già, đàn bà, trẻ con. Tíu tít, ríu rít nói cười, tay bắt mặt mừng. Như người thân đi xa trở về. Thoáng một chút ngỡ ngàng, bối rối, khó xử. Bỗng dưng chạnh lòng, giá như đây là quê mình. Lòng người dân quê ở đâu chả thế, chân tình, mộc mạc đến thô ráp, sần sùi. Ðầy ba gian nhà râm ran, đầy ắp nói cười xởi lởi. Nửa chậu nước mưa trong vắt, mát lạnh. Khăn mặt trắng tinh, rửa trôi mọi bụi bặm, mệt mỏi và cả sự xa lạ, khách khí. Chè tươi hãm trong ấm, bằng nước mưa lưu niên, rót ra bát sành sánh đặc, óng vàng thơm thảo tấm lòng quê. Giường kê sát cửa sổ, gió từ ngoài đồng lúa ùa vào. Ở thành phố, nhà cửa chen chúc, lấy đâu ra gió trời trong lành thế này. Xế ngọn tre pheo gió đung đưa, treo một mảnh trăng khuyết, như đong đưa theo gió. Trăng quê khác hẳn trăng thành phố, vằng vặc, trong vắt và mát rượi như đẫm nước. Chẳng biết có thức nổi tàn canh mà ngắm trăng hao mòn...

Có lẽ hơn hai chục năm, mới được ngủ một giấc sâu đến thế. Vì có tiếng chim sâu ríu ran trên ngọn cây kiếm mồi sớm, nên tôi thức giấc. Tiếng chim lạ lắm, từng giọt trong veo rơi xuống tinh không. Khác hẳn tiếng chim tù túng nhốt trong bốn bề bê-tông. Ðầu óc sạch bóng, trong suốt. Váng vất, mộng mị đều tan biến. Bên ngoài đã hửng sáng, tôi lững thững bước ra cánh đồng. Sương đêm ướt mềm bờ cỏ. Sương treo đầu ngọn lúa. Gió từ ngoài sông náo nức lùa về. Lúa đang ngậm đòng, đong đưa, lả lướt như từng lớp sóng lăn tăn. Khẽ cúi, tuốt nhẹ ngọn đòng mỡ màng, nhấm nháp chút sữa lúa non thơm mùi cốm. Hình như có bóng ai thấp thoáng dưới ruộng lúa ngậm đòng. Rẽ lúa bước lên, bà cụ già lưng còng như ngọn lúa uốn đòng, đứng sững trước mặt. Chẳng cần biết là người lạ, bà cụ giãi bày, đàn ông, trai tráng kéo nhau ra Hà Nội kiếm việc, kiếm tiền hết cả rồi. Lấy đâu ra người làm. Còn lại rặt người già, đàn bà, con gái với trẻ em. Vụ gặt vừa rồi, lúa chín rục ngoài đồng, phải mướn người nơi khác đến gặt. Tôi chỉ khẽ khơi chuyện, bà cụ nói một mạch không ngắt lời. Ông cứ vào làng khắc rõ. Nhà nào mà xây mái bằng, trông khấm khá một chút thì toàn là đàn bà, trẻ con ở nhà. Không có đàn ông là nhà không nóc, ông ạ. Nhưng ra thành phố làm phu hồ, làm cửu vạn, làm ô- sin thì mới rủng rỉnh tiền bạc xây nhà, sắm xe máy, ti-vi...

Ậm ừ cho qua chuyện, rồi tôi lẳng lặng men theo bờ ruộng, rảo bước vào giữa làng, nơi lao xao tiếng người. Chợ làng đang đông dần, y như chợ cóc ngoài Hà Nội. Ê hề những mẹt thịt, thịt trâu, thịt lợn, có cả gà, vịt làm sẵn. Chợ quê giờ khó tìm ra những món quà quê đặc sản như bánh đúc chấm tương, đậu phụ mắm tôm hay canh bánh đa cua đồng. Cũng vắng hẳn lọ kẹo bột, bánh đa khoai, thay vào đó là kẹo mút, các loại bim bim sặc sỡ sắc mầu. Con đường vắt qua làng mở ra hai bên nào là cửa hiệu, nhà hàng, quán xá. Thành phố có thứ gì, ở đây có nấy. Cửa hàng in-tơ-nét, trò chơi điện tử, may đo quần áo, thời trang tóc, rồi cửa hàng quạt điện, xe máy. Có cả quán ka-ra-ô-kê nhấp nháy đèn mầu. Nông thôn đang 'thay da đổi thịt'. Nông dân cũng ăn sáng, điểm tâm với phở bò, phở gà, bánh cuốn, bánh bao, cháo lòng và uống bia chai. Mặt trời đang lên dần, lưng chừng ngọn tre. Nắng tãi trên con kênh thủy lợi ắp đầy nước lặng lờ. Bên kia là quây quần trụ sở ủy ban xã, trường tiểu học, trạm y tế, trạm điện hạ thế. Ðiện, đường, trường, trạm không thiếu thứ gì. Dường như còn thiếu một cái gì đó, mà tôi chưa thể nhận ra. Nhẩn nha đếm từng bước, rẽ vào một con ngõ nhỏ đất mịn chưa bị 'cứng hóa', thì gặp một cụ ông thuộc bậc cao niên. Người già là cả kho chuyện, mà lại vớ ngay được người thành phố về, ông cụ mời tôi ngồi ngoài mái hiên. Trên chiếc chõng tre sậm màu mồ hôi, chuyện làng đậm đặc hơn cả chè mạn, rót mãi, uống mãi vẫn thấy vị chát. Cụ chỉ ra ngoài đồng, thủng thẳng từng câu, ông tính, làng tôi có thiếu gì đâu, thậm chí còn thừa. Thừa điện không có gì mà dùng, thừa đường không mấy ai đi. Nhưng thiếu nghề phụ thì nhặt nhạnh đồng ra, đồng vào ở đâu? 'Phi nông bất ổn, phi thương bất phú'. Ðàn ông, thanh niên bỏ ruộng vườn đi kiếm tiền, để lại việc đồng áng cho ông bà, cho cánh đàn bà, con gái, trẻ con. 'Vắng đàn ông quạnh nhà', nhiều nhà đổ mái bằng, tiện nghi không thiếu. Chỉ thiếu trụ cột, thiếu vắng người chồng, người cha. Lấy ai giữ nếp nhà, dạy bảo con cái hay hương khói cho tổ tiên, giỗ chạp? Lũ trẻ cố học hết phổ thông hay lên trung học, rồi biết học nghề gì, làm gì, hả ông...

Chuyện dông dài, nên tôi kiếm cớ, bước ra bờ ao sau nhà. Ði qua mảnh sân rêu xanh phủ dầy, là một ngôi nhà mái bằng, cửa đóng then cài. Giếng khơi ăm ắp nước, lá mít rụng đầy. Bầu treo trĩu trịt đầy giàn, không ai hái. Cá đầy ao, không ai bắt. Vắng hơi người, nhà như bỏ hoang. Buổi chiều và cả ngày hôm sau, tôi lang thang khắp làng với cảm giác hoang hoải như thế. Sống ở quê, một ngày mãi không hết. Không báo đài, di động, điều hòa. Không thời gian níu kéo, người nhẹ tênh như không. Rồi chiều ấy, lại ra bến xe về với bụi bặm, ồn ào và chen chúc. Ðể lại sau lưng những đôi mắt trẻ thơ buồn ngơ ngác, những người già tựa cửa ngóng trông. Ðài nhà ai vẳng nghe câu hát: 'Quê nhà tôi ơi... Bóng mẹ liêu xiêu, trong chiều buông gió. Nhớ thương đàn con, biết phương trời nao...' Chân không sao nhấc nổi, ngoái nhìn lại. Cây gạo cổ thụ giơ lên trời những khẳng khiu cành khô, trụi lá, trông như những cánh tay với theo.

                                                                                                       Theo: ( Trang Hà Nội)  - NHÃ KHANH

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

85
Đang xem:
76.244.898
Tổng truy cập: